“Tôi đã từng nấu những món 40-50 USD (dao động trên dưới 1 triệu đồng). Đấy là chuyện rất bình thường ở châu Âu. Nhưng món trị giá 100 USD là cả một câu chuyện khi bán nó ở Việt Nam. Việc truyền tải đến thực khách để người ta sẵn sàng bỏ số tiền đó ra không đơn giản”, đầu bếp Nguyễn Thái Minh – một trong 16 thí sinh tham gia Top Chef Việt Nam mùa 3 cho biết.
Đây chính là bài toán mà các đầu bếp phải đối mặt trong phần Thử thách Loại trừ của tập 1. Giám khảo Chuyên môn Đào Anh Tuấn – Chủ tịch Công ty Cổ phần FnbChain mang tới tờ 100 USD, đại diện cho đề bài: Nấu món ăn đường phố có giá trị 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) trong vòng 90 phút. Top 16 đầu bếp chia thành 8 đội thi đấu với nhau.
Mấu chốt của bài thi này là món ăn không những phải ngon, mà còn phải thuyết phục được ban giám khảo rằng nó xứng đáng với mức giá 100 USD, gây ra không ít khó khăn cho các thí sinh.
Chẳng hạn như với món ‘Vịt đồng bào xông khói vị phá lấu’ của 2 đầu bếp Nguyễn Quốc Trường và Đặng Văn Cường, giám khảo Luke Nguyễn thẳng thắn đặt câu hỏi: “Đáng 100 USD không?”.
Dàn giám khảo trong tập 1 Top Chef Việt Nam còn có bếp trưởng Peter Cường Franklin – ông chủ nhà hàng Ănăn Saigon vừa được trao một sao Michelin. Đây là một trong 4 nhà hàng Việt Nam đầu tiên đạt thành tựu này và là nhà hàng duy nhất tại TP. HCM được gắn sao.
Nhận xét về món ‘Vịt đồng bào xông khói vị phá lấu’ với thành phần chính là thịt vịt tartare (ăn tái) xông khói, bếp trưởng Peter Cường Franklin cho biết: “Bình thường tartare là món khai vị, người ta trả chừng 10 USD thôi”.
Một trong các thí sinh Top Chef Việt Nam năm nay là chị Đoàn Thị Anh Thư - Founder & CEO Vua Cua – startup tham gia Shark Tank mùa 4 và đã được Shark Liên rót vốn 2 lần. Món ‘Bánh canh cua bò Wagyu’ của chị và đầu bếp Phạm Trường Giang được làm công phu từ lúc thái nguyên liệu Wagyu, luộc cua cho đến khi cuốn, nhào nặn, nướng than.
Để bán được món này với giá hạng sang, giám khảo Đào Anh Tuấn đưa ra ý tưởng làm Omakase bánh canh. Omakase là một phong cách ẩm thực Nhật Bản, trong đó thực khách không gọi món, không hỏi giá, không kén chọn, để đầu bếp hoàn toàn quyết định món ăn.
2 món làm hài lòng ban giám khảo
Một trong hai món ăn được ban giám khảo khen ngợi là ‘Gan ngỗng nước lèo’ của hai đầu bếp Lê Thị Tường Vi và Đặng Trần Ngọc.
Hương vị chính của món này là nước dùng bún cá Châu Đốc kết hợp với vị béo nhẹ nhàng của gan ngỗng và vị thơm bùi của lạc luộc, một chút cay nhẹ của ớt, sự mượt mà của foam sữa chua ở trên. Pate gan ngỗng được bọc trong bánh tráng thanh long để không bị tan ra khi rót nước dùng, đồng thời tạo màu sắc thu hút cho món ăn.
Món thứ hai là ‘Bánh bột lọc xốt bơ nước mắm’ của hai đầu bếp Nguyễn Trần Vinh và Nguyễn Chí Tâm. Bánh bột lọc được bài trí trên chiếc bánh tráng mang lại cảm nhận như cơm dừa khi thưởng thức, nhưng thực tế lại được làm từ mực.
Giám khảo Đào Anh Tuấn cho rằng phần vàng trên món này không phù hợp, khách hàng cần nhiều hơn thế với 100 USD, nhưng ông khẳng định đây là món ăn ngon. Trong khi đó, bếp trưởng Peter Cường Franklin lại tỏ ra yêu thích món này.
“Đây là 2 món tôi nghĩ rằng có thể bán được với giá gần 100 USD. Tôi thích món bánh bột lọc nhất. Đủ hương vị, món ăn đẹp mắt và ngon”, ông chủ Ănăn Saigon đánh giá về 2 phần thi xuất sắc nhất.
Kết quả cuối cùng, đầu bếp Đặng Văn Cường – người chế biến vịt trong món ‘Vịt đồng bào xông khói vị phá lấu’ – là người đầu tiên bị loại.