Bản tin 7 ngày địa ốc: Thị trường địa ốc được tiếp sức

Thủy Tiên SM | 10:54 19/11/2022

Thủ tướng lập tổ công tác gỡ khó cho thị trường, liên tiếp nhiều doanh nghiệp địa ốc mua lại trái phiếu trước hạn… là các tiêu điểm của địa ốc tuần qua.

Bản tin 7 ngày địa ốc: Thị trường địa ốc được tiếp sức
Thủ tướng đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản. Ảnh: Thủy Tiên
Nghe: Bản tin 7 ngày địa ốc

Thủ tướng lập tổ công tác gỡ khó cho các dự án bất động sản

Ngày 17/11, Thủ tướng quyết định thành lập tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành.

Quyết định được ban hành trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đối diện nhiều khó khăn, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO. Một số đơn vị cũng đang tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động hoặc giảm lương của lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% nhân sự.

Loạt doanh nghiệp bất động sản mua lại trái phiếu trước hạn 

Thông báo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, trên thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ.

Ngày 14/11, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia mua lại 240,5 tỷ đồng trái phiếu trước hạn của lô trái phiếu trước hạn 300 tỷ đồng huy động vào cuối năm 2021, kỳ hạn 12 tháng. Trước đó, ngày 1/11, An Gia cũng đã mua lại 456 tỷ đồng của lô trái phiếu có kỳ hạn 10 năm được phát hành vào 9/2021.

Cũng trong tháng 11, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam thực hiện 12 lần mua lại trái phiếu trước hạn, tổng giá trị trái phiếu mua lại hơn 3,56 tỷ đồng. Vào tháng 10, công ty này đã thực hiện 19 lần mua lại với tổng giá trị 55 tỷ đồng trái phiếu.

Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng mua lại hơn 80 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong lô trái phiếu có giá trị phát hành 250 tỷ đồng với kỳ hạn 52 tháng, đáo hạn năm 2024.

Mới đây nhất, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG Corp) cũng vừa hoàn tất mua lại lô trái phiếu đã phát hành trước đó với tổng giá trị mua lại là 1.600 tỷ đồng…

Trên thực tế, hiện tượng doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước thời hạn xuất hiện hàng loạt kể từ sau sự kiện hủy các lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào tháng 4.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật, nhà đầu tư cần cẩn trọng phân tích, phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp tránh rủi ro.

Bình luận về hiện tượng doanh nghiệp liên tiếp mua lại trái phiếu trước hạn, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Nghị định 65/2022 sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực vào 16/9/2022 đã bổ sung một nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề này. Nghị định nêu rõ doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước hạn khi vi phạm phương án phát hành; trong đó, có phương án sử dụng vốn hoặc vi phạm pháp luật. 

Trung Quốc quyết tâm cứu ngành địa ốc

1x_1.jpg
Thay vì những động thái riêng lẻ, giới chức Trung Quốc đã đưa ra 16 biện pháp để vực dậy ngành công nghiệp bất động sản. Ảnh: Bloomberg.

Theo nguồn tin của Bloomberg, cuối tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc đã thông báo cho các tổ chức tài chính lên kế hoạch "đảm bảo sự phát triển ổn định và lành mạnh của lĩnh vực bất động sản".

Không giống các động thái riêng lẻ trước đây, thông báo bao gồm 16 biện pháp, trong đó có giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản của doanh nghiệp địa ốc và nới lỏng yêu cầu thanh toán với người mua nhà.

Theo kế hoạch giải cứu, những khoản vay của các công ty bất động sản đến hạn thanh toán trong vòng 6 tháng tới có thể được gia hạn thêm một năm.

Những khoản thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp này cũng có khả năng được gia hạn hoặc hoán đổi thông qua việc đàm phán.

Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu những vết thương trong ngành công nghiệp bất động sản. Các biện pháp được đưa ra bao gồm cắt giảm lãi suất, thúc giục những nhà băng lớn mở rộng cho vay 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 140 tỷ USD) trong phần còn lại của năm, và cung cấp các khoản vay đặc biệt thông qua những ngân hàng chính sách nhằm đảm bảo hoàn thành các dự án dở dang.

Một trong những thay đổi lớn nhất là cho phép nới lỏng "tạm thời" các hạn chế đối với việc cấp tín dụng cho những doanh nghiệp bất động sản.

Ông Larry Hu - Trưởng bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group - cho rằng những động thái trên của chính quyền Trung Quốc là "động thái nới lỏng đáng kể". Những thay đổi này sẽ hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới, và tiếp nhiệt lượng cho đà phục hồi của thị trường chứng khoán.

Một số tin đáng chú ý khác

Hà Nội không ưu tiên làm nhà ở tại khu đất hậu di dời nhà máy 

Trao đổi với báo chí mới đây, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay việc di dời các trụ sở bộ ngành, cơ sở công nghiệp và hệ thống các trường đại học ra khỏi nội thành Hà Nội là vấn đề thành phố cần ưu tiên giải quyết trong thời gian tới.

"Sau khi di dời các cơ sở trên, thành phố sẽ tính toán việc sử dụng quỹ đất theo chủ trương không ưu tiên làm nhà ở mà tập trung cho công trình công cộng", ông Dũng nói.

nha-may-xe-lua-vl1-zing-887.jpg
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sắp di dời khỏi nội đô. Ảnh: Việt Linh

Thực tế, gần 20 năm kể từ khi bắt đầu có chủ trương di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, trụ sở bộ ngành và trường đại học ra khỏi nội thành vào năm 2003, Hà Nội vẫn đang loay hoay với việc này. Đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm được đưa ra nghị trường Quốc hội, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị hôm 3/11.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường chất vấn thẳng thắn, cho rằng Hà Nội đang tồn tại thực trạng sử dụng quỹ đất sau khi di dời khỏi nội đô để xây chung cư, nhà ở thương mại, văn phòng. Việc này gây nên áp lực lên hạ tầng, giao thông và tiếp tục khiến dân số gia tăng ở nội thành.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời trụ sở bộ ngành và cơ sở công nghiệp được thực hiện theo Quyết định 130 của Thủ tướng.

Theo đó, Chính phủ xác định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời là ưu tiên xây dựng phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Ngoài ra, quỹ đất này sẽ được đấu giá công khai theo quy hoạch để cải tạo kinh phí tái đầu tư cho di dời.

Hải Phòng khởi công Dự án xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ

UBND thành phố Hải Phòng vừa tổ chức Lễ Khởi công xây dựng Dự án đầu tư xây dựng Tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Dự án có tổng chiều dài là 12.769 m với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/ 2025. Đây là dự án trọng điểm của thành phố, được thực hiện với mục tiêu phòng chống lụt, bão, nước biển dâng, tạo điều kiện phát triển cho Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Sở Xây dựng Đồng Nai không công nhận 752 căn nhà tại dự án Aqua City đủ điều kiện để bán hàng

Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản gửi Công ty TNHH Thành phố Aqua về việc hủy bỏ các văn bản trước đó về điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh đối với 752 căn nhà tại phân khu I và V thuộc dự án Aqua City (xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Nguyên nhân là dự án chưa được ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcombank) thẩm định, đánh giá, xét duyệt cấp tín dụng.

Tuy nhiên, Novaland lại cho biết đã ký kết thỏa thuận cấp bảo lãnh với ngân hàng PVCombank. Doanh nghiệp cam kết bảo lãnh nghĩa vụ cho từng khách hàng tại dự án này.

Theo chủ đầu tư, việc bảo lãnh nghĩa vụ tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản 2014 chỉ nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ.

"Thực tế, các phân khu của dự án Aqua City đã thi công hoàn chỉnh với tỉ lệ hoàn thành trên 92%, về hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật, dự án hiện đã hoàn thành 100% tiến độ. Công ty đang chuẩn bị mời khách hàng nhận bàn giao theo đúng tiến độ cam kết tại Hợp đồng mua bán đã ký với khách hàng", đại diện Novaland nêu rõ.

VietinBank khẳng định 'không bảo lãnh' cho nhà đầu tư dự án Trung tâm Bến du thuyền

Tuần qua, VietinBank phát đi thông báo khẳng định không phát hành bất cứ bảo lãnh nào cho người mua căn hộ dự án Trung tâm Bến du thuyền Nha Trang. VietinBank thực hiện cấp giới hạn tín dụng cho chủ đầu tư dự án và thực hiện các hợp đồng tín dụng cho khách hàng có nhu cầu vay vốn theo đúng quy định.

Thông báo này được phát đi sau khi hàng chục nhà đầu tư mua căn hộ condotel tại dự án này kéo đến một chi nhánh của Vietinbank căng băng rôn, yêu cầu đối thoại với lãnh đạo nhà băng để giải quyết các vấn đề phát sinh tại dự án Trung tâm bến du thuyền do CTCP Khách sạn Bến Du Thuyền làm chủ đầu tư. 

Dự án Trung tâm Bến du thuyền được xây dựng trên khu đất có diện tích 1,1 ha tại TP Nha Trang. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.421 tỷ đồng, được ra mắt và mở bán vào tháng 7/2018, dự kiến bàn giao vào năm 2020. Tuy nhiên, dự án sau đó không bàn giao đúng tiến độ. Các nhà đầu tư sau khi thanh toán 95% giá trị hợp đồng hiện chưa nhận được đủ thu nhập cam kết từ chủ đầu tư như cam kết ban đầu nhưng vẫn phải trả nợ và lãi vay cho ngân hàng. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bản tin 7 ngày địa ốc: Thị trường địa ốc được tiếp sức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO