Bamboo Capital (BCG) báo lỗ kỷ lục quý cuối năm, khối nợ tiếp tục “phình to”

Thu Thuỷ | 17:58 30/01/2023

Bức tranh kinh doanh ảm đạm Bamboo Capital báo lỗ quý 4/2022 gần 339 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng số dư nợ của doanh nghiệp này hiện hơn 14.900 tỷ đồng, phần lớn là nợ trái phiếu.

Bamboo Capital (BCG) báo lỗ kỷ lục quý cuối năm, khối nợ tiếp tục “phình to”
Bamboo Capital (BCG) báo lỗ gần 339 tỷ đồng trong quý 4/2022. Tuy nhiên, năm 2022 doanh nghiệp này vẫn lãi 546 tỷ đồng nhờ đóng góp tích cực từ các quý trước.

Công ty CP Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với doanh thu thuần đạt 1.221,1 tỷ đồng, tăng 78% so với quý 4/2021. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng vọt lên 1.089,4 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp công ty chỉ thu về vỏn vẹn 131,64 tỷ đồng giảm 38,8%. Cùng với việc ghi nhận sự suy giảm ở nhiều hạng mục kinh doanh quan trọng.

Cụ thể, doanh thu từ hoạt động tài chính thu về 385,22 tỷ đồng giảm 43,45%. Trong khi chi phí tài chính ở mức 640,2 tỷ đồng tăng 57,6%. Chi phí bán hàng cũng tăng lên 63,53 tỷ đồng, tăng 143,4%.

Kết quả, Bamboo Capital báo lỗ gần 339 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ 2021 doanh nghiệp này lãi 271,5 tỷ đồng.

Theo Bamboo Capital, sự chênh lệch lợi nhuận đến từ việc tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thấp đã có tác động tiêu cực đến các mảng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất cũng làm cho chi phí tài chính tăng mạnh so với cùng kỳ 2021.

Lũy kế cả năm, Bamboo Capital mang về 4.531,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 75% so với năm 2021 và 546,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm 45%. Nhưng kết quả, chỉ mới hoàn thành được 62,5% kế hoạch doanh thu và 25% kế hoạch lợi nhuận.

z4067527872610_8ea154e91af6ebbd372dfe646f3613e2.jpg

Đây là quý thua lỗ đầu tiên của Bamboo Capital kể từ năm 2014 tới nay.

Tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Bamboo Capital đạt mức 44.006 tỷ đồng, tăng gần 17% so với thời điểm đầu năm. Trong số đó, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 629,5 tỷ đồng (giảm 39,7%), đầu tư tài chính ngắn hạn 510,6 tỷ đồng (giảm 67,7%), các khoản phải thu ngắn hạn 13.610 tỷ đồng (tăng hơn 32%)…

Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn của Bamboo Capital cũng tăng mạnh lên hơn 13.600 tỷ đồng và chiếm 31% tổng tài sản. Tập đoàn cũng tăng rót vốn vào các đơn vị khác gấp 2,4 lần đầu năm với giá trị gần 3.900 tỷ đồng.

Cụ thể, cuối năm 2022, TPB (Ngân hàng TMCP Tiên Phong) không còn nằm trong danh mục chứng khoán của Bamboo Capital, có giá trị gốc hồi đầu năm là 990 tỷ đồng. Với danh mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, Bamboo Capital giải ngân mới các khoản đáng kể vào CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ Gia Khang hơn 1.017 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios 545 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và phát triển Sơn Long hơn 970 tỷ đồng…và một số công ty về điện năng lượng tái tạo.

Nợ phải trả của Bamboo Capital tăng nhẹ so với đầu năm lên mức 30.204,8 tỷ đồng, bao gồm 2.977,46 tỷ đồng vay và nợ tài chính ngắn hạn và 11.957,3 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn …

Về nguồn vốn, Bamboo Capital là doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh vay nợ trong năm với tổng số dư hơn 14.900 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là nợ trái phiếu chiếm 59% - hơn 7.533 tỷ đồng, còn lại là vay ngân hàng – chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này vẫn là ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) với hơn 2.027,8 tỷ đồng vay dài hạn và các đối tượng khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bamboo Capital (BCG) báo lỗ kỷ lục quý cuối năm, khối nợ tiếp tục “phình to”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO