“Chính phủ Việt Nam mới đây đã ban hành Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong Top 4 của khu vực ASEAN và trong Top 50 của thế giới”, thông tin đưa ra tại buổi gặp gỡ mới đây cùng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai.
Đại diện Western Digital nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng lớn để thay đổi cách làm việc và sống. Nó đã và đang thúc đẩy sự tiến bộ công nghệ, tạo ra những cơ hội mới và thách thức cho các doanh nghiệp.
Năm 2023, theo tính toán của Finbold, thị trường trí tuệ nhân tạo ước tính sẽ đạt 207,9 tỷ USD và dự đoán giá trị thị trường sẽ tăng gấp 7 lần để đạt 1,87 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Theo đó thị trường này sẽ đạt hơn 1.000 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2028.
Đặc biệt, hậu Covid-19, trí tuệ nhân tạo được xem là cơ hội cho doanh nghiệp. Kinh tế khó khăn, suy thoái toàn cầu đang ngày càng hiện hữu, tạo ra thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng đẩy nhanh chuyển đổi số, tái cấu trúc doanh nghiệp, xây dựng lại quy trình quản trị, nhằm tối ưu hóa vận hành.
Do đó, ban quản lý xác định việc đưa AI vào vận hành doanh nghiệp, nhà máy là cần thiết để nắm bắt kịp xu thế tất yếu của tương lai vừa giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí.
Hiện, tỉnh Đồng Nai có 33 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất 10.514 ha; trong đó 32/33 KCN Đồng Nai đã cho thuê được 6.007 ha, đạt 85,41% diện tích đất cho thuê. Đến nay, 33 KCN Đồng Nai đã có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 2.083 dự án; trong đó, 1.430 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 29,2 tỷ USD, vốn thực hiện 22,7 tỷ USD và 653 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 79 ngàn tỷ đồng.
Dù vậy, phân tích dữ liệu trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang chưa được các doanh nghiệp chú trọng và khai thác hết tiềm năng. Đặc biệt, hạ tầng dữ liệu và tính toán của Việt Nam mới đang ở mức sơ khởi. Các doanh nghiệp Việt dù lo lắng quá nhiều hay chủ quan cho rằng chưa cần thì nay cũng vẫn phải buộc thay đổi để tiếp cận trí tuệ nhân tạo AI.
Trong khi, để phát triển AI, trước tiên Việt Nam phải có bước đi phù hợp trong đào tạo nguồn nhân lực cả bề rộng và chiều sâu. Khi biết cách tận dụng vào AI vào vận hành, doanh nghiệp sẽ nhận ra lợi ích của ở các điểm: giúp bảo trì dự đoán và phòng ngừa, phát hiện khiếm khuyết, đo lường năng suất hiệu quả… đại diện OPSWAT nhìn nhận.
OPSWAT là doanh nghiệp hoạt động về an ninh mạng dành cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu, Công ty mới đây cũng giới thiệu 10 giải pháp an ninh mạng nâng cao dành cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu và doanh nghiệp.
Song song với đẩy mạnh chuyển đổi số, an toàn mạng cũng là bài toán cấp thiết. Khi, sự phát triển công nghệ đã thúc đẩy các cơ sở hạ tầng trọng yếu và doanh nghiệp sản xuất xây dựng mô hình nhà máy thông minh với các thiết bị, máy móc được kết nối thông qua Internet vạn vật công nghiệp (Industrial IoT). Sự hội tụ này khiến không chỉ hệ thống công nghệ thông tin (IT) mà hệ thống công nghệ vận hành (OT) và điều khiển công nghiệp (ICS) của doanh nghiệp trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng.
Nhìn chung, cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đang diễn ra trên toàn thế giới, cung cấp một cách tiếp cận liên kết và toàn diện hơn cho sản xuất. Công nghiệp trao quyền cho các chủ doanh nghiệp kiểm soát và hiểu rõ hơn mọi khía cạnh hoạt động của họ và cho phép họ tận dụng dữ liệu tức thời để tăng năng suất, cải thiện quy trình và thúc đẩy tăng trưởng.
Ở khía cạnh sản xuất, công nghiệp 4.0 cho phép các nhà máy thông minh, sản phẩm thông minh và chuỗi cung ứng cũng thông minh, và làm cho các hệ thống sản xuất và dịch vụ trở nên linh hoạt và đáp ứng khách hàng hơn.