40 năm trong nghề, tôi nhận ra 4 sai lầm nhân viên rất dễ mắc phải: Muốn yên ổn, hãy tránh xa!

Vũ Anh | 09:48 26/10/2023

Bất kể thâm niên làm việc bao nhiêu năm, ai cũng dễ mắc phải 4 sai lầm này!

40 năm trong nghề, tôi nhận ra 4 sai lầm nhân viên rất dễ mắc phải: Muốn yên ổn, hãy tránh xa!

Chris Williams là cựu Phó Giám đốc Nhân sự Microsoft. Sau hơn 40 năm trong nghề, ông nhận ra 4 sai lầm các nhân viên của mình thường xuyên mắc phải, bất kể thâm niên của họ là bao nhiêu năm. 

Sai lầm 1: Đe dọa nghỉ việc

Vì thất vọng, nhiều nhân viên đưa ra ‘tối hậu thư’ đe dọa rời bỏ công ty với hy vọng kiếm được mức lương cao hơn, một vị trí xứng đáng hơn. Với ông Williams, điều này hiếm khi diễn ra như họ mong đợi.

“Trong bất kỳ trường hợp nào, lời đe dọa rời đi của bạn đều giống như một câu chuyện “tống tiền”. Nếu bạn đang thực hiện một dự án nào đó, có thể công ty sẽ cố gắng níu chân bạn đủ lâu cho đến khi mọi nhiệm vụ hoàn thành. Dự án kết thúc, tôi không chắc họ sẽ tiếp tục níu chân bạn. Tôi nghĩ, bạn đã thua ngay từ khi mở lời đe dọa công ty. Họ có thể sẽ đáp ứng yêu cầu của bạn, nhưng điều đó chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn”, ông Chris Williams khẳng định. 

Chính vì vậy, thay vì đe dọa nghỉ việc, ông Williams khuyên các nhân sự nên đàm phán thiện chí, đồng thời tìm cách diễn đạt mong muốn một cách ý nghĩa với công ty. “Xác định rõ ràng lý do vì sao tăng lương hay đãi ngộ có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Bí quyết là sự bình tĩnh, rõ ràng và cởi mở”, ông nói. 

Sai lầm 2: Yêu cầu tăng lương

Yêu cầu tăng lương đồng nghĩa với việc bạn đang ở thế yếu. Đây không phải một đặc ân. Đừng đề cập đến thị trường, mức lương của người khác hay việc bạn phải nuôi sống gia đình vất vả như thế nào.

Thay vào đó, ông Williams khuyên bạn nên trao đổi với lãnh đạo về giá trị của mình, chẳng hạn như doanh thu bạn tạo ra hay số tiền bạn tiết kiệm được. 

Sai lầm 3: Không coi sếp là đồng minh

Với ông Williams, sếp là đồng minh tốt nhất của mọi nhân sự. Đây chính là người có vai trò cao nhất trong việc quyết định đúng sai, thăng tiến và tăng lương.

Bạn không cần phải là bạn thân của sếp để có được sự ưu ái. Trong mỗi cuộc họp, các nhân viên nên kể về thành tích của mình cũng như ủng hộ sếp trong mọi trường hợp.

Sai lầm 4: Ở lại công ty dù bị đưa vào diện PIP

Nếu bạn phải thực hiện Kế hoạch Nâng Cao Năng Suất (PIP - Performance Improvement Plan), hãy cân nhắc xin thôi việc. Cái bóng của PIP sẽ ảnh hưởng đến năng suất của bạn.

“PIP không thực sự là một kế hoạch giúp bạn phục hồi và cải thiện hiệu suất công việc. Tốt nhất là bạn nên rời đi và bắt đầu hành trình của mình tại một công ty khác”, ông Williams nói. 

Câu chuyện của Grigory Yakushev, cựu nhân viên Google, là một ví dụ điển hình. Anh chàng đã bị đuổi việc sau 5 năm giữ vai trò kỹ sư phần mềm.

“Trong tháng Ba, tôi đã phải thực hiện Kế hoạch Nâng Cao Năng Suất (PIP - Performance Improvement Plan). Nó là một văn bản yêu cầu tôi phải hoàn thành số lượng công việc nhất định trong vòng 2 tháng. Sau một tuần, tôi không làm được. Quản lý cho rằng tôi lười biếng, không làm việc mà vẫn nhận lương của công ty”, Grigory Yakushev kể. 

Chia sẻ với BI, Yakushev cho biết mối quan hệ giữa mình và các quản lý cấp cao bắt đầu tệ đi. Họ tuyển thêm nhân viên dự bị, sau đó bắt anh ngồi gần lãnh đạo để tiện theo dõi. 

“Những việc này khiến tôi cảm thấy thật ngộp thở”, Yakushev nhớ lại. 

Ít lâu sau, Yakushev bị sa thải với lý do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Điều này đồng nghĩa với việc anh sẽ mất việc mà không được hỗ trợ thất nghiệp trong 3 tháng.

“Mọi thứ luôn có cách giải quyết riêng. Đây có thể được coi là một cú hích cho sự nghiệp. Đôi khi chúng ta cần một cú sốc như vậy”, anh cho hay.

Theo: BI

Bài liên quan

(0) Bình luận
40 năm trong nghề, tôi nhận ra 4 sai lầm nhân viên rất dễ mắc phải: Muốn yên ổn, hãy tránh xa!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO