WSJ dẫn báo cáo của hãng thăm dò ý kiến ở Nga có tên Romir cho thấy, giá thực phẩm và các hàng hóa cơ bản khác ở Nga tăng nhanh, một số người Nga đã từ bỏ các kỳ nghỉ ở nước ngoài.
Thời điểm bước vào năm học mới, các bậc phụ huynh phải đối mặt với sự tăng vọt về giá cả của đồng phục. Trong khi đó, một nửa số người hút thuốc ở Nga đã phải tìm tới các sản phẩm giá rẻ hơn.
Ngân hàng hành động khẩn cấp
Để kiềm chế giá tăng cao, ngân hàng trung ương Nga hôm 15/9 đã nâng lãi suất từ 12% lên 13%, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 3 liên tiếp trong một nỗ lực khẩn cấp nhằm kiềm chế lạm phát và hỗ trợ sự sụt giảm của đồng ruble. Ngân hàng trung ương cho biết, họ có thể xem xét tăng thêm lãi suất do lo ngại về những rủi ro trong nền kinh tế.
WSJ đánh giá, đồng ruble trượt giá, chi tiêu quân sự bùng nổ và tình trạng thiếu lao động dai dẳng đã khiến giá cả tại Nga tăng cao trong những tháng gần đây.
Sau khi phương Tây áp đặt một loạt lệnh trừng phạt vào đầu năm ngoái, Nga trải qua một đợt lạm phát cao nhưng giá cả sau đó đã tạm thời hạ nhiệt. Sự trở lại của lạm phát là mối lo ngại lớn đối với nước này.
Nền kinh tế Nga đã vượt qua những kỳ vọng u ám nhất nhờ chi tiêu khổng lồ của chính phủ và khả năng tìm kiếm đối tác thương mại mới của Điện Kremlin.
Nền kinh tế ngấm đòn?
Giá đã tăng trên diện rộng. Theo dữ liệu của chính phủ, trái cây và rau quả vào tháng 8 có giá cao hơn 1/5 so với một năm trước, trong khi thịt gà tăng khoảng 15% và trứng tăng 12%. Du lịch nước ngoài tăng hơn gần 40% sau khi đồng ruble mất giá mạnh trong năm nay.
Theo một cuộc khảo sát phụ huynh ở Nga hồi tháng 8, cha mẹ ở nước này đã phải chi nhiều hơn cho đồng phục của các con. Mức chi hiện tại là 15.000 ruble trong khi đó năm ngoái con số này là 10.000 ruble.
Nhìn chung, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng hơn gấp đôi lên 5,2% trong tháng 8 từ mức 2,3% ở tháng 4. Theo một cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương, kỳ vọng lạm phát của các doanh nghiệp Nga trong tháng 9 đã ở mức cao nhất kể từ đợt tăng vọt do các lệnh trừng phạt gây ra vào năm ngoái.
Người dân thắt chặt chi tiêu
Sergey Shagaev, một tài xế 49 tuổi đến từ thành phố Saransk, Nga, cho biết, gia đình ông phải cắt giảm thịt và các kỳ nghỉ.
"Tiền được chúng tôi chi tiêu hết cho thực phẩm và nhà ở. Những người mà tôi biết cũng trở nên nghèo hơn," ông Sergey Shagaev chia sẻ. Ông cũng cho hay, gia đình ông thường đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ 2 lần trong năm. "Nhưng bây giờ, chúng tôi đã quên mất Thổ Nhĩ Kỳ là ở đâu."
Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 7 của Romir, cứ năm người Nga thì có một người có kế hoạch giảm chi tiêu cho thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác. Cuộc thăm dò cũng cho thấy, khoảng 28% người thực hiện khảo sát nói họ đang tìm việc làm thêm.
Người tiêu dùng ở Nga đang theo dõi nền tảng truyền thông Telegram để canh những dịp giảm giá cho mọi thứ, từ ba lô đến sốt cà chua.
Cơ quan chống độc quyền liên bang trong những tuần gần đây đã yêu cầu các nhà bán lẻ điện tử giữ nguyên giá các sản phẩm cơ bản như tivi, máy giặt và máy pha cà phê.
Sự gia tăng của lạm phát đã gây ra sự bất bình đẳng ở Nga. Các hộ gia đình giàu có đã gửi hàng chục tỷ USD vào tài khoản ngân hàng ở nước ngoài kể từ tháng 2/2022 và những khoản tiết kiệm này sẽ có giá trị hơn khi đồng ruble mất giá.
Sofya Donets, chuyên gia kinh tế tại Renaissance Capital, cho biết: “Những người có thu nhập thấp hơn chỉ toàn chịu thiệt hại khi lạm phát tăng cao."
Ở các thành phố lớn hơn, nơi người dân có mức lương cao hơn, việc giá cả tăng cao được thể hiện thông qua việc hàng hóa nhập khẩu hiện nay đắt hơn.
Dmitriy, một lập trình viên 25 tuổi sống ở St. Petersburg, cho biết giá quần áo, ô tô và đồ dùng hàng hiệu đều tăng mạnh do đồng ruble giảm giá. Mặt khác, thu nhập của anh ấy thì không tăng. Anh Dmitriy nói: “Nếu đồng ruble tiếp tục giảm, có lẽ tôi sẽ nghĩ đến việc làm việc từ xa để kiếm ngoại tệ hoặc chuyển đến châu Âu”.