5 biểu đồ gói gọn diễn biến 15 tháng như “tàu lượn siêu tốc” đối với tài sản rủi ro trước khi FED tạm dừng tăng lãi suất

Anh Dũng | 16:37 16/06/2023

Cổ phiếu, trái phiếu và tiền số đều biến động dữ dội trong 15 tháng qua.

5 biểu đồ gói gọn diễn biến 15 tháng như “tàu lượn siêu tốc” đối với tài sản rủi ro trước khi FED tạm dừng tăng lãi suất
Ảnh: Reuters

Cho đến hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tạm dừng chiến dịch thắt chặt tiền tệ.

Ngân hàng trung ương đã quyết định không tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 6, lần tạm dừng đầu tiên sau 15 tháng liên tục nâng lãi suất.

Cổ phiếu, trái phiếu và tiền số đều biến động dữ dội trong khoảng thời gian đó. Và 5 biểu đồ dưới đây phản ánh phần nào sự hỗn loạn đó.

15 tháng tăng lãi suất

Vào ngày 16/3/2022, FED bắt đầu tăng lãi suất sau hơn 2 năm, nhằm kiềm chế lạm phát leo thang lên mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ.

Trong vòng 15 tháng, ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất từ gần 0 lên hơn 5% thông qua 10 cuộc họp liên tiếp. Đến cuộc họp giữa tháng 6/2023, FED mới tạm dừng.

15 tháng FED tăng lãi suất

Theo dữ liệu từ Statista, đây là chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất của ngân hàng trung ương trong 4 thập kỷ qua. Dường như chiến dịch của Chủ tịch FED Jerome Powell và các cộng sự cuối cùng cũng có hiệu quả. Lạm phát giảm từ gần 9% xuống chỉ còn 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường chứng khoán hỗn loạn

FED sẽ luôn phải đánh đổi khi cố gắng hạ nhiệt lạm phát.

Khi lãi suất tăng, cổ phiếu có xu hướng giảm. Vì các nhà đầu tư kiếm lợi nhuận tốt hơn bằng cách gửi tiền mặt vào tài khoản tiết kiệm, thay vì mua cổ phiếu của các công ty niêm yết.

Sự thay đổi của 3 chỉ số chính kể từ tháng 3/2022.

Ba chỉ số chính của Mỹ - S&P 500, Nasdaq Composite và Trung bình Công nghiệp Dow Jones - đều lao dốc khi FED tăng cường thắt chặt chính sách. Nasdaq nặng về công nghệ thậm chí còn giảm sâu hơn 20%.

Nhưng sau khi chạm đáy vào tháng 10/2022, cổ phiếu đã phục hồi mạnh mẽ. Nguyên nhân là do nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay để hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, cơn sốt ChatGPT cũng truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI).

Ba chỉ số chính hiện đang giao dịch gần bằng mức tháng 3/2022. Nhưng vẫn có những tổn thất nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán 15 tháng qua.

Đáng chú ý nhất là việc FED tăng lãi suất ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của các ngân hàng khu vực. Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) vào tháng 3/2023 khiến dòng tiền ồ ạt chảy ra. Trong khi đó, PacWest có trụ sở tại Beverly Hills và Western Alliance ở Phoenix đều ghi nhận hơn một nửa tổng vốn hóa thị trường của họ bị xóa sổ kể từ lần tăng lãi suất đầu tiên của FED.

Tỷ lệ thay đổi giá cổ phiếu của 3 ngân hàng khu vực.

Lợi suất trái phiếu tăng đột biến

Giá trái phiếu cũng có xu hướng giảm khi lãi suất tăng, vì những người mua tiềm năng chuyển sang gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng.

Vào tháng 9, trái phiếu toàn cầu lao dốc khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới chật vật để theo kịp FED. Kho bạc Mỹ cũng cảm nhận được tác động.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm tăng vọt khoảng 200 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022. Lợi suất tăng sẽ phản ánh giá trái phiếu giảm.

Bán tháo tiền số

Bitcoin và Ethereum đều sụt giảm khi FED liên tiếp tăng lãi suất. Bởi khi chi phí vay tăng lên, các nhà đầu tư có ít tiền mặt hơn để đổ vào các tài sản rủi ro

Giá của hai đồng tiền số thay đổi kể từ tháng 3/2022.

Bitcoin hiện giao dịch ở mức gần 26.000 USD và Ethereum chỉ hơn 1.700 USD. Cả hai đều thấp hơn 60% so với mức đỉnh mọi thời đại mà những đồng tiền này đạt được vào tháng 11 năm 2021.

Theo BI

Bài liên quan

(0) Bình luận
5 biểu đồ gói gọn diễn biến 15 tháng như “tàu lượn siêu tốc” đối với tài sản rủi ro trước khi FED tạm dừng tăng lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO