Ngày 8/1/2017, một người đàn ông họ Đỗ ở thị trấn Lili, huyện Ngô Giang, thành phố Tô Châu, Giang Tô, Trung Quốc đã liên lạc với một người họ Lã cùng địa phương, hứa hẹn sẽ trả một khoản phí hậu hĩnh để người này đưa khoảng 58 tấn “bùn lỏng” được chia thành nhiều túi tại kho ở thị trấn Lili đến nơi khác xử lý.
Sau đó, người đàn ông họ Lã đã nhận lời và tiếp tục liên lạc với một người họ Trần sống ở Thành phố Đồng Lăng, tỉnh An Huy, để thuê hai xe đầu kéo của một công ty hậu cần nhằm vận chuyển số “hàng ” nói trên. Với giao kèo này, anh Lã cũng hứa hẹn sẽ trả cho anh Trần một khoản phí khi việc trên thành công.
Ảnh minh họa: Internet
Theo kế hoạch, tài xế sẽ lái xe đầu kéo và vận chuyển “đơn hàng” đặc biệt trên đến thành phố Đồng Lăng trong đêm theo lịch trình và sự chỉ đạo của anh Trần và anh Lã. Sáng ngày hôm sau, khi xe đến địa điểm chỉ định, anh Trần đã bố trí máy xúc dỡ 58 tấn “bùn lỏng” lên xe nông nghiệp theo từng đợt rồi lái đến một khu đất bị trưng thu ở thành phố Đồng Lăng rồi đổ xuống.
Khi những người này đang tiến hành đổ “bùn lỏng”, cảnh sát và Đội giám sát môi trường thành phố Đồng Lăng đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường và ngăn chặn vụ việc trên. Hóa ra, hành vi của 3 đối tượng trên đã bị người dân xung quanh để ý và báo tin ngay cho cơ quan chức năng. Sau khi nhận được tin báo, 2 đơn vị trên đã có mặt kịp thời và thu giữ số “bùn lỏng” liên quan.
Theo thông tin từ Đội giám sát môi trường thành phố Đồng Lăng, số “bùn lỏng” mà 3 đối tượng họ Đỗ, Trần, Lã đổ xuống khu đất bị thành phố trưng thu chính là chất thải rắn công nghiệp (có chứa nước). Sau khi tiến hành cân đo, phía cảnh sát cho biết có 18,35 tấn chất thải trong đó chưa được xử lý. Sau đó, người ta xác định trong đó có 8,32 tấn chất thải rắn là chất thải nguy hại thuộc Danh mục chất thải nguy hại quốc gia, nếu thải ra sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ảnh minh họa: Internet
Sau sự việc trên, Cục Bảo vệ môi trường thành phố Đồng Lăng đã khẩn trương tổ chức một đội chuyên nghiệp có trình độ xử lý chất thải nguy hại để dọn số chất thải kia tại chỗ. Sau đó, họ lưu trữ và quản lý số chất thải liên quan đến vụ việc để chờ xử lý theo quy định của pháp luật. Đơn vị này cũng phải chịu hơn 180.000 NDT (hơn 616 triệu đồng) chi phí xử lý khẩn cấp và các loại chi phí khác để giải quyết hậu quả từ hành vi của 3 đối tượng trên.
Tại phiên tòa xét xử vụ án, 3 bị cáo Đỗ, Lã, Trần đã cúi đầu thừa nhận việc thỏa thuận với nhau tiến hành hoạt động xử lý chất thải rắn công nghiệp để kiếm lời. Sau khi xem xét vụ việc, Tòa án Nhân dân quận Đồng Quan nhận định các bị cáo Đỗ, Lã và Trần không có đủ trình độ, năng lực để xử lý chất thải rắn nguy hại. Hành vi đổ trái phép chất thải rắn công nghiệp chứa 8,32 tấn chất thải nguy hại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là đã vi phạm pháp luật, gây ra rủi ro lớn cho môi trường sinh thái và an toàn công cộng nên cần bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Cuối cùng, Tòa án Nhân dân quận Đồng Quan, thành phố Đồng Lăng, tỉnh An Huy tuyên án các đối tượng Đỗ, Lã, Trần từ 6 tháng đến 8 tháng tù, đồng thời, phạt tiền từ 6.000 đến 10.000 NDT (từ 20 triệu - hơn 34 triệu đồng) cho từng bị cáo. Đồng thời, 3 đối tượng này phải bồi thường chung hơn 180.000 NDT cho chi phí xử lý chất thải.
Việc xả chất thải ra môi trường không chỉ gây ô nhiễm ngay lập tức mà còn đe dọa đến sức khỏe của chính chúng ta. Do đó, hành vi xả chất thải trái phép ra môi trường là hành động bị nghiêm cấm và sẽ chịu sự trừng phạt của pháp luật. Trách nhiệm quản lý chất thải và phế liệu không chỉ là của các cơ quan quản lý mà còn là của mỗi chúng ta. Từ mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đến cộng đồng cần chung tay ngăn chặn hành vi sai phạm này để góp phần xây dựng môi trường lành mạnh cho thế hệ sau.
(Theo Chinacourt)