3 cường quốc của thế giới liên tục săn lùng mỏ vàng ngoài khơi của Việt Nam: Thu hơn 1,6 tỷ USD trong nửa đầu năm, nước ta là Á quân xuất khẩu toàn cầu

Như Quỳnh | 10:58 27/07/2024

Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản đều đang mạnh tay gom mặt hàng này của Việt Nam.

3 cường quốc của thế giới liên tục săn lùng mỏ vàng ngoài khơi của Việt Nam: Thu hơn 1,6 tỷ USD trong nửa đầu năm, nước ta là Á quân xuất khẩu toàn cầu
Ảnh minh họa

Tôm được mệnh danh là kho báu tỷ đô của Việt Nam khi là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong nhóm thủy sản. Kể từ năm 2022, ngành thủy sản xuất sắc lập kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy). 

Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới. Giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm trên toàn cầu. Hiện tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 6 đã thu về 344 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm mặt hàng tôm đã thu về 1,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, tôm của Việt Nam được Trung Quốc & Hong Kong thu mua nhiều nhất với kim ngạch đạt 328 triệu USD, tăng mạnh 17% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi kim ngạch giảm nhẹ trong tháng 5 thì đến tháng 6 thị trường này đã bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại mặt hàng này.

c1.png
Theo VASEP

Đứng thứ 2 trong số các thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam là Mỹ với kim ngạch trong 6 tháng đạt 303 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự như Trung Quốc, Mỹ đã bắt đầu tăng nhập khẩu tôm Việt trong tháng 6 sau khi giảm nhẹ vào tháng 5.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 3 với kim ngạch đạt 229 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Theo sau là thị trường Hàn Quốc với 149 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ.

Đánh giá về thị trường nửa cuối năm 2024, VASEP cho biết Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao vì thế tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực về giá đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con.

Đối với thị trường Mỹ, lạm phát vẫn cao. Bên cạnh đó, cước tàu tăng đột biến 40% từ tháng 5 do xung đột ở Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới.
Mặc dù phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ, tuy nhiên so với một số nguồn cung nêu trên thì Việt Nam được đánh giá có triển vọng hơn, nhất là khi quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Mỹ.

Mỹ cũng đang có chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc.

Dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam từ Mỹ có thể tăng nhẹ vào quý 3 năm nay khi các nhà nhập khẩu tăng mua phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm. Nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nhật và Hàn Quốc dự kiến tăng nhẹ từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm.

Đối với thị trường châu Âu, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 52 triệu USD, tăng 31%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 217 triệu USD, tăng 13%. Những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường EU dự kiến tiếp tục tăng.


(0) Bình luận
3 cường quốc của thế giới liên tục săn lùng mỏ vàng ngoài khơi của Việt Nam: Thu hơn 1,6 tỷ USD trong nửa đầu năm, nước ta là Á quân xuất khẩu toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO