13 năm rực rỡ của Tim Cook: 2 lần giúp Apple thoát 'bão thuế', gom được núi tiền mặt cao như đỉnh Everest, đưa vốn hóa công ty cán mốc 3.000 tỷ USD

Phương Linh | 08:05 14/04/2025

Tim Cook đang chứng minh năng lực mạnh mẽ của mình trên cương vị là CEO Apple trong suốt 13 năm.

13 năm rực rỡ của Tim Cook: 2 lần giúp Apple thoát 'bão thuế', gom được núi tiền mặt cao như đỉnh Everest, đưa vốn hóa công ty cán mốc 3.000 tỷ USD

Theo tin đã đưa, chính quyền ông Trump đã thông báo về việc iPhone là một trong số những mặt hàng được miễn trừ khỏi mức thuế 125% đánh lên hàng hóa Trung Quốc, cũng như không bị áp mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết các quốc gia khác.

Thông báo này được đưa ra sau hơn một tuần đầy lo lắng. Đã có lúc Apple mất gần 800 tỷ USD giá trị thị trường khi các quan chức của ông Trump tuyên bố rằng việc áp thuế khổng lồ lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc sẽ buộc Apple phải chuyển hoạt động lắp ráp iPhone về các nhà máy tại Mỹ.

Thay vào đó, Tổng thống Trump đã “nương tay” với Apple.

Tờ WSJ nhận định, ông Trump và CEO Apple Tim Cook dường như đang chơi 2 ván bài khác nhau. Nếu như ông Trump bị buộc phải “nương tay” trước đà sụt giảm chóng mặt của thị trường chứng khoán và trái phiếu – thước đo quen thuộc mà ông dùng để đánh giá sự ủng hộ từ công chúng. Thì Tim Cook dường như đang nhìn về “đường cong thời gian dài” – kim chỉ nam của ông trong một thế giới mà nhà đầu tư và khách hàng luôn hối thúc về tương lai của Apple, thiếu kiên nhẫn và đánh giá CEO theo từng quý tài chính.

Điều đó không có nghĩa là trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tình hình của Apple không trở nên tồi tệ đến mức đáng báo động.

Cook – người từ vị trí chuyên gia chuỗi cung ứng vươn lên thành CEO – đã trở thành một trong những ví dụ điển hình nhất về một nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ phải chèo lái giữa một cuộc chiến thương mại leo thang, đe dọa làm tăng giá thành iPhone, thu hẹp biên lợi nhuận khổng lồ của công ty và làm lu mờ di sản của ông – người được ghi công lớn trong chiến lược sản xuất tại Trung Quốc của Apple.

Apple chưa bao giờ công khai bình luận về vấn đề thuế quan lần này – nhưng rõ ràng Cook đã mạnh mẽ hành động phía sau hậu trường để giảm thiểu tác động tiêu cực. Công ty đã nhanh chóng chuyển các lô iPhone sản xuất tại Ấn Độ sang Mỹ, và không nghi ngờ gì việc Cook đã vận động hành lang để xin miễn trừ khỏi mức thuế trên 100% đánh vào hàng hóa Trung Quốc trong những ngày gần đây.

04b108bbf11385b5746c5acc9393e2eeaa59468f.png

Tuy vậy, những người trong chính quyền ông Trump vốn trông đợi Apple đơn giản chuyển dây chuyền lắp ráp iPhone về Mỹ rõ ràng đã không hiểu cách Cook điều hành công ty suốt 13 năm qua.

Trong khoảng thời gian đó, Cook đã phải đối mặt với nhiều khủng hoảng địa chính trị tưởng chừng không thể vượt qua – từ các cuộc tranh cãi dai dẳng về thuế của Apple ở nước ngoài đến cuộc chiến thương mại đầu tiên dưới thời ông Trump. Trong suốt những năm đó, Cook luôn thể hiện mình là người chơi đường dài – đôi khi ông dùng sự thân thiện để xoa dịu căng thẳng, hoặc dùng sức mạnh khổng lồ của Apple để vượt qua bất kỳ ai cản đường đến tầm nhìn rộng lớn của mình.

ĐƯỜNG CONG THỜI GIAN DÀI

Một trong những trận chiến công khai đầu tiên của ông diễn ra vào năm 2013. Khi đó, Cook hứng chịu chỉ trích gay gắt về cách Apple xử lý vấn đề thuế tại châu Âu và phải đối mặt với nghi ngờ rằng công ty từng định nghĩa lại khái niệm smartphone đang tụt lại phía sau các đối thủ.

Tuy nhiên, ông bác bỏ mọi ý kiến cho rằng Apple đang gặp rắc rối – mặc dù lúc đó giá cổ phiếu quả thực đang khiến giới đầu tư lo lắng. “Khi nhìn vào đường cong dài của thời gian, mọi người có thể thay đổi quan điểm về các công ty, nhưng chúng tôi luôn mặc áo giáp và chiến đấu”, Cook phát biểu tại một sự kiện. “Ngôi sao Bắc Đẩu của chúng tôi luôn là tạo ra những sản phẩm tốt nhất”.

Cách tiếp cận đó đã phát huy tác dụng. Lợi nhuận hàng năm của Apple tăng vọt trong thập kỷ sau đó. Giá trị thị trường của công ty vượt mốc 3.000 tỷ USD.

Trong suốt những năm qua, Tim Cook nhiều lần kiên định với triết lý “đường cong thời gian dài” mỗi khi đối mặt với các thách thức tức thời. Ở điểm này, ông đối lập hoàn toàn với nhiều lãnh đạo trong ngành công nghệ, những người thường theo đuổi chiến lược ngắn hạn kiểu “ra mắt rồi sửa sau”.

Ngôn ngữ của Cook gợi nhớ đến câu nói nổi tiếng của Martin Luther King Jr.: “Vũ trụ đạo đức có một đường cong dài, nhưng nó hướng về phía công lý”.

Góc nhìn dài hạn của Cook có lẽ phần nào dễ dàng hơn bởi thực tế là Apple đang ngồi trên một “núi tiền mặt” khổng lồ như đỉnh Everest. Và đế chế iPhone với hơn một tỷ người dùng trung thành – những người có thể quan tâm đến chiếc điện thoại bóng bẩy của họ hơn là thâm hụt thương mại của nước Mỹ. Nhóm khách hàng trung thành vẫn là một thế lực vững mạnh của Apple.

Đế chế iPhone được xây dựng trên một cỗ máy công nghiệp quy mô toàn cầu – nền tảng chính trong di sản của Cook: Một hệ thống vận hành chính xác, tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, cùng hàng trăm ngàn công nhân Trung Quốc sản xuất hàng triệu thiết bị mỗi năm. Hệ thống đó không chỉ dựa vào chi phí lao động thấp ở Trung Quốc, mà còn là mạng lưới cung ứng phức tạp toàn cầu, bao gồm cả các nhà sản xuất tại Mỹ – những mắt xích hợp thành một “trò chơi ghép hình” gọn gàng đằng sau lớp màn hình đen bóng.

Cook cũng đã đa dạng hóa mô hình kinh doanh iPhone vượt ra ngoài việc chỉ bán thiết bị. Khi doanh số bắt đầu chững lại, ông xoay trục sang thế mạnh của Apple trong lĩnh vực phần mềm – bao gồm dịch vụ kỹ thuật số và hệ sinh thái ứng dụng – để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Đó không phải là con đường dễ dàng. Năm 2014, giữa làn sóng phản đối từ một số nhà bán lẻ khi Apple tiến vào lĩnh vực thanh toán di động, Cook vẫn giữ vững tầm nhìn dài hạn. “Trong đường cong thời gian dài, một nhà bán lẻ hay thương nhân chỉ có thể tồn tại nếu khách hàng yêu thích họ”, ông nói tại một sự kiện của Wall Street Journal. Ngày nay, Apple Pay đã trở nên phổ biến khắp nơi.

b3bca87b18deaffb17c38a0125a1ee55daa75b83.png

Khi doanh số iPad không đạt kỳ vọng vào năm 2015, Cook vẫn giữ sự lạc quan. “Tôi tin rằng xét trên đường cong thời gian dài, iPad là một mảng kinh doanh tuyệt vời”, ông nói. Dù doanh số tiếp tục chật vật trong vài năm sau đó, nhưng đến thời kỳ đại dịch, iPad đã phục hồi mạnh mẽ và trở thành một trụ cột doanh thu ổn định.

Ngay cả khi thất bại, như vào năm 2016 khi Ủy ban Châu Âu yêu cầu Apple nộp lại hơn 14 tỷ USD tiền thuế, Cook vẫn thể hiện sự điềm tĩnh để chiến đấu. Apple theo đuổi kháng cáo trong nhiều năm. Khi tòa án tối cao EU cuối cùng phán quyết bất lợi cho Apple vào năm ngoái, chi phí thực tế không còn quá nặng nề như ban đầu tưởng tượng.

“Đường cong thời gian dài” đã giúp giảm nhẹ cú đánh đó.

Chính triết lý này có lẽ đã giúp Cook thành công nhất khi đối mặt với vị tổng thống Mỹ đương nhiệm. Ngay từ đầu nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã tỏ ra gay gắt với chiến lược sản xuất của Apple tại Trung Quốc.

Cook đã chủ động xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Trump và các cố vấn thân cận. Nỗ lực đó mang lại kết quả khi vào năm 2019, ông Trump rút lại kế hoạch áp thuế lên nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc – trong đó có iPhone và các thiết bị điện tử khác.

Khi ấy, Cook đã thuyết phục tổng thống rằng nếu tiếp tục kế hoạch này, Apple – một công ty Mỹ – sẽ bị đặt vào thế bất lợi so với các đối thủ nước ngoài.

Sau lần thoát hiểm đó, Apple đã đẩy mạnh kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc, trong đó có Ấn Độ. Tuy nhiên, dù đã đầu tư, năng lực sản xuất iPhone tại Ấn Độ vẫn còn quá nhỏ bé so với Trung Quốc.

Giữa lúc thúc đẩy mở rộng tại Ấn Độ, Cook – như thường lệ – vẫn giữ sự lạc quan dài hạn. “Nếu nhìn trên đường cong thời gian dài”, ông nói với các nhà phân tích vào năm 2023, “tôi nghĩ cơ hội là rất lớn trên mọi phương diện”.

Sau khi ông Trump thắng nhiệm kỳ hai vào tháng 11, Cook quyên góp 1 triệu USD cho lễ nhậm chức và có mặt trên sân khấu khi tổng thống tuyên thệ nhậm chức.

Rõ ràng, “đường cong thời gian dài” thực sự là một chiến lược khôn ngoan của Tim Cook.

Theo: WSJ

Bài liên quan

(0) Bình luận
13 năm rực rỡ của Tim Cook: 2 lần giúp Apple thoát 'bão thuế', gom được núi tiền mặt cao như đỉnh Everest, đưa vốn hóa công ty cán mốc 3.000 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO