25 tuổi có 100 triệu tiết kiệm chưa chắc là điều đáng tự hào - Đâu mới là cách đầu tư đúng đắn cho người trẻ ngoài 20?

Nguyệt | 18:43 27/07/2024

Tiết kiệm tiền không sai, song bạn cần vạch ra mục tiêu rõ ràng cho số tiền để dành được.

25 tuổi có 100 triệu tiết kiệm chưa chắc là điều đáng tự hào - Đâu mới là cách đầu tư đúng đắn cho người trẻ ngoài 20?

" Tuổi 25 có 100 triệu tiết kiệm là thất bại"

Người ta hay nói tuổi 25 là cột mốc quan trọng trong đời người, là lứa tuổi bản lề giúp bạn định hướng rõ ràng những việc cần làm. Cũng vì thế, nhiều người đặt các mục tiêu phải hoàn thành ở tuổi 25, như một sự ghi nhận cho năng lực bản thân và theo dõi con đường phát triển của mình.

Trong số đó, có 100 triệu đồng tiết kiệm ở tuổi 25 là "KPI" đáng mơ ước của nhiều bạn trẻ. Thế nhưng với một số người, ở cái tuổi ấy mà chỉ biết "chăm chăm" tiết kiệm thì chưa hẳn là biểu hiện đáng tự hào.

Ở tuổi 30, Kim Thắng (Hà Nội), hiện đang làm quản lý nhân sự trong một tập đoàn đa quốc gia, chia sẻ quan điểm: "Nhiều khi mình cũng không hiểu nổi sao mọi người hay đặt mục tiêu 25 tuổi tiết kiệm được 100 triệu để làm gì? Đầu tư chứng khoán hay đất đai thì quá ít, nghỉ hưu hay tự do tài chính thì còn quá sớm, cưới vợ xây nhà cũng chẳng bõ bèn gì…

Đối với mình, 25 tuổi mà có 100 triệu tiết kiệm thì là... thất bại! Không phải vì quá ít tiền, mà vì tiền này đã bị bạn bỏ quên ở ngân hàng trong vòng 3 năm (kể từ khi ra trường, đi làm và bắt đầu tiết kiệm). Tính ra, cứ tưởng tiết kiệm được tiền nhưng đâu ngờ đó là khoản lãng phí nhất, nếu như bạn cứ đóng hụi chúng ở một chỗ!".

46a9a94ba00a0e16dbf2ac49def01f89.jpg
Ảnh minh hoạ

Cùng chung quan điểm rằng việc tiết kiệm được 100 triệu ở tuổi 25 không khác gì đang giữ tiền chết, Nguyễn Thái (28 tuổi) bày tỏ: "Có 100 triệu ở tuổi 25 là điều không khó khăn, nếu bạn chăm chỉ làm thêm để kiếm tiền và tiết kiệm. Mình giả sử vừa ra trường bạn có lương 7-10 triệu, trung bình mỗi tháng bạn tiết kiệm 3 triệu thì sau 3 năm bạn đã có hơn 100 triệu rồi. Đó là chưa tính bạn cầm số tiền này chỉ để tích luỹ thuần tuỳ, không gửi tiết kiệm hay cất vào tài khoản ngân hàng.

Trước 25 tuổi, bạn chưa nên nghĩ đến tiết kiệm mà cần tập trung phát triển bản thân, học thêm kỹ năng và trải nghiệm cuộc sống, mở rộng các mối quan hệ công việc. Bởi đây là độ tuổi vàng để tạo bước đệm vững chắc trong sự nghiệp. Nếu bạn chỉ đi làm công ăn lương, cày quần quật từ sáng tới tối, có bao nhiêu gửi tiết kiệm bấy nhiêu thì đây là hành động làm 'tiền chết' và gần như là vô nghĩa".

Cách đầu tư đúng cho người trẻ ngoài tuổi 20

Kim Thắng chia sẻ, khi vừa mới ra trường, xung quanh anh có nhiều bạn bè đồng trang lứa sớm có tài khoản tiết kiệm trăm triệu, xe ô tô, thậm chí có cả nhà riêng và đầt đai. Bản thân anh thầm ngưỡng mộ họ và đặt mục tiêu tiết kiệm tiền cho bản thân khi đó: Phải có được cuốn sổ tiết kiệm trăm triệu trước tuổi 25.

Thế nhưng, trải qua nhiều thăm trầm trong cuộc sống, anh mới thấy mục tiêu đó sai lầm. Thay vì chỉ chăm chăm kiếm được đồng nào là đi tiết kiệm, anh chàng dùng để học kiến thức chuyên môn và đầu tư vào bản thân, để nhanh chóng thăng tiến và có mức thu nhập cao hơn.

a1c88170c937cb28890b5fa54bbc2197.jpg
Ảnh minh hoạ

Thắng chia sẻ: "Càng được rèn giũa, mình nhận ra được một điều rằng: Ra trường đi làm, còn non nớt, lại từ vạch xuất phát chẳng có hỗ trợ từ gia đình, thì kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ là thứ cần được đầu tư nhiều nhất. Chứ không phải vài con số trong sổ tiết kiệm. Từ năm 25 tuổi đó, mình có một mục tiêu khác: Phải đạt được mức thu nhập cao hơn mức 100 triệu kia trong thời gian ngắn nhất.

Kể từ đó, tiền lương hàng tháng của mình được giữ lại một chút để chi trả chi phí sinh hoạt, một chút bỏ vào tài khoản dự phòng cần dùng khi khẩn cấp, và số còn lại là tập trung đầu tư cho kiến thức, quan hệ, từ bỏ những ước mơ bé khi trước. Và kết quả, chỉ 2-3 năm sau, việc kiếm 100 triệu đã không còn khó khăn tới mức mình phải mơ nữa''.

Thắng chia sẻ, thay vì chỉ biết tiết kiệm ăn tiêu dè sản, bạn nên đầu tư thông minh hơn, bằng cách đầu tư vào bản thân, đầu tư vào kiến thức, chăm sóc sức khỏe tài chính và tinh thần, tham gia vào các buổi giao lưu mở rộng quan hệ trong lĩnh vực mình đang làm... Và sau 5-10 năm, thu nhập của bạn sẽ là con số khó có thể tưởng tượng được, thậm chí vượt mốc 100 triệu.

Đồng quan điểm, Nguyễn Thái bày tỏ nhận định: Mới ra trường đi làm, tức là bắt đầu từ con số 0, đây là giai đoạn đầu tư vào bản thân, chứ không phải "hái quả" từ số tiền kiếm được.

a4679b56d5607f3726134fcb77ce081f.jpg
Ảnh minh hoạ

Từ tuổi 25, Thái đã không còn chú trọng mình có thể tiết kiệm được bao nhiêu từ tiền lương văn phòng hàng tháng. Thay vào đó, sau khi nhận lương, anh chỉ giữ đúng chi phí sinh hoạt tối thiểu, còn lại anh dành hết để đầu tư cho kiến thức và mối quan hệ. Sau 3 năm, thu nhập của anh chạm mốc 80 triệu/tháng, gấp 4 lần so với tiền lương kiếm được ở tuổi 25.

"Với mình, việc tiết kiệm tiền không sai. Theo một góc nhìn khác, tiết kiệm cũng là để phục vụ cho mục đích đầu tư về mặt tài chính hoặc phát triển bản thân. Do đó, thay vì sống dè sẻn thì bạn nên hiểu mình tiết kiệm để làm gì. Nếu tiết kiệm cho mục tiêu cụ thể thì hành động đó không gì sai và hoàn toàn có thể sinh lời.

Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến tiết kiệm, hãy nghĩ xa hơn mục tiêu cho 5-10 năm tới. Để từ đó, vạch ra cho mình một kế hoạch phát triển cả bản thân lẫn tư duy về tài chính. Những cuộc đua vội và để khoe khoang tài sản ở độ tuổi 20 đều nông nổi. Vì đường đời còn dài. Bạn có thể đi chậm, nhưng cần trang bị cho mình đủ kỹ năng để cuối những năm 30, kỹ năng này hái ra tiền và giúp bạn bứt phá nhanh chóng", Thái nhắn nhủ lời khuyên.


(0) Bình luận
25 tuổi có 100 triệu tiết kiệm chưa chắc là điều đáng tự hào - Đâu mới là cách đầu tư đúng đắn cho người trẻ ngoài 20?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO