Điện thoại thông minh (smartphone) đã trở thành vật bất ly thân với nhiều người. Dùng điện thoại bất kể nơi đâu, từ nhà đến công sở hay đi chơi thì nó vẫn được xem như món đồ không thể thiếu. Đồng thời, nhiều người cũng quen với việc vừa làm một chuyện gì đó, vừa dùng điện thoại. Tuy nhiên, nếu bạn biết những điều này thì bạn sẽ phải từ bỏ sớm những thói quen độc hại này.
Sử dụng điện thoại khi đi vệ sinh
Mang điện thoại di động vào nhà vệ sinh có thể làm tăng nguy cơ điện thoại tiếp xúc và nhiễm vi khuẩn. Nhà vệ sinh là nơi chứa nhiều vi khuẩn như trên bồn cầu, giấy vệ sinh và cả tay nắm cửa. Sự hiện diện của vi khuẩn có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy, và các loại nhiễm trùng khác. Hơn nữa, thói quen này còn có thể làm tăng nguy cơ bị táo bón, trĩ và gây căng thẳng.
Tiến sĩ RP Venkata Krishnan, cố vấn cao cấp về Nội khoa tại Bệnh viện Paras ở Gurgaon, Ấn Độ, cho biết: Hầu hết mọi người thường mang theo điện thoại vào nhà vệ sinh để không bỏ lỡ thông tin quan trọng như tin nhắn, thư điện tử hoặc cuộc gọi. Đây thực sự là một thói quen xấu mà nhiều người không nhận ra.
Dùng điện thoại khi ăn: Ảnh hưởng đến cả hệ tiêu hóa
Sử dụng điện thoại khi đang ăn có thể khiến bạn bị phân tâm khỏi việc cảm nhận thức ăn và gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Chăm chú vào màn hình điện thoại, chúng ta thường ăn nhanh và không nhận biết rõ lượng thức ăn mà bản thân đang tiêu thụ. Điều này có thể dẫn đến việc ăn quá nhiều hoặc không đủ, gây ra vấn đề về cân nặng và hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, điện thoại cũng là nơi chứa vô số vi khuẩn, có thể mang mầm bệnh mà bạn chẳng hề hay biết. Vậy nên hãy tập thói quen tắt điện thoại và tận hưởng bữa ăn của mình.
Dùng điện thoại khi lái xe
Sử dụng smartphone khi lái xe là một việc làm hết sức nguy hiểm và có thể dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng. Khi lái xe nhưng vẫn dùng điện thoại, chúng ta rất dễ bị phân tâm, không tập trung vào đường đi, từ đó làm giảm sự nhanh nhẹn và khả năng phản ứng cần thiết trong nhiều tình huống có thể xảy ra. Điều này không chỉ đe dọa an toàn của bản thân mà còn ảnh hưởng đến người đi đường khác. Vậy nên, nếu phát hiện vi phạm, người dùng có thể bị phạt theo Luật Giao thông đường bộ.
Để đảm bảo an toàn, nếu có việc cần thiết phải sử dụng điện thoại, hãy tìm chỗ dừng xe an toàn và chỉ sử dụng điện thoại sau khi xe đã dừng hẳn.
Dùng điện thoại trước khi đi ngủ
Ánh sáng màn hình điện thoại gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và gây rối loạn cấu trúc giấc ngủ. Nó khiến giấc ngủ vốn là thời gian thư giãn của não bộ mất đi chức năng này. Điều này xảy ra bởi những nội dung kịch tính và hấp dẫn sẽ cuốn hút bạn vào nhu cầu cập nhật, xem tiếp liên tục.
Để khắc phục thói quen xấu này, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau:
Tắt smartphone ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ để giúp não bộ và mắt thư giãn. Thay thế việc sử dụng smartphone bằng những việc làm nhẹ nhàng như đọc sách, nghe nhạc tay tập yoga... để thả lỏng cơ thể trước khi chìm vào giấc ngủ sâu.
Dùng điện thoại cho những cuộc nói chuyện dài
Dĩ nhiên, ai cũng có nhu cầu nói chuyện lâu dài với những người thân quen, tuy nhiên việc nói chuyện điện thoại hàng tiếng đồng hồ không hề tốt cho sức khỏe. Tư thế giữ điện thoại bên tai làm bạn tiếp xúc gần hơn với bức xạ điện từ được tạo ra bởi thiết bị. Bức xạ điện từ từ điện thoại có thể ảnh hưởng đến cấu trúc tế bào và chức năng của chúng, gây rối loạn nội tiết và tác động xấu đến sức khỏe tổng thể.
Lời khuyên được đưa ra là nên sử dụng tai nghe hoặc loa ngoài để giảm tiếp xúc trực tiếp của điện thoại với tai và đầu.