Trong phiên giao dịch sáng thứ 4 trên sàn Nasdaq, Nvidia đã trở thành công ty đầu tiên trong lịch sử đạt mức vốn hóa thị trường 4.000 tỷ USD, vượt hai đối thủ Apple và Microsoft.
3 năm vừa qua, gã khổng lồ chip AI đã chứng kiến vận may của mình tăng vọt nhờ sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) – một công nghệ mới hứa hẹn sẽ cách mạng hóa doanh nghiệp và thay đổi cách con người tương tác với công nghệ trên toàn cầu.
Có trụ sở đặt tại Santa Clara, California, Nvidia thiết kế các con chip gọi là đơn vị xử lý đồ họa (GPU), là "bộ não" vận hành ngành công nghiệp AI. Đợt tăng giá cổ phiếu hiện tại đánh dấu một bước tiến đáng kinh ngạc – chỉ chưa đầy hai năm sau khi công ty lần đầu đạt mức định giá 1.000 tỷ USD. Cổ phiếu của Nvidia đã đóng cửa ở mức 162,88 USD, chỉ thấp hơn một chút so với mốc 4.000 tỷ USD, và hiện có giá trị tương đương với tổng giá trị của 214 công ty nhỏ nhất trong chỉ số S&P 500 cộng lại, theo dữ liệu từ Dow Jones Market Data.

Apple và Microsoft cũng từng tiến gần đến mốc 4.000 tỷ USD. Apple đạt mức vốn hóa 3.915 tỷ USD vào cuối năm 2024, còn Microsoft đạt 3.708 tỷ USD vào tuần trước.
TRUNG TÂM CƠN SỐT AI
Nvidia được kỹ sư Jensen Huang thành lập vào năm 1993 với mục tiêu ban đầu khá chuyên biệt: Cải thiện đồ họa cho game trên máy tính cá nhân. Tuy nhiên, sự vươn lên từ một nhà thiết kế chip phục vụ game thủ thành “nhà buôn vũ khí kỹ thuật số” đứng giữa tâm bão AI thật sự là một hành trình vũ bão.
Đầu năm nay, Nvidia đối mặt với thách thức lớn khi DeepSeek – một chatbot giá rẻ đến từ Trung Quốc – được phát triển nhanh chóng và tiết kiệm hơn so với các mô hình ngôn ngữ lớn khác. DeepSeek được xây dựng chỉ với khoảng 2.000 chip Nvidia H800, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn ngành, chứng minh rằng có thể tạo ra AI mạnh mẽ với chi phí và tài nguyên tính toán ít hơn. Tin tức này khiến cổ phiếu Nvidia sụt gần 20%, nhưng sau đó nhanh chóng hồi phục nhờ kỳ vọng chi tiêu tăng mạnh từ các khách hàng lớn.
Trong những năm đầu, Nvidia phát triển song song cùng ngành công nghiệp game, trở thành đối thủ chính của AMD (Advanced Micro Devices). Tuy nhiên, Jensen Huang luôn nuôi tham vọng lớn hơn. Ông tin rằng chip của mình có thể tăng tốc nhiều loại tác vụ tính toán hơn nữa.
Khoảng 15 năm trước, Nvidia bắt đầu xây dựng phần mềm cho phép sử dụng chip của họ cho các mục đích ngoài xử lý đồ họa. Sự phát triển của điện toán đám mây và nhu cầu tính toán khoa học gia tăng đã mở đường cho Nvidia tiến vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu (data center). Từ đây, chip của họ được ứng dụng rộng rãi trong đào tiền số, học máy (machine learning), thị giác máy tính (computer vision) và nhiều ứng dụng AI non trẻ khác.
Từ đầu những năm 2010, công ty liên tục phát triển các chip mạnh mẽ hơn, đặt tên cho mỗi kiến trúc mới theo tên các nhà khoa học nổi tiếng như James Clerk Maxwell, Johannes Kepler, Alan Turing và Ada Lovelace. Trong khoảng hai thập kỷ, Nvidia đều đặn ra mắt thế hệ chip mới mỗi 2–4 năm.
Gần đây, với sự bùng nổ của công nghệ AI, chu kỳ đó rút ngắn lại đáng kể – hiện Nvidia đặt mục tiêu tung ra chip mới mỗi năm.
Tháng 3/2022, Nvidia phát hành dòng chip Hopper, được các nhà phát triển AI ưa chuộng nhờ cải tiến về bộ nhớ và sức mạnh xử lý. Chỉ riêng trong năm 2023, công ty đã bán hàng triệu chip H100, giúp đẩy vốn hóa vượt mốc 2.000 tỷ USD.
Năm ngoái, Nvidia giới thiệu kiến trúc Blackwell, mạnh nhất từ trước đến nay. Trong đó, chip B200 chứa đến 208 tỷ bóng bán dẫn trên một con chip có kích thước chỉ bằng bốn ô trò chơi Scrabble ghép lại.
Nhu cầu với những con chip này gần như không thể thỏa mãn, khi các “ông lớn” như Meta, OpenAI và Alphabet (Google) đua nhau thu gom để phát triển các chatbot và mô hình ngôn ngữ lớn tối tân nhất.
CON CHIP NGHÌN ĐÔ
Chip AI của Nvidia có giá hàng chục nghìn USD mỗi chiếc nhưng vẫn liên tục cháy hàng. Các công ty công nghệ đua nhau khoe số lượng chip đã mua, trung tâm dữ liệu khổng lồ mọc lên để chứa chúng. Jensen Huang trở thành một biểu tượng công nghệ – vừa như người nổi tiếng, vừa như nhà tiên tri – với hình ảnh quen thuộc: Áo khoác da đen.

Tuy nhiên, cũng có lúc thăng trầm. Cả chính quyền cựu Tổng thống Biden lẫn ông Trump đều áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt lên việc Nvidia bán chip AI mạnh nhất sang Trung Quốc, xem chúng như tài sản chiến lược quốc gia.
Tháng 10/2023, Nhà Trắng dưới thời ông Biden cấm xuất khẩu chip H800 sang Trung Quốc – dòng chip Nvidia mới phát hành 7 tháng trước đó. Đến tháng 4/2025, chính quyền ông Trump tiếp tục giới hạn dòng chip H20, khiến Nvidia phải ghi nhận lỗ 5,5 tỷ USD.
Một phát ngôn viên Nvidia cho biết hôm thứ tư: “Với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện tại, chúng tôi gần như bị loại khỏi thị trường trung tâm dữ liệu Trung Quốc – hiện chỉ còn các đối thủ như Huawei chiếm lĩnh”.
Hai năm trước, doanh thu quý tháng 5 của Nvidia là 7,2 tỷ USD. Năm nay, con số này đã tăng gấp hơn 6 lần, đạt 44,1 tỷ USD – một con số khổng lồ với tỷ suất lợi nhuận gộp vượt 70%.
Theo: WSJ