Từ 4 cửa hàng nhà thuốc mua lại từ năm 2017, đến nay Long Châu đã bứt phá mở rộng lên gần 1.500 cửa hàng, đứng đầu chuỗi bán lẻ dược phẩm xét về quy mô. Con số cửa hàng hiện tại của Pharmacity và An Khang lần lượt là 932 và 527.
Đây cũng là chuỗi dược đầu tiên công bố đạt được lợi nhuận hoạt động, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành loay hoay tìm kiếm mức hòa vốn. Năm 2023, mảng dược phẩm mang về 15.925 tỷ đồng, vượt FPT Shop và chính thức đóng góp chính (50% doanh thu) cho Tập đoàn.
Giữa giai đoạn “sung sức” của chuỗi dược, bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FPT Retail (FRT) – vừa có những chia sẻ chi tiết về công thức thành công cũng như tham vọng của Long Châu.
Đầu tiên, bí quyết của Long Châu theo người đứng đầu, gói gọn trong 2 yếu tố là con người và công nghệ. Trong đó, hiểu tâm lý của khách hàng muốn được dược sĩ tư vấn về bệnh lý, ra đơn với thuốc không kê toa, Long Châu tạo điểm chạm đầu tiên với khách hàng ở ngay quầy thuốc.
Hiện, Long Châu đang áp dụng cách phân loại dược sĩ bằng bậc từ 1 tới 3. Nếu dược sĩ bậc 1 phải hoàn thành 1.000 hóa đơn/tháng trong 3 tháng liên tục mới được đánh giá hoàn thành, thì dược sĩ đạt bậc 3 phải hoàn thành 4 tín chỉ/năm cũng như số giờ bán hàng tại quầy theo quy định. Tỷ lệ dược sĩ bậc 3 trong 10.000 dược sĩ ở Long Châu là 58%, chuỗi dự nâng lên 75% vào cuối năm nay.
Yếu tố chuyên môn còn được nhấn mạnh qua khả năng bảo đảm đủ toa, đặc biệt là biệt dược, các loại thuốc đặc trị. Thuốc đặc trị cũng có giá trị cao so với thuốc không kê toa, nên doanh số của cửa hàng Long Châu cũng cao hơn doanh nghiệp cùng ngành. Trung bình doanh thu mỗi cửa hàng Long Châu hai năm gần đây ở mức 1,1 tỷ đồng/tháng, cao hơn gấp đôi so với đối thủ.
Đây cũng là một trong những lợi thế chính của Long Châu trên thị trường, theo giới phân tích. Quan điểm của Chứng khoán KBSV trong báo cáo mới nhất về ngành ghi nhận: Sự khác biệt của Long Châu là chuyên về thuốc, sở hữu danh mục đa dạng, đầy đủ nhóm thuốc chất lượng với mức giá hợp lý. So với Pharmacity - doanh nghiệp khai phá khá sớm mảng bán lẻ dược phẩm hiện đại cũng là đơn vị đầu tiên cán mốc 1.000 cửa hàng – họ lại chọn mô hình bán lẻ thuốc như một cửa hàng tiện lợi, khách lựa chọn mua sắm thêm sản phẩm chức năng, mỹ phẩm.
“Vũ khí” thứ hai của Long Châu là ứng dụng công nghệ vào quản trị và tối ưu hóa logistics, nhờ tận dụng được lợi thế từ Tập đoàn FPT. Công nghệ theo bà Điệp giúp biên lợi nhuận của Long Châu ở mức 22-25%, so với mức 10% của cửa hàng nhỏ.
“Công nghệ cũng giúp Long Châu có thể tư vấn 24/7 cho 5 triệu khách hàng sử dụng ứng dụng hoặc bảy triệu người dùng Zalo. Nhờ mật độ cửa hàng rải đều, ở Tp.HCM Long Châu đưa ra dịch vụ mua online và giao trong vòng 60 phút. Doanh thu online đang đóng góp 8% tổng doanh thu của Long Châu”, bà Điệp nói thêm.
Chia sẻ về tiềm năng ngành, theo lãnh đạo Long Châu bán lẻ dược phẩm có quy mô thị trường khoảng 6 tỷ USD, chủ yếu doanh số phân bổ cho 60.000 cửa hàng nhỏ lẻ và 4% thuộc về chuỗi. Trong tương lai, nhu cầu tiêu dùng thuốc cũng như sản phẩm chức năng còn gia tăng, đặc biệt là khi dân số Việt Nam già hóa vào năm 2036, theo dự báo của ngân hàng Thế giới. Điều này mở ra cơ hội mở ra với doanh nghiệp tìm được chìa khóa thị trường.
Và tại Long Châu, "Chúng tôi không chỉ phát triển theo chiều ngang, mà còn bắt đầu đi vào chiều sâu”, bà chia sẻ với báo giới. Long Châu có thể hiểu phát triển chiều sâu theo hai cách:
+ Ở mảng dịch vụ: Thể hiện qua các tiện ích cho khách hàng. Chẳng hạn chương trình thu cũ, đối mới bút tiêm của người bị tiểu đường, vừa giảm chi phí mua hàng cho khách, vừa giảm rác thải y tế. Hay việc bảo lãnh tiền thuốc cho người có bảo hiểm y tế để khách khỏi mất thời gian làm các thủ tục kê khai hoàn tiền…
+ Ở tầm nhìn cũng là cách hiểu thứ hai: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tức, Long Châu định hướng phát triển hệ sinh thái sức khỏe đi từ phòng bệnh tới khám, chữa bệnh và sau cùng là chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Tập đoàn cũng vừa ra mắt chuỗi Trung tâm tiêm phòng. Theo bà Điệp tỷ lệ bao phủ vắc xin ở Việt Nam là 4% (theo số liệu của bộ Y tế), thấp hơn nhiều so với mức 20% ở thế giới. Nếu làm tốt việc tiêm phòng, một hình thức của y tế dự phòng, chi phí chữa bệnh sẽ giảm. Một mũi tiêm vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B có giá chưa tới một triệu đồng, trong khi chi phí điều trị bệnh viêm gan B lên tới hàng chục triệu đồng.