Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HOREA) vừa có văn bản đề nghị gia hạn Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng đến hết ngày 31/12/2024 thay vì đến hết ngày 31/12/2023 như quy định hiện hành.
Một điểm đáng chú ý tại Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP là quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại điểm e khoản 2 Điều 12 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.
Theo lý giải của HOREA, việc đề nghị gia hạn nói trên xuất phát từ việc Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, cho đến nay mới chỉ thực hiện hơn 06 tháng (từ tháng 03-09/2023), nhưng đã đạt được một số kết quả rất thiết thực, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế và thị trường bất động sản vượt qua khó khăn và đang trong quá trình dần phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, liên quan đến quy định xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đến nay, các chuyên gia vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn liên quan đến tiến độ áp dụng quy định này trong thực tế nhằm lấy lại niềm tin cho thị trường trái phiếu.
Cụ thể, trước đó, ngay từ thời điểm Nghị định 08 được ban hành, bình luận với MarketTimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho biết chưa đồng tình với quy định rời xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đến hết năm 2023.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, bền vững thì theo thông lệ quốc tế, công tác xếp hạng tín nhiệm phải siết lại. Có nghĩa là thay vì rời lại cho đến sang năm (2024 - PV) thì tất cả các trái phiếu từ nay trở đi, bất kể lô nào cũng phải xếp hạng.
Thực tế cho thấy, sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được ban hành, với những diễn biến tương đối phức tạp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vào tháng 4/2023, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp chủ động sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và các hoạt động kiểm toán để tăng cường tính công khai, minh bạch giúp nhà đầu tư nhận thức rõ hơn về năng lực tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, cũng như các rủi ro liên quan để quyết định việc đầu tư trái phiếu.
Theo nhận định của các chuyên gia, xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu tại Việt Nam là một khía cạnh rất quan trọng mà các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư cần hết sức lưu tâm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu không được quan tâm nhiều như các nước khác, ảnh hưởng không tốt đến thị trường.
Cụ thể, theo các quy định hiện hành, trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng không bắt buộc phải được xếp hạng tín nhiệm. Theo đó, nhà đầu tư phải tự chịu rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu từ các doanh nghiệp không được đánh giá tín nhiệm về các khía cạnh đảm bảo cho lời hứa về lãi suất cao của họ.
Gải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Liên quan đến công tác xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, mới đây tại báo cáo nghiên cứu “Nâng cao hiệu quả xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp hướng tới môi trường đầu tư tài chính hiệu quả và minh bạch tại Việt Nam" của ThS. Trần Thúy Quỳnh, Trường Đại học Phenikaa đã đề xuất 3 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, để phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, Nhà nước nên có những quy định mang tính bắt buộc để dần dần tạo ra văn hóa xếp hạng tín nhiệm. Mặc dù giai đoạn đầu việc này có thể gây tăng chi phí cho những lần phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, tuy nhiên trong dài hạn sẽ tạo được động lực cho doanh nghiệp để tăng tính hiệu quả của mỗi lần phát hành. Việc tuyên truyền cũng như định hướng thị trường về lợi ích của hoạt động xếp hạng cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động của các doanh nghiệp trong việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
Thứ hai, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường các quy định để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và đáng tin cậy cho hoạt động xếp hạng. Đồng thời, các quy định như thay đổi công ty xếp hạng định kỳ cũng cần được tăng cường để giảm khả năng đánh giá không khách quan giữa doanh nghiệp xếp hạng và doanh nghiệp được xếp hạng. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm có thể đa dạng hóa các dịch vụ xếp hạng, trong đó có việc phát triển dịch vụ xếp hạng doanh nghiệp từ phía nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Do đó, Chính phủ nên có cơ chế hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ xếp hạng để hoạt động này có thể diễn ra sôi nổi hơn, cũng như thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động mở mới các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp bằng việc rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp
Thứ ba, bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hiện nay, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có thể nhanh chóng hoàn thiện phương pháp và quy trình quản lý thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và nguồn vốn từ các tổ chức xếp hạng quốc tế. Các hình thức hỗ trợ thành công tại các quốc gia khác bao gồm: hỗ trợ kỹ thuật không góp vốn, góp vốn kèm hỗ trợ kỹ thuật với tỷ lệ thấp hoặc lớn, và thành lập công ty con. Ngoài ra, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cần mở rộng kết nối với các bên tham gia thị trường, như các công ty chứng khoán và tư vấn phát hành, để đạt hiệu quả cao trong quá trình xếp hạng và phát hành. Mối quan hệ giữa bên xếp hạng, bên tư vấn và nhà phát hành có thể giúp quá trình này diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao.