Ngày 25/5, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Bộ Công Thương cùng UBND Tp.HCM đã đồng chủ trì khai mạc HCM Expo 2023, đặc biệt là diễn đàn Đẩy mạnh liên kết hướng đến Xuất khẩu xanh và Hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề Nông sản Việt vươn xa.
Đây là sự kiện do Sở Công Thương Tp.HCM và Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, trong bối cảnh thị trường nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng đặc biệt khó khăn.
Doanh nghiệp mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12%/năm
Nếu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 20 các quốc gia, vùng lãnh thổ (chiếm tỷ trọng 1,49% trên toàn cầu). Riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 (sau Singapore). Thì tốc độ tăng trưởng hạ nhiệt rõ rệt trong năm 2022, và sang 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt khoảng 211 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,6%). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Tp.HCM trong kỳ thậm chí giảm hơn 21% so với cùng kỳ, tác động trực tiếp và toàn diện đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp.
Tham gia chia sẻ tại diễn đàn, doanh nghiệp đặt mục tiêu đưa tăng trưởng xuất khẩu bình quân 12%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025. Đại diện doanh nghiệp có Masan Consumer, Công ty cho biết đang đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu các sản phẩm tiêu biểu ra thế giới.
“Như đã chia sẻ, chúng tôi nhắm tới mục tiêu 15% doanh số năm 2027 tới từ quốc tế. Hiện, con số chỉ là 4%, như vậy mỗi năm phải thêm 2-3% trong phần tỷ trọng này. Masan Consumer hiện đang đẩy mạnh chiến lược Go Global - mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Mục tiêu đến năm 2027, quốc tế sẽ đóng góp 15% doanh số Công ty.
Nhật Bản đang là thị trường thành công của Công ty. Nhật cũng là tiền đề cho gia vị Chinsu nói riêng và các sản phẩm khác của Masan Consumer nói chung thâm nhập nhiều thị trường phát triển khác trên thế giới như Hàn Quốc, Úc, châu Âu và Bắc Mỹ”, đại diện doanh nghiệp nói thêm.
Một vấn đề nóng liên quan đến xuất khẩu nông sản, từ đầu năm đến nay tình trạng nhiều doanh nghiệp kêu khó cả đầu ra lẫn đầu vào. Thực tế, từ sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, nhất là sang thị trường Nhật Bản đang phải đối mặt với những vướng mắc về vốn, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, bảo hộ về giống… Trong khi chiều ngược lại, nguồn vốn để thu mua nguyên liệu, đóng gói bao bì, khiến nhiều đơn vị “đau đầu”.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp lúc này cần thay đổi tư duy về “tính xanh” trong chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế ở các lĩnh vực trọng điểm hiện nay. Việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh kỳ vọng của tất cả doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị đơn hàng cũng như mở rộng thị trường đích.
Chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm đến 20-25%
Ngoài ra, vẫn còn nhiều bất cập khiến xuất khẩu nông sản Việt Nam chưa thực sự bền vững, đầu tiên là chi phí Logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20-25%, khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10-15%). Trong khi kết nối hạ tầng Logistics phục vụ nông nghiệp còn bất cập, năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế, chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics hầu hết do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu.
Hiện, dịch vụ Logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn, trong khi tại nhiều nơi như ĐBSCL được coi là vựa lúa, vựa nông thủy sản lớn nhất đất nước thì dịch vụ này lại chậm phát triển.
Cuối cùng, kênh phân phối nông sản qua hệ thống chợ đầu mối và chợ dân sinh chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Các trung tâm logistics phân bố manh mún và đầu tư tự phát dựa trên nhu cầu của một số nhóm khách hàng, chưa có tính kết nối Số lượng chợ lớn (chiếm 86%) nhưng quy mô nhỏ.
Để có bài toán hoàn chỉnh, các bên đề xuất cần cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, song song triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu quốc gia, phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc... đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế. Mở rộng thị trường sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu hay Trung Đông; Nga, châu Phi, ASEAN... Song song tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.