Thế giới đang chuẩn bị cho một kịch bản xấu khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Cụ thể, khi thị trường thiếu hụt khoảng 10 triệu tấn gạo - là khoảng trống do Ấn Độ để lại, các nhà xuất khẩu lớn có thể sẽ cố gắng lấp đầy chỗ trống này bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu để bán với giá cao. Kết quả là, có thể các quốc gia đó sẽ phải nối gót Ấn Độ ban hành một lệnh cấm tương tự để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Các nhà phân tích đang nhìn thấy một kịch bản tượng tự khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007-2008, gây hiệu ứng domino khi nhiều quốc gia khác buộc phải hạn chế xuất khẩu gạo để bảo vệ người tiêu dùng trong nước.
Lần này, tác động đối với nguồn cung và giá cả có thể còn sâu rộng hơn vì Ấn Độ chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu so với mức chỉ khoảng 22% của 15 năm trước, gây áp lực lên các quốc gia xuất khẩu gạo lớn khác là Việt Nam, Thái Lan.
Lấy gì bù đắp thiếu hụt gạo Ấn Độ?
“Ấn Độ hiện quan trọng hơn nhiều đối với thương mại gạo so với giai đoạn 2007-2008. Lệnh cấm của Ấn Độ khi đó đã buộc các nhà xuất khẩu khác phải thực hiện các hạn chế tương tự theo hiệu ứng domino, Ngay cả lúc này, họ có rất ít lựa chọn ngoài việc tùy cơ ứng biến theo tình hình thị trường”, một nhà kinh doanh ngũ cốc tại New Delhi nói với Reuters.
Tác động của lệnh cấm xuất khẩu đã ngay lập tức xuất hiện khi mặt hàng lương thực được tiêu thụ nhiều nhất thế giới này đã đạt mức cao nhất 15 năm. Các nhà phân tích và thương nhân cho biết nguồn cung hạn chế có nguy cơ làm tăng giá gạo và lạm phát lương thực toàn cầu, ảnh hưởng đến những người tiêu dùng nghèo khó ở châu Á và châu Phi. Các nhà nhập khẩu đang phải vật lộn với nguồn cung khan hiếm do thời tiết thất thường và gián đoạn vận chuyển qua Biển Đen.
“Thái Lan, Việt Nam và các nước xuất khẩu khác đang sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu nhằm bù đắp sự thiếu hụt từ Ấn Độ”, Nitin Gupta, phó chủ tịch cao cấp của Olam Agri Ấn Độ - một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nói. “Tuy nhiên, tồn tại một hạn chế trong khả năng xuất khẩu của họ. Hạn chế này có thể tạo tiền đề cho các đợt tăng giá, gợi nhớ đến đợt tăng giá năm 2007/2008”.
Năm 2008, giá gạo đạt mức cao kỷ lục trên 1.000 USD/tấn sau khi Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Ai Cập, Brazil và một số nhà xuất khẩu nhỏ khác hạn chế xuất khẩu.
Lần này, các nhà xuất khẩu sẽ không thể tăng xuất khẩu ở mức hơn 3 triệu tấn/năm bởi họ còn phải cố gắng đáp ứng nhu cầu trong nước, 3 đại lý của các nhà thương mại gạo tuần cầu nói.
Thái Lan, Việt Nam, Pakistan lần lượt là các nhà xuất khẩu lớn thứ 2,3 và 4 thế giới, cho biết họ rất muốn tăng doanh số sau lệnh cấm của Ấn Độ. Cả Thái Lan và Việt Nam đều tuyên bố không để người tiêu dùng trong nước bị tổn hại do tăng xuất khẩu.
“Không chấp nhận việc một quốc gia xuất khẩu gạo phải đối mặt với nguồn cung khan hiếm và giá trong nước tăng cao”, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết vào tuần trước.
Theo một quan chức của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Paksitan, nước này có thể xuất khẩu 4,5-5 triệu tấn từ mức 3,5 triệu tấn/năm của hiện tại. Tuy nhiên, Pakistan khó có thể xuất khẩu không hạn chế trong bối cảnh lạm phát ở mức 2 con số, vị này cho biết.
Các nhà nhập khẩu gạo non-basmati hàng đầu gồm Philippines, Trung Quốc, Senegal, Nigeria, Nam Phi, Malaysia, Bờ Biển Ngà và Bangladesh.
Phản ứng dây chuyền
Giá gạo toàn cầu đã tăng khoảng 20% kể từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm. Theo các thương nhân thuộc các công ty thương mại quốc tế, nếu giá gạo tiếp tục tăng thêm 15%, Thái Lan và Việt Nam có thể sẽ hạn chế xuất khẩu. “Câu hỏi không phải là họ có hạn chế hay không mà là hạn chế bao nhiêu và khi nào sẽ thực hiện các biện pháp đó”, một thương nhân tại New Delhi nói.
Tuần này, giá gạo tại Việt Nam và Thái Lan đã vọt lên mức cao nhất 15 năm do các quốc gia nhập khẩu đổ xô đi mua nhằm bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu từ Ấn Độ.
Mối lo El Nino
Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% lượng gạo toàn cầu được trồng ở châu Á, nơi El Nino đang đe dọa mùa màng ở các nước sản xuất chính.
Sau khi lượng mưa xuống dưới mức trung bình trong tháng 6 và 7, Thái Lan đã khuyến cáo nông dân hạn chế trồng lúa vụ thứ 2.
Ở Ấn Độ, lượng mưa gió mùa phân bố thất thường đã dẫn đến lũ lụt tại một số bang trồng lúa phía Bắc, trong khi một số bang phía đông lại thiếu mưa để tiến hành gieo trồng.
B.V Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết lượng mưa tốt là điều kiện cần thiết để sản xuất bình thường. Điều này sẽ cho phép New Delhi đảo ngược lệnh cấm xuất khẩu gạo. Rao cho biết chỉ khi Ấn Độ cung cấp trở lại, thị trường gạo toàn cầu mới khôi phục trạng thái cân bằng.
“Chúng ta phải xem xét lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ có hiệu lực trong bao lâu. Lệnh cấm có hiệu lức càng lâu thì các nhà xuất khẩu khác càng khó bù đắp cho sự thiếu hụt”, Peter Clubb, nhà phân tích tại Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) cho biết.
Nguồn: Reuters