4 khía cạnh chính của TMĐT phát triển bền vững
Báo cáo đã đưa ra những nhận định chuyên môn về ngành, phân tích rõ 4 khía cạnh chính của TMĐT phát triển bền vững, bao gồm:
(1) Phát triển kinh doanh bền vững;
(2) Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững;
(3) Phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao;
(4) Phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Từ đó, báo cáo cho thấy vai trò quan trọng của TMĐT bền vững trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số nói riêng và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung.
- Về Phát triển kinh doanh bền vững, báo cáo cũng chỉ ra các yếu tố tạo nên kinh doanh bền vững của TMĐT. Trong đó, việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững trên cả 3 phương diện môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định được tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển trong thời kì kỹ thuật số.
- Đồng thời, phát triển kinh doanh bền vững cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần tiếp tục gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ một cách bền vững trên TMĐT thông qua ứng dụng công nghệ để thấu hiểu sâu sắc người tiêu dùng trên nền tảng; Phát triển hệ sinh thái TMĐT bền vững để nâng cao năng lực phục vụ cốt lõi của mình, cho phép mở rộng các lĩnh vực then chốt như chuỗi cung ứng và thanh toán kỹ thuật số; và Quản lý tài chính bền vững để quản lý, tối ưu hoá, bảo vệ tài sản, thu nhập, chi phí và nguồn lực tài chính của doanh nghiệp
- Về Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, báo cáo mang đến cái nhìn tổng quát về thực trạng đầu tư hạ tầng công nghệ TMĐT tại Việt Nam, cho thấy đầu tư về CNTT và TMĐT hiện nay được các doanh nghiệp chú trọng, điển hình là các hạng mục đầu tư vào hệ thống phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu; các công nghệ tự động hoá, đám mây, trí tuệ nhân tạo và kết nối cơ sở hạ tầng tối ưu hoá mọi quy trinh quản trị, vận hành và gia tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng.
Để tăng cường khả năng phát triển bền vững của TMĐT, Báo cáo đánh giá tính ổn định và an toàn thông tin là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Báo cáo nhấn mạnh hệ thống logistics hiệu quả sẽ là “chìa khoá” cho các doanh nghiệp TMĐT giúp kết nối đầu cuối trong toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng và gia tăng trải nghiệm mua sắm TMĐT của khách hàng.
Để tối ưu chi phí logistics của ngành TMĐT (chiếm tỷ trọng dao động 10%-20% trong giá thành sản phẩm) và hoạt động logistics, các doanh nghiệp TMĐT đang tăng cường đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống logistics bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo AI, Internet of Things (IoT) và blockchain.
Trong quản lý giao vận, giao vận hiệu quả cần phải tập trung hơn phát triển các giải pháp công nghệ xử lý nghiệp vụ sau giao hàng như đổi trả, thu hồi, xử lý hàng…. Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ AI và công nghệ chuyển đổi sang các giải pháp carbon thấp cũng đang được áp dụng rộng rãi trong ngành logistics và thương mại kỹ thuật số.
- Về phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, báo cáo cho biết mấu chốt của ngành TMĐT Việt Nam là sự chênh lệch và thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng của nhân lực số so với nhu cầu từ thị trường. Để đáp ứng được tính cấp thiết trong việc đào tạo nhân lực, việc xây dựng mô hình quản lý và phát triển nguồn nhân lực bền vững đảm bảo ba yếu tố: đa dạng, công bằng và hoà nhập, đối với các doanh nghiệp TMĐT là vô cùng quan trọng.
- Về phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng, tỷ lệ người sử dụng TMĐT tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đạt 52 triệu người vào năm 2022 , tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó những đặc điểm nổi trội của thế hệ người tiêu dùng mới – thế hệ Z – được thể hiện rõ nét cũng dẫn đến những thay đổi trong hành trình mua sắm.
- Người tiêu dùng cũng có xu hướng mua sắm thông minh hơn, tìm kiếm thêm nhiều trải nghiệm tinh tế hơn và mong chờ nhận được thêm nhiều giá trị hơn thay vì chỉ tìm kiếm các ưu đãi giảm giá đơn thuần; họ cũng tìm kiếm các sản phẩm thân thiện với môi trường. Số liệu trong báo cáo đã chứng minh điều này, ghi nhận từ lazada Việt Nam cho thấy số lượng ngành hàng trung bình một người mua sắm trên Lazada đã tăng từ 6 ngành hàng trong năm 2021 lên 7 ngành hàng trong năm 2022; có đến 57% người Việt Nam ngừng mua một số sản phẩm hoặc dịch vụ vì tác động của chúng đối với môi trường.
Muốn đạt được hiệu quả nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng, việc ứng dụng công nghệ là điều không thể bỏ qua. Các công nghệ hiện nay được đánh giá là hiệu quả cho trải nghiệm người tiêu dùng trên nền tảng TMĐT bao gồm: shoppertainment, cá nhân hoá và công nghệ thực tế ảo.
6 xu hướng phát triển bền vững của ngành TMĐT
Từ việc phân tích và đánh giá sâu sắc các khía cạnh của TMĐT phát triển bền vững, báo cáo cũng đã đưa ra dự báo 6 xu hướng phát triển bền vững của ngành TMĐT:
Thứ nhất, về đầu tư, TMĐT bền vững sẽ tiếp tục hướng đến các đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng, công nghệ, logistics, con người…
- Thứ hai, về kinh doanh, TMĐT bền vững tạo ra nhiều giá trị hơn cho các bên liên quan thông qua việc xây dựng cộng đồng với các giá trị được cộng hưởng từ đối tác (thanh toán, vận hành, logistics…), doanh nghiệp (nhà bán hàng và thương hiệu) và người tiêu dùng.
Thứ ba, về công nghệ, TMĐT bền vững ưu tiên đầu tư cho các công nghệ hỗ trợ độ mở của sàn, sử dụng API (Application Programming Interface – Giao diện lập trình ứng dụng) ở mọi điểm tiếp xúc của TMĐT với đối tác, kết nối và tận dụng triệt để nhiều dịch vụ của đối tác trên nền tảng TMĐT
Thứ tư, về trải nghiệm khách hàng, TMĐT bền vững kết nối các hành vi mua sắm riêng lẻ của người tiêu dùng, hướng đến xu hướng mua sắm toàn diện và lâu dài từ giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn, mua hàng, thanh toán, đổi trả.
Thứ năm, về thanh toán, thanh toán trên TMĐT sẽ ngày càng mở rộng kết nối với đa dạng đối tác tài chính và chuyển hướng “buy now, pay later” (Mua trước, trả sau), đáp ứng nhu cầu chi trả của người tiêu dùng và giúp cho việc mua sắm trên TMĐT trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn
Thứ sáu, về xã hội, TMĐT bền vững trở thành cầu nối thúc đẩy phổ cập hiểu biết về TMĐT đến với doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn quốc, góp phần thực hiện chủ trương phổ cập TMĐT đến các địa phương trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.