CTCP Đầu tư Apax Holdings (IBC) vừa công bố thông tin bất thường về việc nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của ông Quách Mạnh Hào, Nguyễn Minh Chính và Nguyễn Trọng Quỳnh.
Chỉ còn 2 Thành viên HĐQT
Trong số 3 Thành viên HĐQT trên, ông Quách Mạnh Hào là người đầu tiên nộp đơn xin từ nhiệm từ ngày 6/11 với lý do bận công việc cá nhân. Ông Quách Mạnh Hào bắt đầu gia nhập HĐQT Apax Holding từ giữa năm 2017. Tuy nhiên, hiện ông Hào sinh sống tại Anh, ngoài việc giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Lincoln, ông Hào sáng lập và hướng dẫn điều hành Quỹ đầu tư sinh viên Lincoln (LSMIF) thuộc Đại học Lincoln.
Kể từ khi tham gia vào Apax Holdings, ông Hào liên tục “chốt lời” khi giao dịch cổ phiếu IBC trong giai đoạn đầu năm 2021 – cũng là thời kỳ thăng hoa nhất của cổ phiếu IBC trước chuỗi ngày lao dốc thảm hại của các năm sau đó.
Lần cuối cùng của việc giao dịch, tháng 3/2021, ông Quách Mạnh Hào đã bán ra 1 triệu cổ phiếu IBC của Apax Holdings, hiện chỉ còn sở hữu 110.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,13%.
Như vậy, dàn lãnh đạo Apax Holdings chỉ còn 2 người là Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy và Thành viên HĐQT Nguyễn Ngọc Khánh.
Động thái này của dàn lãnh đạo Apax Holdings diễn ra trước bối cảnh doanh nghiệp vừa nhận Quyết định từ HoSE về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC. Nguyên do bởi cổ phiếu IBC đang nằm trong diện đình chỉ giao dịch, kiểm soát, cảnh báo khi tiếp tục vi phạm các quy định về CBTT trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định và công ty chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Doanh thu tăng mạnh song lợi nhuận liên tục giảm, lỗ kỷ lục trong năm 2022
Apax Holdings là công ty con của CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup. Tính đến cuối năm 2022, Shark Thủy sở hữu 6,17% vốn IBC.
Tính đến cuối quý 4 năm qua, Apax Holdings nắm 66,36% vốn tại CTCP Anh ngữ Apax (Apax English/Apax Leaders). Theo giới thiệu, hệ thống này đang có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên đang theo học.
Hoạt động trong ngành giáo dục hàng tỷ USD, Apax Holdings có giai đoạn tăng trưởng nóng. Các trung tâm mở với tốc độ Thánh Gióng và nhanh chóng trở thành chuỗi tiếng Anh lớn nhất Việt Nam. Doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ vào năm 2018 và tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ trong năm 2020.
Đang trên đà phát triển, đại dịch Covid xảy ra và các quy định giãn cách xã hội đã khiến cho các trung tâm giáo dục không còn cơ hội 'cựa quậy'. Apax cũng vậy.
Năm 2022, Apax Holdings đạt doanh thu 1.336 tỷ, tăng 35% so với kết quả 2021. Lỗ trước thuế 77 tỷ, lỗ ròng 87 tỷ - đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của IBC.
Tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ đồng, trong đó tổng vay và nợ thuê tài chính là 1.915 tỷ đồng. Lượng tiền mặt của Apax Holdings vẫn khá dồi dào với 737 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 697 tỷ đồng thời điểm đầu năm.
Cơn bĩ cực nợ nần, cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc
2022 cũng là năm những lùm xùm của Apax Leaders - Apax English của Apax Holdings nổi lên liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên... Hàng loạt phụ huynh đã đến Apax Leaders để khiếu nại, yêu cầu hoàn trả học phí với lý do trung tâm không thực hiện đúng cam kết.
Có thời điểm, Shark Thủy đã lên tiếng thừa nhận bế tắc, xin khất nợ từng người: "Chúng tôi thực sự khó khăn. Tôi cũng đã đối thoại với các nhà đầu tư, cổ đông, đối tác để hoãn, giãn thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận để Apax tập trung nguồn lực cho việc tái cấu trúc".
Hệ thống này cũng vừa thực hiện bổ nhiệm CEO cuối tháng 1/2023 vừa qua để mong quay trở lại "thời hoàng kim". Shark Thuỷ đã trao quyết định bổ nhiệm và bày tỏ mong muốn tân CEO ''sẽ có nhiều đóng góp để đưa hệ thống Anh ngữ Apax sớm trở lại mạnh mẽ".
Đến tháng 6/2023, Apax đã hoàn trả được 20% học phí cho 100% các phụ huynh nhóm 1 đủ điều kiện.
Ở diễn biến khác, Tập đoàn Egroup liên tục bị các công ty chứng khoán bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu IBC khi thị giá ngày càng lao dốc.
Hồi cuối năm 2022, cổ phiếu IBC đã trải qua giai đoạn giảm sàn 26 phiên liên tiếp. IBC tại thời điểm hủy niêm yết có giá 1.770 đồng/cp - giảm 90% so với thời điểm trước khi xảy ra biến cố nợ trái phiếu tròn 1 năm về trước.