Apple - 'Thần chết' ở thung lũng Silicon: Vờ hợp tác với các startup có sản phẩm hay ho, rồi cướp người, ăn cắp ý tưởng, đánh sập 1 công ty trong nháy mắt

Băng Băng | 10:36 21/04/2023

Cái nhìn về "ăn cắp ý tưởng, đánh cắp bản quyền" của tập đoàn giàu nhất thế giới rất khác so với những startup nhỏ.

Apple - 'Thần chết' ở thung lũng Silicon: Vờ hợp tác với các startup có sản phẩm hay ho, rồi cướp người, ăn cắp ý tưởng, đánh sập 1 công ty trong nháy mắt

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), ông Joe Kiani cảm tưởng như một giấc mơ khi được đề nghị hợp tác với Apple thông qua startup Masimo đo nồng độ oxy trong máu của mình. Công nghệ của nhà khởi nghiệp này được cho là hoàn toàn phù hợp cho sản phẩm Apple Watch.

Thế rồi chẳng bao lâu sau lời đề nghị hợp tác, Apple bắt đầu tuyển dụng nhân viên của Masimo, bao gồm cả những kỹ sư cùng giám đốc phụ trách mảng y tế của hãng với mức lương cao gấp đôi.

Năm 2019, Apple đăng ký bản quyền công nghệ đo oxy trong máu dưới tên của một cựu nhân viên Masimo, vốn có chức năng tương tự như của startup này. Năm sau đó, Apple Watch ra đời chức năng đo oxy trong máu của mình.

“Khi Apple quan tâm đến một startup nào đó thì đây có thể là một ‘nụ hôn của thần chết’. Ban đầu bạn sẽ rất hứng khởi nhưng rồi sẽ nhận ra đây chỉ là một kế hoạch dài hơi để Apple có thể tự phát triển công nghệ và chiếm hữu tất cả kỹ thuật. Khoảng 95% tỷ lệ iPhone của Apple được sản xuất tại Trung Quốc và đừng hỏi tôi họ học được trò này từ đâu”, ông Kiani ngậm ngùi.

Ông Joe Kiani của Masimo

Tờ WSJ cho biết nhà khởi nghiệp Kiani chỉ là một trong nhiều giám đốc, nhà đầu tư, nhà phát minh và luật sư tố cáo Apple ăn cắp sáng tạo của người khác để phục vụ cho lợi ích doanh nghiệp. Phần lớn câu chuyện mà những người này kể cho WSJ đều có cùng một kịch bản.

Đầu tiên Apple sẽ đến nói chuyện hợp tác hoặc bày tỏ mong muốn tích hợp công nghệ mới vào hệ sinh thái nhà táo khuyết. Thế rồi bất ngờ đàm phán bị hoãn lại và Apple cho ra mắt dịch vụ tương tự trên sản phẩm của mình.

Phía Apple cho biết họ không hề ăn cắp công nghệ của ai, luôn tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ của những doanh nghiệp khác cũng như các quy định của pháp luật. Tuy nhiên Apple cho biết những kỹ thuật của Masimo cùng nhiều người mà phía WSJ nêu ra hoàn toàn là bắt chiếc từ Apple và sẽ tiến hành các thủ tục kiện cáo trên tòa án.

Trong khi đó, những người cho rằng Apple ăn cắp ý tưởng của họ thì nói rằng nhà táo khuyết đang dùng nguồn lực khổng lồ của mình để vô hiệu hóa những bằng sáng chế của mình. Cụ thể, Apple sẽ nộp nhiều đơn khiếu nại cho một bằng sáng chế nhằm làm mất hiệu lực của nó cho dù thông qua các vụ kiện chẳng hề liên quan đến tranh chấp ban đầu.

Tuy nhiên đây không phải chiêu trò duy nhất mà Apple bị tố cáo trong việc ăn cắp ý tưởng từ những đối thủ nhỏ hơn.

Lịch sử tranh cãi

Việc cướp nhân viên từ công ty đối thủ là điều không hề hiếm trong cuộc chiến công nghệ và những startup phát triển phần mềm là người hiểu rõ nhất.

Cách đây 20 năm, Apple ra mắt phần mềm “Sherlock” nhằm giúp người dùng tìm được các tệp tài liệu của mình trên máy tính cá nhân Mac hoặc nền tảng tìm kiếm Internet. Thế nhưng khi một doanh nghiệp khác phát triển ứng dụng tiên tiến hơn với nhiều tính năng vượt trội mang tên Watson, Apple đã nhanh chóng cho ra mắt bản cập nhập với nhiều tính năng tương tự.

Theo những kỹ sư đã phát triển Wastson, chính nhà sáng lập Steve Jobs đã đích thân gọi cho họ để biện minh hành động này.

Apple nổi tiếng với những cách làm "sáng tạo, nghĩ khác"

Với một lịch sử tranh cãi như vậy, không có gì khó hiểu khi Apple vướng phải những cáo buộc ăn cắp ý tưởng hay thậm chí công nghệ.

Thông thường các công ty chỉ có 2 cách để chống lại: Một là làm rùm beng trên truyền thông để thu hút các cơ quan chức năng về sức mạnh độc quyền của Apple trên thị trường. Hai là đâm đơn kiện tập đoàn thuộc hàng giàu nhất thế giới.

Gần đây, nhà phát triển phần mềm Blix Inc đã kiện Apple ăn cắp công nghệ ẩn danh địa chỉ email trực tuyến của họ khi phát triển dịch vụ “Sign in with Apple” vào năm 2019. Mục tiêu ban đầu của nhóm phát triển là xây dựng nền tảng tương thích với hệ sinh thái iPhone. Thế nhưng vào năm 2021, Apple đã cho ra mắt một dịch vụ có chức năng tương tự mang tên AirTag.

Hiện Bộ tư pháp Mỹ đang điều tra xem liệu Apple có dùng hệ sinh thái của mình làm “mồi câu” các doanh nghiệp nhỏ, qua đó ăn cắp ý tưởng hay công nghệ nhằm phục vụ cho tập đoàn hay không.

“Sự thật là những công ty này đang bắt chiếc sản phẩm của chúng tôi hoặc bóp nghẹt sự cạnh tranh bằng những bằng sáng chế không hợp lệ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại các lời tố cáo này trên tòa nhằm bảo vệ những thành quả công nghệ thay mặt cho khách hàng của công ty và sức khỏe cộng đồng”, người phát ngôn của Apple nêu rõ.

“Chúng tôi sẽ cạnh trạnh với bạn”

Kể từ khi thành lập đến nay, Apple đã nổi tiếng về khả năng tạo nên những cuộc cách mạng ngành, đồng thời chi lượng lớn tiền phát triển công nghệ. Trong năm tài khóa 2022, hãng đã chi tới 26 tỷ USD cho nghiên cứu phát triển (R&D), tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tờ WSJ cho hay dưới thời CEO Tim Cook, Apple đã cố gắng gia tăng lợi nhuận biên và đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc tự phát triển nhiều công nghệ. Mặc dù vậy tập đoàn đôi khi cũng dùng đến cách mua lại, sáp nhập để tiếp cận công nghệ mới nhằm tiết kiệm thời gian, đồng thời chấp nhận thanh toán tiền bản quyền để tránh xung đột với các doanh nghiệp nhỏ.

Trong 3 năm qua, Apple đã trả tiền bản quyền cho 25.000 phát minh đến từ các doanh nghiệp nhỏ.

CEO Tim Cook cùng sản phẩm Apple Watch

Tuy nhiên rất nhiều startup vẫn tố cáo nhà táo khuyết ăn cắp ý tưởng của họ.

Năm 2016, hãng AliveCor Inc đã phát triển một thiết bị đo điện tâm đồ hoàn toàn tương thích với Apple Watch mới ra mắt. Trước khi sản phẩm được ra mắt, nhà sáng lập David Albert của AliveCor đã được mời đến trụ sở chính của Apple ở California để gặp gỡ với giám đốc vận hành Jeff Williams, đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm mảng dịch vụ y tế sức khỏe.

Ông Albert cho biết đã giới thiệu sản phẩm của mình khi đeo thiết bị lên tay giám đốc Williams nhằm đo điện tâm đồ. Sau đó vị lãnh đạo Apple đã nói với nhà khởi nghiệp này rằng: “Chúng tôi rất muốn được hợp tác với ông, nhưng sau này có thể chúng ôi sẽ cạnh tranh với ông đấy”.

Năm 2017, AliveCor trở thành thiết bị phụ trợ y tế duy nhất của Apple Watch được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận.

Năm 2018, Apple ra mắt Apple Watch Series 4 có tích hợp đo điện tâm đồ mà không cần phụ kiện của AliveCor. Nhà táo khuyết cũng cập nhật hệ điều hành theo hướng chặn các phần mềm lẫn phần cứng của AliveCor. Chỉ 1 năm sau đó, startup này buộc phải ngừng bán phụ kiện cho Apple Watch.

Phía Apple cho biết họ đã tự nghiên cứu, phát triển công nghệ đo điện tâm đồ từ năm 2012, tức 3 năm trước khi ra mắt dòng sản phẩm Apple Watch, lời giải thích mà AliveCor không hề cảm thấy thuyết phục.

Năm 2021, AliveCor đã đệ đơn kiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lên Ủy ban thương mại quốc tế (ITC). Tháng 12 cùng năm, ủy ban này đã ra phán quyết có lợi cho AliveCor khi cấm nhập khẩu vào Mỹ bất kỳ Apple Watch nào có tiện ích đo điện tâm đồ.

Đáp trả, Apple đã đưa tranh chấp lên Hội đồng xét xử quyền sở hữu trí tuệ (PTAB). Đây là đơn vị được thành lập nhằm vô hiệu hóa những bằng sáng chế xấu vốn được thành lập để vòi tiền mà chẳng sản xuất được bất kỳ sản phẩm nào.

Hội đồng PTAB đã vô hiệu hóa các bằng sáng chế của AliveCor, qua đó cũng bãi bỏ luôn được lệnh cấm của ITC trước đó.

Tất nhiên AliveCor vẫn đang kháng cáo, đồng thời cho biết Apple còn đang tìm cách vô hiệu hóa nốt 7 bằng sáng chế khác của startup này.

Apple có chiến lược kinh doanh rất bài bản

Tốn kém

Kể từ năm 2012 đến nay, Apple là doanh nghiệp nộp nhiều đơn kiện cáo nhất lên PTAB so với những ông lớn công nghệ khác.

Phần lớn các giám đốc và luật sư tham dự những vụ kiện thế này cho biết chi phí tối thiểu thường vào khoảng nửa triệu USD cho mỗi vụ kiện, một con số quá cao so với những startup non trẻ thiếu vốn muốn chống lại tập đoàn giàu nhất thế giới.

“Hệ thống bằng sáng chế hiện nay đang ưu tiên có lợi cho các tập đoàn lớn. Đây không phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà đó là kết quả của hàng thập kỷ thúc đẩy vô số chính sách khiến tình hình trở nên ngày càng phức tạp”, Cựu giám đốc Andrei Iancu của PTAB mới thôi chức vào năm 2021 nhận định.

Một câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Valencell Inc vào năm 2013 khi hãng phát triển công nghệ cảm ứng nhịp tim cho người vận động thể thao. Đây là một kỹ thuật cực kỳ quan trọng cho Apple Watch nên hãng đã nói chuyện hợp tác với startup này.

Trong quá trình thỏa thuận, Apple luôn tìm kiếm các thông tin công nghệ từ phía Valencell, đồng thời đòi startup cấp phép công nghệ để thử nghiệm một nguyên mẫu trong vài tháng. Thế rồi vào năm 2015, Apple ra mắt tính năng theo dõi nhịp tim khi vận động của riêng mình và chấp dứt thảo luận hợp tác với Valencell.

Năm sau đó, Valencell kiện Apple ra tòa án bang Carolina trong khi Apple vẫn dùng chiêu cũ khi kháng nghị lên PTAB để vô hiệu hóa các bằng sáng chế của Valencia, qua đó gián tiếp bãi bỏ những phán quyết từ vụ kiện ban đầu.

Chủ tịch Steven LeBoeuf của Valencell cho biết vì đã quá mệt mỏi khi phải theo đuổi vụ kiện tốn kém công sức với Apple mà hãng đã đồng ý dàn xếp tại tòa vào năm 2019.

Cướp người

Quay trở lại với Masimo, startup này ra mắt tính năng đo nồng độ oxy trong máu, tương thích với sản phẩm của Apple vào năm 2013 trong một hội chợ công nghệ.

Giám đốc mảng mua lại và sáp nhập của Apple là Adrian Perica đã gửi email cho Masimo để đề nghị hợp tác chuyên sâu.

“Hãy cùng thảo luận về ý tưởng làm sao để Apple có thể tương tác với công nghệ này trên sản phẩm của chúng tôi”, bức email ghi rõ.

Xưởng nghiên cứu của Masimo

Tuy nhiên chỉ vài tháng sau đó, giám đốc mảng kỹ thuật y tế là Micheal O’Reilly của Masimo gọi điện cho ông Kiani để thông báo rằng mình sẽ từ chức để gia nhập Apple với mức lương gấp đôi cùng hàng triệu cổ phiếu thưởng.

Phía Apple thì vẫn trấn an ông Kiani rằng không có gì phải lo lắng và vẫn tiếp tục thảo luận hợp tác, để rồi nhà táo khuyết “cướp” thêm 30 nhân viên nữa từ Masimo.

Năm 2014, Apple tuyển dụng Marcelo Lagemo, cựu nhân viên Masimo và đang là giám đốc kỹ thuật của một startup khác tương tự mang tên Cercacor Laboratories Inc, vốn là doanh nghiệp cấp phép bằng sáng chế cho Masimo.

Cực chẳng đã, Masimo vào năm 2020 đã kiện Apple lên tòa án Southern California vì ăn cắp thông tin thông qua tuyển dụng nhân viên của họ.

Ông Kiani cho biết Masimo đã tốn đến 55 triệu USD để theo đuổi vụ kiện với Apple và có khả năng sẽ phải tốn thêm 100 triệu USD nữa để đấu với gã khổng lồ nhà táo khuyết này.

*Nguồn: WSJ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Apple - 'Thần chết' ở thung lũng Silicon: Vờ hợp tác với các startup có sản phẩm hay ho, rồi cướp người, ăn cắp ý tưởng, đánh sập 1 công ty trong nháy mắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO