Dưới đây là chia sẻ của một cựu nhân viên ngân hàng Mỹ. Người đàn ông này đã nỗ lực cùng vợ làm việc để nghỉ hưu sớm, hưởng thụ cuộc sống ở tuổi 34, song mọi chuyện diễn ra không hề suôn sẻ.
“Năm 2012, tôi nghỉ việc ngân hàng ở tuổi 34. Một năm sau, vợ tôi cũng nghỉ việc và cùng tôi nghỉ hưu sớm. Khi ấy, chúng tôi có tổng cộng 3 triệu USD (hơn 73 tỷ đồng).
Trong gần 8 năm, cổ phiếu, lãi suất ngân hàng, thu nhập từ hoạt động cho thuê và trái phiếu đều tăng trưởng rất ổn định. Thế rồi, COVID-19 ập đến. Chúng tôi đã mất ‘hàng tấn’ tiền và buộc phải chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất.
Mất hơn 600.000 USD sau 1 đêm
Khi chỉ số S&P 500 sụt sâu vào tháng 3, danh mục đầu tư của 2 vợ chồng giảm tới 30%. Hơn 600.000 USD ‘bốc hơi’ (hơn 14 tỷ đồng). Để bù đắp cho sự mất mát này, chỉ số S&P 500 cần phục hồi 47%, tức theo hình như V.
Lên kế hoạch đi làm lại
Chúng tôi đã có kế hoạch nghỉ hưu sớm và chỉ có 1 người con - thằng bé giờ 3 tuổi. Tuy nhiên năm 2019, vợ tôi lại có bầu đứa thứ 2. Chi phí chắc chắn sẽ tăng lên, nhất
là tại một thành phố đắt đỏ như San Francisco.
Đầu năm 2020, trước khi dịch COVID-19 ập đến, tôi quyết định đi làm trở lại để đảm bảo trang trải đủ phí sinh hoạt bổ sung. Tuy nhiên, hệ lụy từ các lệnh hạn chế khiến thị trường việc làm gần như đóng băng. Tôi không thể tìm việc.
Mất thu nhập từ việc cho thuê bất động sản
Chúng tôi sở hữu 3 bất động sản cho thuê, song việc khắp Nevada phải đóng cửa vào tháng 3 khiến gia đình mất hết khoản thu nhập này (khoảng 3.000 USD mỗi tháng). Trong khi đó, 2 vợ chồng vẫn phải trả 2.480 USD tiền vay ngân hàng mỗi tháng.
Khủng hoảng nuôi con
Chúng tôi yêu con nhưng thành thật mà nói, việc nghỉ hưu sớm sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu không có chúng. Bảo toàn về tài chính luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu vì vậy giờ đây, tôi cảm thấy rất hối hận. Bản thân trông giống như một kẻ ngốc khi không có lương. Tôi và vợ vẫn phải cố vui vẻ cười nói với con dù trong lòng nặng trĩu.
Phí sinh hoạt tăng
Sau thuế, chúng tôi về cơ bản tiêu khoảng 65.000 USD - nhiều hơn 25.000 USD so với trước đây. Chúng tôi phải nỗ lực tìm ra cách để có thể cắt giảm đáng kể chi phí.
Trong sâu thẳm tôi vẫn đang nghĩ mình còn may mắn hơn hàng triệu người gặp khó khăn về tài chính ngay lúc này. Cần phải có niềm tin với nền kinh tế.
Đến thời điểm thích hợp, tôi sẽ bắt đầu tìm việc trở lại - trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và công nghệ tài chính. Trong khi đó, tôi sẽ vẫn làm hết khả năng để vượt qua cơn bão này”.
Được biết, FIRE (nghỉ hưu sớm) đã trở thành phong trào trên toàn thế giới. Bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, theo đuổi sở thích, đam mê, thậm chí vòng quanh thế giới để đi. Tuy nhiên, thách thức phải quản lý một số tiền hữu hạn không hề nhỏ. Một số than phiền rằng mình mất đi ý thức về sự ổn định. Bản thân cũng không còn cảm thấy yên tâm như hồi nhận lương đều đặn mỗi tháng.
Khoảng 25% người Mỹ cho biết họ có kế hoạch rời bỏ lực lượng lao động trước tuổi 50, theo một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện với hơn 2.000 người. Một số tập trung tiết kiệm cực độ. Số khác thì nghiêm túc xây dựng quỹ hưu trí hoặc duy trì một công việc bán thời gian.
Tuy nhiên, mặt trái của sự tự do chính là nỗi sợ hết tiền. Thu nhập kiếm được trước đây giờ thực chất chỉ là tài sản hữu hạn. Dù có tiết kiệm và chi tiêu dè sẻn đến mấy, nhiều người vẫn cảm thấy mình phung phí.
Câu chuyện về Gwendolyn Merz là một ví dụ điển hình.
Hưởng ứng phong trào FIRE (nghỉ hưu sớm), Merz cố gắng tập trung tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu cho nhà ở, đi lại và thực phẩm. Cô thuê một căn nhà ở phía bắc Illinois với giá 900 USD, thậm chí sống chung với 1 người bạn để giảm tiền phòng.
Sau đó ít lâu, Merz chuyển đến 1 căn hộ 3 tầng và cho thuê 2 căn trống với số tiền nhiều hơn khoản thế chấp hàng tháng.
“Tôi biến khoản chi này trở thành một cơ hội thu nhập”, Merz kể.
Về phương tiện đi lại, Merz chỉ lái chiếc Pontiac đời 2005 mua từ thời đại học. Cô cũng tự nấu ăn để tiết kiệm hầu hết chi phí sinh hoạt. Có tháng, cô gái này chỉ chi 1.000 USD và tiết kiệm tới 78% thu nhập.
“Đối với tôi, đó gần như là một bài toán đố, rằng mình có thể tiết kiệm nhiều hơn không”, Merz nói. “Mọi việc diễn ra tốt đẹp vì đó là thời điểm thị trường tăng trưởng. Tôi đã tiết kiệm được 200.000 USD trong 5 năm”.
Tuy nhiên, với số tiền 200.000 USD, cô gái trẻ không thực sự thoải mái và bắt đầu hối hận vì đã bỏ việc.
Một số vấn đề bắt đầu phát sinh, chẳng hạn như Merz không thể sử dụng tiền tiết kiệm vì chúng bị bó buộc trong các tài khoản hưu trí. Chi phí cho bảo hiểm y tế cũng tiêu tốn vào ví tiền của Merz.
Thế là, 9 tháng sau khi nghỉ việc, Merz quay lại lĩnh vực CNTT và làm việc cho một công ty mới. Cô nhận ra mình không thể vừa tiết kiệm, vừa có 1 cuộc sống tốt.
“Khi làm việc cho một ai đó 8 tiếng/ngày, bạn nghĩ sẽ tốt hơn nếu tự mình làm chủ cuộc đời. Thế rồi hoá ra, tôi không thể”, Merz nói và nhận ra việc nghỉ hưu quá sớm không phù hợp với mình.
Theo: BI, CNNC