Làn sóng Buy Now Pay Later đang lan rộng
Buy Now Pay Later (BNPL - cho phép người tiêu dùng mua hàng trước, sau đó trả dần trong một khoảng thời gian nhất định) là mô hình thanh toán đang rất được ưa chuộng trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thị trường BNPL đang cho thấy nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam khi xuất hiện ngày càng nhiều nhà cung cấp dịch vụ này bao gồm những doanh nghiệp lớn và cả các startup.
Đầu tiên phải kể đến sự kết hợp của các công ty cho vay tiêu dùng và ví điện tử. Điển hình như cú bắt tay của FE CREDIT và ViettelPay khi cho ra mắt ví điện tử PayNow hay LOTTE Finance với tính năng Tài khoản trả sau tích hợp trên ứng dụng ZaloPay, Mobivi cũng có sản phẩm “mua trước trả sau” và “dịch vụ ứng tiền trực tuyến” kết hợp với HDSaiGon. Điểm chung của các dịch vụ này là quy trình đăng ký nhanh gọn, đơn giản, được thực hiện hoàn toàn qua kênh trực tuyến. Chỉ sau 2-5 phút, khách hàng sẽ nhận được kết quả phê duyệt và cấp ngay hạn mức từ 2 triệu để phục vụ các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng.
Các sàn thương mại điện tử cũng không đứng ngoài “cuộc đua”. Tiên phong là sàn Tiki khi tiến hành hợp tác với Home Credit và Lotte Finance, ra mắt dự án BNPL, cho phép khách hàng mua sắm và trả dần trong 3, 6 hoặc 9 tháng với lãi suất 0%. Ngay sau đó, Shopee cũng bổ sung tính năng SPayLater trên nền tảng, được cung cấp bởi đối tác tín dụng TPBank; Lazada cũng nhanh chóng áp dụng hình thức BNPL thông qua LazPayLater, nhằm hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho khách hàng.
Một số ngân hàng thương mại cũng bắt đầu để ý đến các dịch vụ BNPL như một cách đa dạng hóa cơ sở khách hàng, hướng đến nhóm khách hàng trẻ tuổi hơn như Gen Z chẳng hạn như TPBank liên kết với SpayLaler (Shopee), MOMO hay CIMB liên kết với SmartPay.
Ngoài ra, thị trường còn có sự tham gia bởi các công ty start-up chuyên về lĩnh vực BNPL như Atome, Kredivo, Fundiin, Ree-pay, Kaypay…
Theo báo cáo của Research and Markets, vào tháng 02/2024, quy mô thị trường BNPL tại Việt Nam thời điểm cuối năm 2023 đạt 1,32 tỷ USD và được kỳ vọng tăng trưởng 44% trong năm 2024, đạt mức 1,9 tỷ USD. Trong giai đoạn 2024 - 2029, thị trường dịch vụ BNPL ở Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 29,2% và đạt quy mô là 6,89 tỷ USD năm 2029.
BNPL có thể thay thế thẻ tín dụng tại Việt Nam?
Hiện nay, giữa nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ, ví điện tử…, thanh toán qua kênh điện thoại di động vẫn đóng vai trò chủ đạo, được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Trong 11 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán qua kênh này tăng 54,51% về số lượng và 34,34% về giá trị. Cùng với số lượng người dùng điện thoại di động ngày càng tăng BNPL đang có nhiều lợi thế tại thị trường Việt Nam, khi hoạt động dưới mô hình cho vay với thủ tục đơn giản, nhanh chóng và có thể thực hiện chủ yếu qua điện thoại.
Ngoài ra, theo báo cáo của FiinGroup, dù tỷ trọng thẻ tín dụng trong cho vay tiêu dùng của khối ngân hàng và công ty tài chính đã tăng trong những năm gần đây, nhưng con số này không vượt quá 10%. Cụ thể, thẻ tín dụng nội địa chỉ chiếm khoảng 5,5% tổng dư nợ, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia lân cận cao hơn nhiều như: Singapore 49%, Thái Lan 10%, Malaysia 21%, Trung Quốc 21% và Nhật Bản 68%. Điều này cho thấy khả năng tiếp cận tín dụng và sử dụng thẻ tín dụng của người Việt còn rất thấp, do yêu cầu về chứng minh tài chính hay tài sản đảm bảo.
Trong khi đó, BNPL hướng đến nhóm khách hàng trẻ chưa có thu nhập ổn định, chưa đủ điều kiện sử dụng thẻ tín dụng, hay vay ngân hàng, cho phép khách chia nhỏ khoản thanh toán để trả dần, phê duyệt hồ sơ nhanh, không yêu cầu chứng minh tài chính, thậm chí có thể được miễn lãi nếu trả đúng hạn. Rõ ràng, với quy mô dân số trẻ của Việt Nam, phương thức thanh toán này đang có những lợi thế so với thẻ tín dụng và các khoản vay tiêu dùng truyền thống của ngân hàng khi dễ dàng tiếp cận hơn.
Nhìn sang các quốc gia khác, như Úc với BNPL chiếm 14% tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử vào năm 2022 cùng với đó là sự suy giảm tần suất sử dụng thẻ tín dụng truyền thống, rất có thể trong tương lai tại Việt Nam, ngay cả những khách hàng đủ điều kiện mở thẻ tín dụng và vay ngân hàng vẫn sẽ lựa chọn BNPL bởi sự nhanh chóng, thuận tiện kể trên.
Lợi thế nhưng cũng có thể là bất lợi
BNPL phát huy hiệu quả ở những nhóm khách hàng có thu nhập thấp. Như đã nói đây là lợi thế của mô hình này so với thẻ tín dụng truyền thống, tuy nhiên song song với đó là rủi ro mất khả năng thanh toán.
Do được cấp tín dụng một cách nhanh chóng, dễ dàng, một bộ phận người tiêu dùng có thể chi tiêu quá mức, không kiểm soát được lộ trình thanh toán, khiến những khoản nợ nhỏ dần thành những khoản nợ lớn và cuối cùng đi đến nợ xấu.
Ngoại trừ các công ty tài chính lớn hay ví điện tử có liên kết với tài khoản ngân hàng, nhiều tổ chức cung cấp BNPL hiện không kết nối với cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia (CIC) mà sử dụng mô hình đánh giá rủi ro tín dụng dựa trên giao dịch đã phát sinh. Điều này rất dễ có đánh giá sai và không thể thu hồi được các khoản nợ của khách hàng. Theo Hiệp hội NH, tỷ lệ khách vay “không trả nợ” đang ngày càng cao và gần đây xảy ra hiện tượng “rủ nhau” bùng nợ. Trong khi đó, chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp.
Từ bài học của các quốc gia lân cận, như Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan, đơn vị điều hành KPayLater, hồi đầu năm nay phải ngừng chấp nhận người dùng ví trả sau mới vì không thể xác định được "mức thu nhập của khách hàng" hay Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông yêu cầu đơn vị cung cấp BNPL phải tiến hành sát sao các bài kiểm tra khả năng chi trả trước khi phê duyệt bất kỳ khoản vay nào do lo ngại rủi ro vay quá mức, thách thức lớn đặt ra cho ngành BNPL tại Việt Nam là làm sao để giáo dục toàn diện cho người đi vay và thiết kế sản phẩm có trách nhiệm để tránh hoặc ít nhất là quản lý tối đa rủi ro.
Bên cạnh đó, các khoản vay BNPL thường có giá trị nhỏ, khiến chi phí giải quyết tranh chấp qua tòa án không tương xứng. Do đó, NHNN và các cơ quan quản lý cần hướng dẫn cụ thể để các đơn vị cung cấp dịch vụ BNPL có thể chủ động thu hồi nợ và xử lý các trường hợp không thanh toán.
Tóm lại, BNPL đang mở ra cơ hội lớn trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam nhờ tính tiện lợi và khả năng tiếp cận cao, đặc biệt với giới trẻ. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần quản lý chặt chẽ và giáo dục người tiêu dùng về trách nhiệm tài chính, đồng thời có khung pháp lý cụ thể để điều chỉnh hoạt động này. Với sự điều chỉnh phù hợp, BNPL có tiềm năng trở thành lựa chọn hàng đầu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.