Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đang được lấy ý kiến tham vấn, Công ty Ajinomoto Việt Nam muốn điều chỉnh công suất sản xuất một số dòng sản phẩm tại nhà máy Ajinomoto Biên Hòa.
Cụ thể, báo cáo ĐTM điều chỉnh công suất dự án Ajinomoto Biên Hòa bắt đầu được lấy ý kiến tham vấn từ ngày 1/12/2023. Chủ đầu tư dự án là Công ty Ajinomoto Việt Nam, đại diện doanh nghiệp là ông TSUTOMU NARA, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.
Cũng theo Ajinomoto Việt Nam, dự án Nhà máy Ajinomoto Biên Hòa (theo công suất hiện tại, chưa điều chỉnh theo báo cáo ĐTM đang được lấy ý kiến) vừa mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép môi trường tại Quyết định số 379/GPMT-BTNMT ngày 09/10/2023.
Về nội dung điều chỉnh công suất Ajinomoto Việt Nam, dòng sản phẩm duy nhất bị điều chỉnh giảm công suất là phân bón dạng lỏng từ 314.200 m3/năm xuống 75.000 m3/năm.
Trong khi đó, có 4 dòng sản phẩm được Ajinomoto Việt Nam lên kế hoạch tăng mạnh công suất gồm nâng công suất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - thủy sản dạng lỏng từ 30.000 m3/năm lên 50.000 m3/năm; nâng công suất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - thủy sản dạng rắn từ 5.000 tấn/năm lên 10.000 tấn/năm; nâng công suất phân bón dạng rắn từ 5.010 tấn/năm lên 20.000 tấn/năm; nâng cồng suất gia vị lỏng Lisa từ 19.000 tấn/năm lên 30.000 tấn/năm.
Sau khi hoàn thành kế hoạch tăng công suất, dự án Ajinomoto Biên Hòa sẽ sử dụng khoảng 7.068 m3 nước/ ngày.
Về nguồn cấp nước, theo Ajinomoto Việt Nam, nhà máy Ajinomoto Biên Hòa hiện sử dụng hai nguồn nước cấp chính, bao gồm: hệ thống cấp nước thuỷ cục, cấp bởi công ty cấp nước Đồng Nai và nước cấp cục bộ của Nhà máy, xử lý từ nguồn nước sông Đồng Nai.
Ajinomoto Việt Nam cũng cho biết nhà máy đã được UBND tỉnh Đồng Nai cho phép khai thác, sử dụng nước mặt từ ngày 01/11/2019 với lưu lượng khai thác: 6.800 m3/ngày trong đó: nước dùng cho sản xuất khoảng 5.448 m3/ngày và nước cấp dùng cho tưới cây khoảng 58 m3/ngày.
Về hoạt động của Ajinomoto tại Việt Nam, theo thông tin trong báo cáo ĐTM, doanh nghiệp là một tập đoàn đa quốc gia. Đến nay, Tập đoàn có 136 công ty con và 20 công ty thành viên trên khắp thế giới, hoạt động trong ba lĩnh vực chính là: Thực phẩm, axit amin và dược phẩm & sức khỏe. Hệ thống Nhà máy sản xuất của tập đoàn đã có mặt tại 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với mạng lưới phân phối rộng khắp thế giới. Ajinomoto đã thực sự trở thành một tập đoàn toàn cầu lớn mạnh có tiếng vang lớn trong lĩnh vực thực phẩm và gia vị.
Hiện nay, theo công bố, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đầu tư và đưa vào vận hành 02 Nhà máy sản xuất thực phẩm và gia vị, trong đó: Nhà máy Ajinomoto Biên Hòa thuộc Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và Nhà máy Ajinomoto Long Thành thuộc KCN Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Trong dó, Nhà máy Ajinomoto Biên Hòa đang hoạt dộng sản xuất với các sản phẩm bao gồm: bột ngọt công suât 150.000 tấn/năm, phân bón dạng lỏng công suất 314.200 m3/năm, phân bón dạng rắn công suất 5.010 tấn/năm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dạng lỏng công suất 30.000 m3/năm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dạng rắn công suất 5.000 tấn/năm, gia vị lỏng Lisa công suất 19.000 tấn/năm.
Lý giải cho việc điều chỉnh công suất một số dòng sản phẩm tại dự án nhà máy Ajinomoto Biên Hòa, Ajinomoto Việt Nam cho biết theo dự báo xu hướng nhu cầu thị trường đang ngày một tăng cao, trong khi đó Công ty Ajinomoto Việt Nam chưa đủ số lượng để đáp ứng, đặc biệt là đối vơi sản phẩm gia vị lỏng Lisa, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - thủy sản dạng lỏng, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - thủy sản dạng rắn, phân bón dạng rắn.
Bên cạnh đó, Nhà máy Ajinomoto Biên Hòa đang sẵn có tiềm năng về cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ mở rộng dây chuyền sản xuất đối với các sản phẩm này. Do đó, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã quyết định triển khai thực hiện Dự án Nhà máy Ajinomoto Biên Hòa (điều chỉnh) tại KCN Biên Hòa I, phường An Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với mục tiêu bổ sung thêm số lượng các sản phẩm nhằm đáp ứng với nhu cầu thị trường trong tương lai.