Nền kinh tế Mỹ có thể vừa bước vào thời kỳ suy thoái. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng lên 4,3% trong tháng 7, từ mức 4,1% trong tháng 6 và mức thấp nhất trong thời gian gần đây là 3,4% hồi tháng 4/2023.
Diễn biến này đã kích hoạt một chỉ báo quan trọng là Sahm Rule - chỉ báo suy thoái được phát triển bởi cựu nhà kinh tế của Fed, Claudia Sahm. Theo quy tắc này, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong 3 tháng tăng 0,5% so với mức thấp nhất trong 12 tháng. Thước đo này ghi nhận thành tích hoàn hảo khi dự đoán đúng ít nhất 9 cuộc suy thoái gần đây.
Song, dù được cho là có dự báo cực kỳ chuẩn xác, Sahm Rule đôi khi vẫn bị chỉ trích vì không tính đến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (labor participation). Và con số này đang ghi nhận đà tăng.
Một chỉ số khác theo dõi thị trường lao động mà không bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cũng cho thấy kinh tế Mỹ đang ở trong tình trạng suy thoái, đó là tốc độ tăng trưởng hàng năm của số người thất nghiệp. Số người thất nghiệp tại Mỹ đã tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong ít nhất 11 trường hợp gần đây nhất diễn biến tương tự xảy ra, kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái.
Điều quan trọng là, những chỉ báo này đã dự đoán đúng về các cuộc suy thoái trước đây không có nghĩa là lần này cũng như vậy.
Tom Esaye, nhà sáng lập Sevens Report Research, cho biết các chỉ số khác theo dõi thị trường lao động vẫn cho thấy một cuộc “hạ cánh mềm” đang diễn ra, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Ví dụ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu theo tuần vẫn ở mức khá thấp là 249.000, dù tăng từ mức 194.000 vào tháng 1. Esaye cho hay, nếu con số này tăng vượt 300.000 và đạt tới 350.000 thì đó là lúc cần lo lắng. Dù số liệu việc làm tháng 7 yếu hơn dự kiến, nhưng kinh tế Mỹ vẫn tạo thêm 114.000 việc làm, mức trung bình 4 tháng vẫn cao và cần theo dõi thêm số liệu trong những tháng tới thì mới có thể khẳng định thị trường lao động đang trong xu hướng giảm.
Jack McIntyre, giám đốc danh mục đầu tư tại Brandywine Global, lại cho rằng, số liệu thống kê lao động là một chỉ báo có độ trễ, diễn biến thực sự của nền kinh tế có thể đang chậm lại hơn nhiều so với dữ liệu thể hiện.
Ngoài dữ liệu thị trường lao động yếu hơn, chỉ số sản xuất ISM còn giảm sâu hơn trong tuần trước, báo hiệu rằng hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục chậm lại. Cơ hội việc làm cũng có xu hướng thu hẹp, ở mức 8,1 triệu trong tháng 6 so với 12,1 triệu trong tháng 3/2022.
Trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư đang gặp khó khăn khi tiếp nhận những dữ liệu kém lạc quan. Tuần trước, Nasdaq rơi vào vùng điều chỉnh và Dow Jones có lúc mất hơn 900 điểm trong 1 phiên.
Nhìn chung, diễn biến của thị trường chứng khoán sắp tới sẽ phụ thuộc phần lớn vào đà hồi phục của thị trường lao động trong những tháng tới, khi Fed chuẩn bị kế hoạch điều chỉnh chính sách cho cuộc họp tháng 9. Tuần trước, nhiều chiến lược gia đã khuyến nghị nhà đầu tư không nên phản ứng quá tiêu cực với số liệu việc làm tháng 7.
Lara Castleton, trưởng nhóm chiến lược và xây dựng danh mục đầu tư Mỹ tại Janus Henderson Investor, cho biết: “Dù lo ngại về việc Fed đã ‘chậm chân’ đang gia tăng, nhưng nhà đầu tư không nên phản ứng thái quá trước một số diễn biến tiêu cực. Đà bán tháo vừa qua thực ra là phản ứng bình thường, đặc biệt là khi nhiều nhóm cổ phiếu đã có định giá quá cao.”
Hơn nữa, thị trường cũng phụ thuộc vào cách các nhà đầu tư dự báo về việc Fed hạ lãi suất, cùng dữ liệu trong tương lai. Dù việc hạ lãi suất là nhằm kích thích nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp phát triển và người tiêu dùng chi tiêu, giới đầu tư cũng có thể coi đó là dấu hiệu cho thấy Fed đang lo ngại về sức khoẻ của nền kinh tế.
Theo CME của FedWatch, thị trường đang dự đoán NHTW sẽ hạ lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9.
Michael Hartnett, giám đốc chiến lược toàn cầu tại Bank of America, cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng hôm thứ Sáu rằng nhà đầu tư nên bán cổ phiếu trong đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed, có thể diễn ra vào tháng 9. Hartnett cho rằng Fed đang rơi vào kịch bản “hạ cánh cứng”.
Tham khảo BI