“Năm 10 tuổi, tình cờ nhìn thấy ứng dụng Microsoft Paint trên góc nhỏ máy tính của ba, một cậu bé đã tự mày mò học vẽ trên máy tính, rồi biết vẽ trên illustrator, photoshop. 10 năm sau, chàng trai 20 tuổi trở thành graphic designer và tự lập tài chính. 4 năm sau thử đi học và bỏ học, tự học làm ứng dụng, ứng dụng được Apple featured trên App Store”. Đó là mở đầu hành trình của Trần Quang Vinh, 37 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Thành Phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, anh Vinh Trần đang sống và làm việc ở San Francisco Bay, California, Mỹ. Vinh Trần làm ngành thiết kế sản phẩm cho các công ty công nghệ ở Silicon Valley trong 10 năm qua.
Năm 27 tuổi, Vinh Trần cơ hội sang Mỹ làm việc nhưng khi chuẩn bị đặt chân đến Mỹ, Vinh nhận được tin vị trí công việc bị hủy bỏ. Bơ vơ giữa nước Mỹ, không biết phải đi đâu, làm gì, nhận được sự giúp đỡ của một người bạn, 2 tuần sau phỏng vấn, Vinh có việc làm lần đầu ở Mỹ và làm Head of Design ở San Francisco. Thời gian đó, Vinh mua được chiếc Porsche và căn nhà đầu tiên. Sản phẩm được Trần Vinh làm cũng featured trên Forbes thiết kế đẹp nhất của năm cho doanh nghiệp.
Năm 29 tuổi, Vinh Trần nhận được lời mời từ Google, nhưng lúc này anh từ chối. 2 năm sau, khi nhận được lời mời thứ 2, anh trở thành designer người Việt đầu tiên trong team Product Global của Google không bằng cấp. Với những sản phẩm của mình, thời gian sau, anh được Sony mời lãnh đạo team ở Nhật và Mỹ của Playstation để thiết kế PS5, nhưng anh từ chối offer của Sony làm cho Google.
35 tuổi, Vinh Trần chuyển sang cho Meta sau 7 lần từ chối, thuộc team NPE (New product Experiment) đi tìm những ý tưởng mới, lãnh đạo team thiết kế cho trí thông minh nhân tạo.
36 tuổi, anh ra mắt công ty riêng murror.app hỗ trợ những người trầm cảm bằng cách dùng công nghệ AI.
Thành tích khiến nhiều người phải ngưỡng mộ là vậy, nhưng phía sau đó, là một người đàn ông từng bị trầm cảm, luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi mình là ai khi bản thân không bằng cấp, luôn cô đơn trong hành trình khám phá bản thân.
Được biết, anh biết vẽ trên illustrator/photoshop lúc 10 tuổi, điều gì khiến anh học, biết vẽ trên illustrator/photoshop khi còn nhỏ tuổi như vậy?
Lần đầu tiên tôi thấy ba vẽ mẹ, tôi bắt đầu thấy thích và từ đó ngày nào cũng vẽ. Trong một lần phát hiện ra Microsoft Paint, tôi tìm tòi biết đến Illustrator và Photoshop. Tôi tự mày mò từng chút một cho đến khi có thể thành thạo vẽ được.
Sau cấp 3, tôi có đi học ngành graphic design (thiết kế đồ họa) vài tháng nhưng không thấy hiệu quả rồi nghỉ học, tôi chỉ ngồi ở nhà vẽ. Có một lần tôi vẽ một poster cây đàn tặng ba vì ba mê đàn, khi đem ra quán cà phê ba hay ngồi thì bạn của ba thấy nên bảo tôi đi phỏng vấn ở công ty. Tôi mới đi phỏng vấn thử thì đỗ, sau đó tôi đi làm và kiếm ra tiền lương 3 triệu đồng ở tuổi 20.
Sự nghiệp làm thiết kế của tôi bắt đầu từ đó. Tôi kiếm được bao nhiêu tiền, tôi dành bấy nhiêu để mua sách. Sau giờ làm, tôi ngồi học một mình, cho đến khi mệt rồi thì thôi. Mọi thứ cứ lặp lại như vậy. Công việc lúc ấy trở thành thú vui mới, vừa được làm thiết kế vừa kiếm ra tiền. Khi đó tôi nghĩ mình được học miễn phí mà còn được tiền nên thấy rất vui.
Vì biến cố gia đình, ba mẹ chia tay nên quãng thời gian tuổi thơ, tôi cảm thấy khó khăn hơn bao giờ hết. Tôi ngồi vẽ trên máy tính hàng ngày như cách bộc lộ bản thân. Ở khoảng đôi mươi, tôi đã kiếm ra tiền nên rất hãnh diện, năm 23-24 tuổi nhưng đã kiếm được lương 1.500/tháng.
Anh từng thử đi học và bỏ học, tự học làm ứng dụng, sau đó ứng dụng được Apple featured trên App Store. Hành trình này diễn ra như thế nào?
Chứng chỉ và bằng cấp là điều rất quan trọng ở Việt Nam, nên mẹ thường hay nói làm gì cũng phải có cái bằng, tôi cũng thấy sợ nên đi học. Lúc này, gia đình mẹ tôi khá giả hơn nên mẹ nói cho tiền học ở RMIT.
Trong lúc đó, tôi vẫn đi làm bên ngoài và kiếm tiền tự lập, tiền học thì mẹ hỗ trợ. Nhưng khi học thì tôi cảm thấy bị chán vì lý thuyết rất nhiều, cảm thấy quá căn bản nên vẫn nghiên cứu về những ngành khác liên quan đến ứng dụng trên điện thoại iPhone. Học xong thì tôi về nhà mày mò về thiết kế sản phẩm trên iPhone rồi đăng lên các cộng đồng thiết kế trên mạng như Behance, được công ty khác thấy và hợp tác làm thiết kế ứng dụng. Có ứng dụng được Apple chào đón trên trang chủ của App Store với số lượng tải về lên đến trăm ngàn. Lúc ấy tôi nghĩ có lẽ thiết kế đồ hoạ bây giờ còn có thể tương tác và chạm đến hàng triệu người dùng nên đã có hứng thú rất lớn với lĩnh vực này.
Một thời gian sau, khi có nhiều kinh nghiệm hơn, tôi tự sáng lập ra công ty riêng của mình và tạo ra những ứng dụng đơn giản liên quan đến tăng năng suất và hiệu quả công việc, khi ra mắt sản phẩm được tải về vài trăm ngàn lần trên toàn thế giới. Lúc ấy tôi vẫn còn học RMIT, ban ngày đi học, ban đêm làm ứng dụng.
Cơ duyên nào giúp anh có cơ hội sang Mỹ năm 27 tuổi?
Số lượng người làm thiết kế ứng dụng có kinh nghiệm rất hiếm, nên khi một công ty nước ngoài về Việt Nam tuyển nhân sự thì tôi được giới thiệu và mời về làm Head of Design. Lúc này tôi được nhà sáng lập hứa hẹn sẽ đưa sang Mỹ làm một năm ít nhất 5-6 lần.
Tôi không có ý định sang Mỹ vì cuộc sống đang rất tốt ở Việt Nam. Nhưng với cơ hội được làm việc ở môi trường quốc tế, đó là ước mơ của bao người nên tôi đã thử sức. Mọi thứ có vẻ như đang ổn thoả, thì công ty có những sự thay đổi về quản lý và cấu trúc. Chỉ còn 1 tháng sang Mỹ, tôi được báo là vai trò của tôi sẽ không còn. Nhưng họ vẫn giữ tấm vé máy bay Mỹ cho tôi và tôi vẫn đi Mỹ. Sang đến Mỹ, tôi lại một lần nữa cảm thấy rất hững hờ, giấc mơ nằm trong tay và vụt mất ở phút cuối cùng.
Thời gian này cuộc sống của anh diễn ra như thế nào?
Khi đã sang Mỹ, tôi đã thẫn thờ lắm, vì đã bước chân đến đây rồi mà lại không biết mình sẽ đi về đâu. Cảm giác lúc ấy như một lần nữa mình không phương hướng và bị lạc loài. Tôi gửi tin nhắn cho 5 người bạn, có 1 người trả lời và giúp đỡ. Lúc ấy, tôi không biết đường xá, mọi thứ đắt đỏ nên không biết trụ nổi không nên ưu tiên hàng đầu là tìm được công việc mới.
Bởi vậy tôi rất quý cơ hội được gặp ai đó. Tôi không ngại đi bộ, xe bus, tàu điện ngầm mất 2 tiếng vì lúc đó ở một thành phố rất xa San Francisco và không dám gọi taxi. Sau khi gặp bạn, bạn giới thiệu tôi đến công ty bạn đang làm việc.
Khi đến công ty bạn, tôi phỏng vấn cả ngày mất 7 tiếng. Phỏng vấn xong, tôi ra khỏi công ty đi được vài bước thì công ty kêu quay lại, tôi gặp nhà sáng lập và câu hỏi đầu tiên muốn lương bao nhiêu. Tôi lúng túng trong đầu không biết nói con số nào cho đúng, tôi nghĩ nói vài ngàn sao sống được ở đây nên bằng một sự can đảm nào đó tôi đã nói đại một con số trong đầu, sau đó thấy phía bên kia suy nghĩ cũng lâu.
5 phút sau quay lại thì họ cho tôi 2 lựa chọn, 1 chọn lựa mức lương tôi đưa ra hoặc thấp hơn nhưng sẽ cho nhiều cổ phần hơn, tôi lúc đó không hiểu cổ phần là gì nên chọn tiền vì mình cần tiền. Đó là công ty đầu tiên tôi phỏng vấn, và cũng là công ty đầu tiên tôi làm ở Mỹ với lương 6 con số.
Những năm sau đó làm việc giữa nước Mỹ của anh có gì đặc biệt?
Làm khoảng 1 năm sau công ty được bình chọn trên báo Forbes là trang web có thiết kế đẹp nhất của năm. Tôi tự hào lắm, được CEO cảm ơn và cho thêm cổ phần công ty. Cũng ở công ty này họ đã chào đón tôi và cho tôi cơ hội để học hỏi, hoà nhập và xây dựng nền tảng ở Mỹ.
Dời lại 2 năm sau, mời lần 2 mới nhận làm ở Google, anh là designer người việt từ Việt đầu tiên trong team Product Global, không bằng cấp. “Không bằng cấp” với người khác là một rào cản, nhưng với anh thì không, anh đã làm thế nào để trở thành một người mà các công ty hàng đầu muốn chinh phục?
Khi tôi đã có nhiều kinh nghiệm ở Mỹ, nhiều sản phẩm đã ra mắt và được mua lại bởi công ty khác, một số công ty cũng chủ động liên lạc và mời sang phỏng vấn. Google không phải là công ty duy nhất. Tôi được mời từ nhiều công ty như Linkedin, Uber, Airbnb, Microsoft, trong đó có Playstation mời về lãnh đạo team ở Nhật và Mỹ để thiết kế cho máy PS5 nhưng tôi từ chối để tham gia Google.
Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất là phải luôn biết tái định nghĩa bản thân mình để đi theo thời đại. Ở San Francisco, mọi người hay nói thế giới thay đổi mỗi 5 tuần nên tác phong làm việc mình phải luôn biết cập nhật bản thân, học hỏi liên tục. Riêng bản thân do hoàn cảnh, tôi có khả năng tự học từ nhỏ nên khi sang đây lại trở thành một thế mạnh, cho dù có vấn đề gì mình chỉ tập trung đi tìm hướng giải quyết và cứ vậy mà chuyện gì cũng sẽ được hoàn thành.
Những thứ trên hồ sơ lý lịch bạn có thể gian dối nhưng kinh nghiệm thì không. Kinh nghiệm sẽ thuyết phục được tất cả vì phỏng vấn ở Mỹ rất khó, Google mất đến 4 tháng để làm bài luận, qua rất nhiều vòng và tỉ lệ đỗ chỉ 0,2%. Khi phỏng vấn họ sẽ yêu cầu mình giải quyết vấn đề về sản phẩm, chiến lược, thiết kế trước mặt họ nên kinh nghiệm sẽ nói lên tất cả. Huy chương, danh hiệu, giải thưởng sẽ không thể đại diện được cho mình cách ứng xử tình huống hay cách giải quyết tiếp cận vấn đề.
Khi phỏng vấn công ty cũng có hỏi tôi về vấn đề không có bằng cấp, câu trả lời của tôi luôn là: Thế giới thay đổi quá nhanh như vậy thì sách vở nào có thể in cho kịp? Không có cách học nào nhớ lâu bằng chính thất bại và vượt qua khó khăn của chính bản thân mình.
“Bằng cấp có quan trọng không” luôn là vấn đề được rất nhiều người bàn luận, đưa ra nhiều ý kiến trái chiều ở Việt Nam. Anh có quan điểm như thế nào về việc có bằng cấp và việc phát triển sự nghiệp ạ?
Tôi nghĩ tuỳ ngành, nếu là các ngành liên quan đến y tế thì nên học trường lớp đàng hoàng vì liên quan đến tính mạng con người. Những ngành liên quan đến sáng tạo, công nghệ thì đi học ở các lớp hơi lãng phí về thời gian vì có rất nhiều nguồn nếu biết chọn lọc có thể học trên mạng. Tự học thì chi phí sẽ thấp hơn, bạn sẽ tiết kiệm nhiều hơn, không cần phải trả nợ và tạo điều kiện tài chính cho bạn ổn định sớm hơn và đi trước một bước với số đông. Nếu các bạn không có phương hướng rõ ràng, không biết mình muốn gì thì học là môi trường tốt để đi tìm bản thân.
Anh đầu tư như thế nào việc tự học của mình, thưa anh?
Tôi tự học lúc nhỏ qua sách và youtube. Tôi thường hay mua các khóa học thực hành trên các web tương để học các kỹ năng mới. Tôi nghĩ hãy áp dụng tư duy của ngành vào cuộc sống mỗi ngày, hãy luôn sống có chủ đích học hỏi để nó trở thành một kỹ năng tự nhiên. Cách tôi bố trí nhà, nơi làm việc, các vật dụng trong nhà, tôi cố gắng chọn lọc và tối giản mọi thứ có thể, cố gắng áp dụng các nguyên tắc trong thiết kế để thiết kế cuộc sống của mình. Tập cách tư duy từ nội tâm đến cách mình hành xử bên ngoài. Đó là cách tôi học, tôi học từ hiểu bản thân.
Năm 35 tuổi, anh lại chuyển qua làm Meta sau 7 lần từ chối. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
Trong lúc dịch covid xảy ra, cuộc sống có rất nhiều thay đổi. Đây là lúc tôi bỗng nhiên đối diện với cuộc đời mình và dẫn đến trầm cảm nặng hơn. Lúc ấy, tôi thấy rất thất vọng và nghĩ mình đã trốn trong công việc quá lâu nên khi công việc ngừng lại tôi thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt. Vậy nên tôi quyết định sang làm việc ở Meta bởi tôi nghĩ mình sẽ có thể tiếp cận đến yếu tố xã hội vì đây là công ty lớn nhất thế giới về mạng xã hội, nơi hàn gắn tỉ người trên thế giới. Hàn gắn và kết nối là điều tôi muốn đi tìm cho bản thân.
Trải nghiệm làm việc của anh khi làm việc ở những tập đoàn lớn hàng đầu thế giới có gì đặc biệt?
Tôi nghĩ điều đặc biệt nhất khi làm việc tại các tập đoàn hàng đầu là có thể thấy những người thông minh làm việc thế nào và mình có thể học hỏi từ họ. Khi được vây quanh bởi những người giỏi như vậy, tôi phát triển rất nhanh. Vì tôi tin rằng tương lai của mình định đoạt bằng những người mình gặp hằng ngày.
Bên cạnh đó, tôi thấy nhiều người bị chứng Imposter Syndrome dịch nôm na ra là không công nhận bản thân mình, 8/10 người tôi làm chung đều bị vấn đề này vì họ luôn thấy mình nhỏ bé khi xung quanh có quá nhiều người giỏi. Thường xuyên khiến họ bị stress và thiếu tự tin vào chính bản thân mình.
Làm việc ở những nơi này áp lực rất cao vì tác phong và chất lượng luôn là điều phải tuân thủ. Tác động không dưới tỷ đô, một lần test design có thể mất đến 250 triệu đô do số lượng người dùng lên đến 3 tỷ người.
Khi vào làm các tổ chức lớn, bạn sẽ được lo toàn diện mọi vấn đề, khi bạn mệt bạn có người chờ massage cho bạn, khi bạn đói có đến hơn 50 nhà hàng với đủ thứ món bạn có thể chọn để ăn, bảo hiểm, nhà cửa, xe cộ bạn có thể mua sắm những chiếc siêu xe đẹp nhất. Nhưng tất cả dễ làm bạn trở thành nô lệ của vật chất và lợi ích.
Những người làm được là những người tự cho mình cơ hội để thành công chứ không ngồi đợi ai đem lại hay quyết định cho cuộc đời của mình. Nếu bạn nghĩ vào làm việc ở những nơi như vậy rất khó và bạn không thử là bạn đang tự đào thải bản thân mình.
Động lực nào khiến anh quyết định mở công ty riêng, giúp những người bị bệnh trầm cảm bằng cách dùng công nghệ AI?
Trong lúc Covid, tôi đã bị trầm cảm nặng hơn do bị cách ly quá lâu, tôi nhận ra rằng bấy lâu nay tôi trốn trong công việc chỉ là cách để không đối diện với những điều còn tồn đọng trong tâm.
Vậy nên khi dừng làm việc tôi bị mất phương hướng, bác sĩ nói đã bị nặng hơn nên phải dùng thuốc uống, khi uống thuốc lại bị phản tác dụng vì cơ thể không chịu được, khiến tôi mất hết cảm xúc. Khi làm việc, thuốc làm tôi dễ phản ứng hơn, mất khả năng ứng xử và đã tác động đến khả năng làm việc. Tôi đã cảm thấy xấu hổ do mình không có khả năng làm việc được nữa nên phải xin nghỉ phép vì lý do sức khoẻ.
Khi chứng kiến bản thân không còn khả năng sống như trước, tôi đã cảm thấy bất lực. Tôi nhìn xung quanh với những thành tích, chiếc xe đẹp, căn nhà mơ ước nó như dần mất đi, không còn ý nghĩa nữa. Lúc ấy tôi đã nghĩ đến tự sát. Trong lúc đó tôi nghĩ lại, nếu mình có mất đi, hãy để lại một điều gì đó có ích cho đời. Từ đó tôi thành lập ra Murror bắt đầu từ chữ Mirror(tấm gương) nhưng đổi thành tên Murror, công ty phần mềm giải pháp hỗ trợ người trầm cảm, giúp người dùng khám phá và thấy được không chỉ phần tối mà những phần sáng của bản thân. Từ đó tôi đã bắt đầu hành trình của mình, hành trình này có thể đến cuối đời để giúp những người trầm cảm và vấn đề tâm lý.
Anh gặp phải những khó khăn gì khi trở thành founder, vận hành startup của riêng mình?
Đa số khi một ai đó bắt đầu một ý tưởng họ bắt đầu từ yếu tố tác động bên ngoài. Riêng tôi thì muốn giải quyết vấn về đi từ trong nội tâm của mình, điều mình đã từng trải để có thể hiểu vì sao nó quan trọng với người dùng. Vì đây là vấn đề nhạy cảm nên cái tâm sẽ là yếu tố chính để tôi điều hành công ty và tuyển dụng. Đa số các bạn trong team hiện tại đều có bạn bè hoặc bản thân đã từng trải qua trầm cảm, nên các bạn hiểu tầm quan trọng của công việc và cùng tôi làm ngày đêm bất kể thứ bảy hay chủ nhật. Họ là những cùng tôi tiên phong đi tìm những biện pháp tốt nhất cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Khó khăn lớn nhất là phải giữ một tinh thần tích cực vì bản chất công việc thường lắng nghe nội tâm của mọi người. Có những ngày tôi nhận được tin nhắn nói bạn mới tự sát, có những tin nhắn đau thương khiến mức tôi cũng bị ảnh hưởng tinh thần. Nhưng chính vì trách nhiệm này mà khiến tôi không cho phép bản thân buông thả mà còn phải cố gắng hơn khi đi tìm cách giải quyết.
Ngoài ra, còn một khó khăn nữa là team ở nhiều quốc gia nên hơi khó chuyện sắp xếp giờ để họp. Nhưng các bạn vẫn luôn hiện diện làm việc ngày đêm bất cả sáng đêm, cuối tuần để có thể bắt kịp với tiến độ. Tôi biết ơn những bạn trong team mình, tôi không đi xa đến lúc này nếu không có các bạn ấy.
Nhìn lại hành trình mà bản thân đã đi qua, anh cảm thấy như thế nào? Một bài bài học mà anh nhận ra trên hành trình đặc biệt của mình?
Có 5 bài học mà tôi nhận ra sau khi đi một hành trình dài:
- Hãy là một người của giá trị.
- Tài sản, vật chất không có ý nghĩa gì nếu mình không có sức khoẻ và tinh thần để hưởng thụ.
- Bằng cấp huy chương có thể làm cha mẹ tự hào, nhưng tác động của bản thân tạo ra không nằm ở danh hiệu hay kỳ tích.
- Đối thủ lớn nhất là chính bản thân mình. Không phải yếu tố bên ngoài.
- Cuộc đời không chỉ có công việc. Công việc chỉ là phương tiện để có cuộc sống tốt hơn.
Một vài sự kiện, kỷ niệm mà anh không thể quên trong suốt hành trình đã qua của mình?
Một kỷ niệm vui của tôi là mua được căn nhà đầu tiên ở San Francisco tuổi 29. Khi mới sang Mỹ, tôi chưa có điều kiện nên phải mướn phòng ở với người khác và sinh ra rất nhiều vấn đề, không có sự riêng tư. Lúc này, tôi vừa mới đưa vợ và con trai 1 tuổi sang Mỹ khi ở nhà thuê con hay khóc ban đêm và bị chủ nhà đuổi khéo. Tôi quyết định ưu tiên hàng đầu là phải ổn định hơn về chỗ ở để tập trung vào công việc, nên sau 1 năm làm cho 3 công ty một lúc tôi đã có căn nhà đầu tiên.
Trong những năm đầu tiên ở Mỹ, trong lúc đi làm tôi bị sỏi thận và phải nhập viện khẩn cấp, đồng nghiệp chở tôi vào bệnh viện, nằm đến 3h sáng tự đi về nằm ở nhà không ăn uống vài ngày, rồi cũng tự đứng dậy và đi tiếp.
Lần sỏi thận thứ 2 là đêm trước khi đi phỏng vấn buổi cuối cùng ở Google, dù đau đớn nhưng vẫn có mặt đúng giờ sáng hôm sau, đứng giải bài và hoàn thành phỏng vấn sau 8 tiếng chịu đựng.
Kỷ niệm vui khi tôi có cơ hội thiết kế cho máy chơi game Playstation 5. Khi có cơ hội được lãnh đạo team Sony ở Mỹ và Nhật Bản, tôi rất hãnh diện và hạnh phúc. Nhưng khi đã chạm đến ước mơ đó rồi, thì không ngờ tôi có những cơ hội lớn hơn tác động đến tỷ người nên tôi đã chọn lý trí đi theo Google. Tôi nhớ mãi lúc quản lý bên Sony nói tôi hãy suy nghĩ lại vì cơ hội này có thể chỉ có 1 lần trong một đời người, nhưng sau này nhìn lại tôi vẫn không hối hận.
Hiện tại, tôi cũng thấy rất vui khi thấy 2 con mình được sống đầy đủ, không thiếu thốn ở Mỹ. Điều này rất quan trọng với tôi, tôi muốn con mình sẽ có một điểm xuất phát thuận lợi trong cuộc sống. Điều hạnh phúc nhất, đẹp nhất là có được sự ủng hộ từ những người yêu thương trong gia đình đặc biệt là mẹ, ba kế, em trai và vợ khi tôi chia sẻ về vấn đề trầm cảm của mình, mọi người ủng hộ tôi trong những việc tôi làm.
Sau khi bài viết của anh được đăng tải trên một group thu hút nhiều lượt chú ý, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự ngưỡng mộ và được truyền cảm hứng từ anh. Để chia sẻ một vài điều với họ, anh sẽ nói gì?
Tôi cảm ơn tất cả mọi người đã ủng hộ mình. Tôi viết ban đầu chỉ mang tính chất chia sẻ, nhưng không ngờ lại nhận được phản hồi của rất nhiều bạn trẻ có vấn đề về trầm cảm, tôi rất trân trọng. Hiện tại tôi đang làm với team để hỗ trợ phía Việt Nam tốt hơn. Bao nhiêu năm tôi đi con đường sự nghiệp một mình, tôi nghĩ đã tới lúc mình nên đi chung với tất cả mọi người để cùng tạo ra một tác động lớn hơn và xa hơn.
Đừng để vật chất, hay một chiếc xe đẹp, một bề ngoài bóng bẩy lấp đi lỗ trống thiếu sót của mình, mà hãy bắt đầu bằng câu hỏi “Nếu ngày hôm nay tôi có thể làm cuộc sống tốt hơn thì tôi sẽ làm gì?”. Câu trả lời sẽ dẫn bạn đến nơi bạn muốn.
Ở Việt Nam, hình ảnh và bằng cấp rất quan trọng, thường là để cho gia đình hãnh diện và tự hào. Đó là điều đáng tự hào, vì cuộc đời ai mà chẳng muốn được công nhận, có tấm bằng trong tay sau 4 năm đi học giống như một sự công nhận cho công sức mình bỏ ra.
Điều tôi thấy lo là ở thời đại thế giới thay đổi quá nhanh nên giá trị mình học được chưa chắc gì có thể áp dụng được khi ra trường. Đừng lẫn lộn giữa làm và phát triển, khi mình bỏ ra cống sức rất nhiều chưa chắc gì đã hiệu quả, nếu như điểm đến không tạo ra một tác động nào hoặc giá trị nào cho xã hội thì tấm bằng chỉ dừng ở một kỷ niệm vui treo trên tường.
Tôi chúc tất cả các bạn may mắn trên hành trình khám phá bản thân. Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!