Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm qua hầu hết thị trường chính đều giảm mạnh trong tháng 1/2023. Cụ thể, xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ trong tháng 1 năm nay đạt 23 triệu USD, giảm 65% so với cùng kỳ.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Mỹ giảm mạnh do tình trạng dư cung. Giá tôm tại thị trường này cũng đang giảm. Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA), nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 12/2022 chạm mức thấp nhất trong 10 năm.
Tôm xuất sang EU giảm 55% so với cùng kỳ chỉ đạt 24 triệu USD do tác động của lạm phát và những bất ổn liên quan đến cuộc chiến Nga – Ukraine.
Đối với Nhật Bản, là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với 20,3%, tôm xuất sang Nhật Bản tháng qua chỉ đạt 29 triệu USD, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang Nhật Bản dự kiến vẫn ổn định trong năm 2023 vì các sản phẩm tôm tinh chế của Việt Nam vẫn có nhu cầu tốt tại thị trường này.
Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và bền vững ngày một cao. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng hóa tại Nhật Bản phức tạp với nhiều tầng cấp khác nhau và các chức năng riêng biệt…
Theo thông tin từ các nhà nhập khẩu Mỹ, các nhà chế biến và bán buôn trên thị trường này có thể sẽ mua nhiều tôm đã bóc vỏ và bỏ chỉ lưng thay vì tôm còn vỏ, không đầu vì mặt hàng này dễ vận chuyển hơn - trọng lượng nhẹ hơn để giảm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian chế biến.
Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Mỹ có thể khá hơn sau quý đầu năm 2023, đến khoảng tháng 5 khi tồn kho giảm bớt và tình hình kinh tế tích cực hơn.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu trong thời gian tới, các chuyên gia VASEP cho rằng, bức tranh xuất khẩu thủy sản khó có thể bừng sáng trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Dù vậy, sự sụt giảm về nhu cầu sẽ không quá mạnh khi thủy sản là mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Nhu cầu về phân khúc sản phẩm sẽ được điều chỉnh, các ngành hàng có giá vừa phải sẽ có lợi thế hơn do phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình (vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát).
Tại thị trường trong nước, tôm nguyên liệu những tháng đầu năm nay khá khan hiếm. Giá tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang tăng vọt, hút hàng, người nuôi loại thủy sản này có lãi cao. Tôm loại 30 con một kg giá trên dưới 230.000 đồng, tôm loại 40 con một kg giá hơn 190.000 đồng, tăng hơn trước Tết Nguyên đán từ 20-30%.
Tại Nghệ An và các tỉnh phía Bắc, tôm thẻ chân trắng có giá cao hơn miền Nam 100.000 đồng một kg, trong đó loại 20-25 con một kg có giá 370.000-400.000 đồng. Đây được coi là mức giá cao nhất từ trước đến nay, gấp 2-3 lần so với hai tháng trước và cao hơn 50% so với trước Tết.
VASEP dự báo tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều yếu tố không thuận lợi, mãi lực tiêu dùng còn thấp, tồn kho cao nên xuất khẩu tôm năm nay sẽ đối mặt nhiều thách thức. Trước đó, cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu.