An ninh lương thực Trung Quốc đối mặt mối đe dọa tiềm ẩn: Những vùng quê già cỗi

Hữu Hiển | 11:31 23/05/2023

Những ngôi làng hoang vắng chỉ còn những người nông dân lớn tuổi sinh sống đặt ra thách thức đối với các mục tiêu an ninh lương thực đầy tham vọng của Trung Quốc.

An ninh lương thực Trung Quốc đối mặt mối đe dọa tiềm ẩn: Những vùng quê già cỗi

Theo trang tin Sixth Tone, mỗi năm, người dân Trung Quốc lại già đi một chút, dân số của quốc gia này đã giảm lần đầu tiên sau 60 năm vào năm 2022, do mức sinh tiếp tục giảm bất chấp nỗ lực tăng tỷ lệ sinh của các nhà hoạch định chính sách. Đồng thời, người cao tuổi Trung Quốc đang sống lâu hơn bao giờ hết, với tuổi thọ trung bình hiện đã vượt qua Mỹ.

Dân số Trung Quốc già đi đã tạo ra một loạt các tác động phụ về xã hội và kinh tế, đặc biệt là trong các ngành thâm dụng lao động. Một cuộc khảo sát do Liên đoàn Công đoàn toàn Trung Quốc công bố vào tháng 2 cho thấy, lực lượng lao động - từng là một trong những thế mạnh lớn nhất của nước này - không còn tăng nữa, khiến một số nhà hoạch định chính sách lại một lần nữa phải đưa ra các giải pháp như trì hoãn tuổi nghỉ hưu.

Nông dân lớn tuổi phụ thuộc vào phương thức canh tác lỗi thời

Nhưng theo trang tin Sixth Tone, có một ngành quan trọng khác đang âm thầm chịu gánh nặng của lực lượng lao động đang bị thu hẹp: nông nghiệp. Tỷ lệ cư dân nông thôn trên 65 tuổi tăng gấp 3 lần trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2020, với người cao tuổi hiện chiếm 18% tổng dân số nông thôn. Những người trẻ tuổi rời nông thôn để tìm việc làm trong thành phố đã để lại nhiều ngôi làng gần như chỉ còn những người gfgià và trẻ em.

Khi những người trẻ đi làm xa ngày càng lâu hơn và những người lớn tuổi ở lại ngày càng già đi, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với những thách thức mới. Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã phát hiện ra rằng, những cư dân nông thôn lớn tuổi thường gặp khó khăn trong việc thích nghi với những thành tựu mới trong nông nghiệp và thích canh tác trên những mảnh đất nhỏ hơn để giảm đầu tư.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 2 này, kết quả khảo sát về 15.000 hộ gia đình nông thôn Trung Quốc tham gia sản xuất ngũ cốc đã cho thấy mối tương quan giữa già hóa dân số, gia tăng hoạt động canh tác của các hộ gia đình nhỏ và sản lượng giảm. Kết quả nghiên cứu cũng nhấn mạnh những rủi ro môi trường tiềm ẩn do sự phụ thuộc của những người nông dân lớn tuổi vào các phương thức canh tác nông nghiệp lỗi thời.

Theo trang tin Sixth Tone, an ninh lương thực được cho là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, khi đó là nội dung cố định trong các bài phát biểu của chính phủ và là động lực cho mục tiêu “vạch ra lằn ranh đỏ” khổng lồ 120 triệu hecta nhằm hạn chế mất đất canh tác.

Nhưng trong khi thông điệp nông nghiệp thường nhắm vào những rủi ro rõ ràng như phát triển công nghiệp và bất động sản, thì già hóa dân số có thể gây ra mối đe dọa bất ngờ đối với các kế hoạch an ninh lương thực của Trung Quốc.

Nghiên cứu trên cho thấy, một diện tích đất canh tác rất lớn đã bị bỏ hoang một cách bất ngờ do các nguyên nhân liên quan đến lão hóa, phần lớn ở các vùng miền núi như tỉnh Quý Châu ở phía tây nam Trung Quốc.

Hiện tượng này đi kèm với việc giảm đầu tư vào nông nghiệp, chẳng hạn như mua máy móc, phân bón hóa học và phân chuồng. Tổng hợp tất cả những yếu tố này đã dẫn đến sự sụt giảm cả về sản lượng và doanh thu từ nông nghiệp. Ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thu nhập khả dụng của nông dân giảm 33%.

Già hóa dân số cũng là tin xấu cho môi trường. Việc lạm dụng phân bón sẽ giải phóng amoniac, oxit nitơ và nitrat vào môi trường, tất cả đều có tác động bất lợi đến chất lượng đất và nước.

Mô hình canh tác mới có mức độ già hóa dân số thấp hơn 35%

Có rất ít khả năng xu hướng lão hóa hiện tại sẽ bị đảo ngược trong tương lai gần. Nhưng những người dân làng trẻ tuổi có tiềm năng thay đổi nền nông nghiệp Trung Quốc theo chiều hướng tốt hơn - chỉ cần họ có thể bị thu hút để trở về vùng nông thôn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, thế hệ thanh niên nông thôn Trung Quốc hiện nay được giáo dục tốt hơn so với thế hệ trước, cởi mở hơn khi áp dụng các công nghệ và phương pháp canh tác mới, do đó có thể đóng góp các giải pháp mới cho những thách thức về an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

Không giống như cha mẹ của họ - những người trung thành với canh tác quy mô nhỏ, những nông dân trẻ tuổi thường ủng hộ những cánh đồng lớn hơn, các sáng kiến hợp tác nơi nhiều gia đình chia sẻ máy móc hoặc việc làm trong các trang trại công nghiệp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, so với các nông hộ nhỏ truyền thống, mức độ già hóa dân số trong các mô hình canh tác mới này thấp hơn 35%, trong khi trình độ học vấn cao hơn 20%.

Đối với những người trẻ ở nông thôn, chọn làm nông đồng nghĩa với việc hy sinh mức lương cao hơn và những trải nghiệm thú vị ở thành phố. Năm 2017, thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở nông thôn Trung Quốc thấp hơn một nửa so với mức trung bình ở thành thị.

Để làm cho sự hy sinh này xứng đáng với thời gian bỏ ra, họ muốn phát triển doanh nghiệp bằng cách điều hành trang trại gia đình trên những mảnh đất lớn hơn hoặc tham gia vào một tập thể, cũng như bằng cách áp dụng kiến thức và bí quyết quản lý của họ để tối ưu hóa sản xuất.

Thực tế, các trang trại kiểu mới tham gia khảo sát đã đầu tư nhiều hơn 41%, sử dụng phân bón nhiều hơn 113%, và sử dụng máy móc nhiều hơn 68%, tất cả đều góp phần mang lại hiệu quả và sản lượng cao hơn. Đồng thời, việc sử dụng phân bón hóa học trên một đơn vị diện tích bề mặt không tăng đáng kể.

Tuy nhiên, không nhiều thanh niên Trung Quốc sẵn sàng sống và làm việc trong các trang trại. Dựa trên xu hướng già hóa dân số hiện nay, nếu không có sự can thiệp đáng kể từ các cơ quan nông nghiệp, quy mô trang trại ở nông thôn Trung Quốc sẽ giảm trong tương lai gần. Đầu tư và sản lượng cũng vậy.

Điều này sẽ khiến chính phủ Trung Quốc khó thực hiện lời hứa duy trì ít nhất 120 triệu hecta đất canh tác và hơn 100 triệu hecta “đất nông nghiệp cơ bản lâu dài” cho đến năm 2035.

Nghiên cứu trên nhận định, nông thôn Trung Quốc không cần phải loại bỏ hoàn toàn các trang trại nhỏ hơn. Mặc dù các sáng kiến như “Chính sách nông nghiệp chung châu Âu” đã thúc đẩy hiệu quả quá trình hiện đại hóa nông nghiệp bằng cách nhấn mạnh vào các mảnh đất lớn, nhưng tiến bộ này đã phải trả giá bằng đa dạng sinh học, hệ sinh thái nông thôn và vẻ đẹp tự nhiên.

Tuy nhiên, việc cho phép các hộ sản xuất nhỏ tiến hành phần lớn hoạt động canh tác ở nông thôn không phải lúc nào cũng là lựa chọn xanh hơn hoặc hiệu quả hơn. Để đạt được sự phát triển nông nghiệp bền vững, Trung Quốc cần tránh các cách tiếp cận phiến diện, để tạo ra sự cân bằng giữa canh tác truyền thống và các phương pháp hiện đại hơn.


(0) Bình luận
An ninh lương thực Trung Quốc đối mặt mối đe dọa tiềm ẩn: Những vùng quê già cỗi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO