Theo báo cáo tháng 3 mới công bố, Pyn Elite Fund đã đưa cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động trở lại top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục với tỷ trọng 4%. Với tổng giá trị tài sản quản lý lên đến 781,6 triệu EUR, ước tính quỹ ngoại này nắm khoảng gần 15 triệu cổ phiếu MWG tại ngày 31/3.

Trong quá khứ, MWG là một kỷ niệm đẹp với Pyn Elite Fund. Cổ phiếu này từng có thời điểm là khoản đầu tư lớn nhất danh mục vào cuối năm 2019 với tỷ trọng lên đến hơn 17%. Quỹ ngoại này sau đó bất ngờ chốt lời cổ phiếu MWG trong năm 2020 thu về khoản lợi nhuận lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn đó, MWG là một trong những cái tên được khối ngoại săn đón bậc nhất thị trường. Với tình trạng thường xuyên kín room, nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu cổ phiếu này phải chịu một mức phí chênh lệch (premium) lên đến 40-50%. Đây là một trong những lý do giúp Pyn Elite Fund chốt lời MWG thành công rực rỡ.

2 năm sau khi chốt lời MWG, trong một lần chia sẻ trước truyền thông, ông Petri Deryng - người đứng đầu Pyn Elite Fund vẫn bày tỏ sự tin tưởng 100% vào Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nhưng băn khoăn khi MWG đang bán quá nhiều thứ. Nhà quản lý quỹ cũng để ngỏ khả năng “tái ngộ” khi bài toán room ngoại được giải quyết.
Pyn Elite Fund “nối lại tình xưa” với MWG sau hơn 5 năm chia tay đúng vào thời điểm cổ phiếu này đang “hở room” ngoại do bị bán ròng triền miên trước đó. Tuy nhiên, lần trở lại này có vẻ nhiều sóng gió. Tính từ đầu tháng 4 đến nay, tức là khoảng 1 tuần sau khi quỹ ngoại đưa MWG trở lại top 10 danh mục, cổ phiếu này đã giảm gần 22%.

Chưa rõ khoản đầu tư vào MWG lần này là dài hạn sau khi đánh giá lại triển vọng của Thế Giới Di Động, hay chỉ đơn thuần là lướt sóng ngắn hạn. Pyn Elite Fund cũng chưa đưa ra nhận định về MWG trong các báo cáo gần đây giống như cách đã làm với nhiều cổ phiếu khác trong danh mục sau khi rót vốn.
Thực tế, sau khi chia tay MWG năm 2020, quỹ ngoại đến từ Phần Lan có giai đoạn cược lớn vào chứng chỉ quỹ của DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) và cũng thắng đậm. Sau khi chốt lời chứng chỉ quỹ này, Pyn Elite Fund bắt đầu mạnh tay cơ cấu danh mục. Vài năm trở lại đây, các cổ phiếu ngân hàng trở thành lựa chọn ưa thích của quỹ.
Tính đến cuối tháng 3/2025, nhóm ngân hàng vẫn áp đảo cả về số lượng và tỷ trọng trong danh mục của Pyn Elite Fund. Tổng tỷ trọng của 5 cổ phiếu ngân hàng gồm STB, MBB, CTG, VIB và OCB trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục, chiếm đến hơn 50% tổng giá trị tài sản quản lý của quỹ ngoại này.
Về thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam đã công bố một kế hoạch toàn diện hướng đến mục tiêu nâng hạng. Hệ thống giao dịch mới, KRX, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 5. FTSE đã công bố đánh giá về phân loại của Việt Nam trong tuần này và ghi nhận những tiến bộ đã đạt được. Đợt đánh giá tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 9.
Về vĩ mô, GDP quý 1 của Việt Nam tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu là sản xuất (+7,4% svck) và dịch vụ (+7,7% svck). Đây là mức tăng trưởng GDP quý 1 cao nhất kể từ năm 2019. Lượng khách quốc tế đạt mức cao nhất mọi thời đại là 6 triệu (+29,6% svck) và +34% so với mức trước Covid. Trong quý 1, tổng giá trị xuất khẩu đạt 102,8 tỷ đô la (+10,6% svck), giá trị nhập khẩu là 99,7 tỷ đô la (+17% svck).
Các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị lên tới 90 tỷ USD trong những tuần gần đây. Internet vệ tinh Starlink của SpaceX đã được cho phép phóng thử nghiệm tại Việt Nam cho đến năm 2030. Theo Pyn Elite Fund, những hành động này là để hỗ trợ các cuộc đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.