Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm, Campuchia đã thu được 121 triệu USD từ xuất khẩu các mặt hàng cao su trong tháng đầu năm nay, tăng 123,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu thương mại mới nhất của Tổng cục Hải quan và Thuế gián thu (GDCE) trực thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia.
Dữ liệu chỉ ra rằng xu hướng tăng xuất khẩu cao su của Campuchia bắt đầu từ nửa cuối năm 2022, tiếp tục trong cả năm ngoái và kéo dài đến tháng 1 năm nay.
Năm 2023, xuất khẩu cao su và các sản phẩm từ cao su Campuchia đạt 919 triệu USD, tăng trưởng 69,6% so với năm trước. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU).
Trên quy mô toàn cầu, theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) có trụ sở tại Kuala Lumpur, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu tháng 12/2023 đã tăng 9,1%, đạt 1,5 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu tháng 12/2023 giảm 3,2% xuống 1,2 triệu tấn, theo Tổng thư ký ANRPC, Heng Guan. Do đó việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cao su càng trở nên quan trọng.
Trong năm vừa qua, Thái Lan là nước sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, tiếp theo là Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Campuchia.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2023 đạt 2,14 triệu tấn, kim ngạch 2,89 tỷ USD, giảm 0,1% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với năm 2022. Giá cao su xuất khẩu năm 2023 giảm mạnh so với năm 2022, bình quân đạt 1.350 USD/tấn, giảm 12,7% so với mức giá bình quân xuất khẩu năm 2022.
Sau khi giảm trong năm vừa qua, xuất khẩu cao su Việt Nam bước sang năm 2024 đã khởi sắc, với xuất khẩu trong tháng 1/2024 đạt khoảng 260 nghìn tấn, trị giá 365 triệu USD, tăng 92,6% về lượng và tăng 99,8% về trị giá so với tháng 1/2023, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan. Giá xuất khẩu cao su bình quân trong tháng 1/2024 ở mức 1.404 USD/tấn, tăng 0,9% so với tháng 12/2023 và tăng 3,7% so với tháng 1/2023…
Trung Quốc tiếp tục là nước tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, tiếp theo là Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia.
Năm 2023, thị trường cao su tự nhiên toàn cầu được ước tính đạt 14,69 triệu tấn trong khi mức tiêu thụ vào khoảng là 14,738 triệu tấn.
Theo các chuyên gia, trong năm 2024, thị trường cao su thiên nhiên tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại lớn về kinh tế, đặc biệt do tốc độ tăng trưởng kém hơn dự kiến ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Trung Quốc - trong quý 2 năm nay. Trung Quốc là nước sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới.
Thêm vào đó là những tác động của các cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và Israel-Hamas kéo dài và chi phí vay cao do các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng lãi suất trong mấy năm qua để chống lạm phát.
Hậu quả là giá cao su trên thị trường quốc tế đã giảm gần 15% trong năm ngoái. Trên thực tế, trong 8 tháng đầu năm 2023, giá cao su trung bình ở Campuchia chỉ là 1.327 USD/tấn, giảm 230 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước đó.
Heng Guan, Tổng thư ký ANRPC cho biết: “Lạm phát dai dẳng và nền kinh tế toàn cầu năm 2023 phục hồi chậm hơn dự kiến 2023 là những mối lo ngại lớn”.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, năm 2021, nước này có hơn 400.000 ha trồng cao su. Campuchia còn có 168 nhà máy chế biến cao su và trung tâm tiểu thủ công nghiệp tại 11 tỉnh.
Công nhân cao su Campuchia.Theo dữ liệu của ANRPC, Kampong Thom là tỉnh sản xuất cao su hàng đầu ở Campuchia với diện tích trồng chiếm 15,4% tổng diện tích cao su của cả nước, tiếp theo là Mondulkiri (8,4%) và Stung Treng (4,2%).
Trong khi Vương quốc này cách đây vài năm luôn xuất khẩu gần như toàn bộ cao su tự nhiên sản xuất được, thì việc khởi động một số nhà máy sản xuất lốp xe, đặc biệt là của các công ty Trung Quốc vào năm ngoái đã dẫn đến nhu cầu cao su nguyên liệu trên thị trường nội địa gia tăng.
Các doanh nghiệp Trung Quốc, nước sản xuất và xuất khẩu lốp xe lớn nhất thế giới, bắt đầu xây dựng thêm nhà máy ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu thị trường đang phục hồi sau khi nước này mở cửa trở lại sau giai đoạn dịch Covid-19.
Sản lượng lốp xe hàng năm của Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng sản lượng toàn cầu. Nhưng gần đây, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xây dựng nhà máy ở nước ngoài, đặc biệt là ở Campuchia, nước sản xuất cao su lớn, để tận dụng chi phí sản xuất thấp.
Mới đây, vào đầu tháng 2/2024, một trong những công ty đầu tiên ra mắt tại Vương quốc Anh, General Tire Technology (Campuchia) đã bắt đầu hoạt động tại nhà máy ở Campuchia trị giá 300 triệu USD nằm ở Đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ).
Nhà máy có khả năng sản xuất 5 triệu lốp radial bán thép và 900.000 lốp radial toàn thép mỗi năm. Nhà máy đặt tại tỉnh ven biển Preah Sihanouk của Campuchia, là công ty con của nhà sản xuất lốp xe Trung Quốc đến từ Giang Tô có tên General Science Technology. Lốp xe sản xuất tại nhà máy này chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Brazil.
Công ty lốp Doublestar của Trung Quốc cũng bắt đầu xây dựng nhà máy trị giá 200 triệu USD tại Đặc khu kinh tế Kratie với công suất sản xuất hàng năm là 8,5 triệu lốp radial.
Cũng mới đây, Cart Tire Co Ltd, nhà sản xuất lốp xe hiện đại lớn nhất Trung Quốc hoạt động thay mặt cho Tập đoàn Sailun đã ra mắt loại lốp ô tô đầu tiên được sản xuất tại Campuchia có tên gọi ‘Sailun’. Theo nguồn tin của công ty, nhà máy ở tỉnh Svay Rieng, có thể sản xuất tới 35.000 lốp xe mỗi ngày trong giai đoạn đầu. Họ cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm hai nhà máy nữa ở Campuchia.
Với thực tế đó, xuất khẩu cao su của Campuchia khó có thể duy trì tốc độ tăng nhanh trong thời gian tới.
Tham khảo: khmertimeskh