Vướng mắc trong thể chế vẫn là nỗi lo của doanh nghiệp bất động sản

Dương Trang | 16:37 19/02/2025

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng: dù đã từng bước hoàn thiện nhưng vướng mắc trong thể chế vẫn là nỗi lo của doanh nghiệp bất động sản.

Vướng mắc trong thể chế vẫn là nỗi lo của doanh nghiệp bất động sản
Ảnh: minh hoạ Int

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ V với chủ đề "Thị trường bất động sản trong kỷ nguyên mới" và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2024 – 2025, các chuyên gia đã cùng phân tích, đánh giá, thảo luận về mức độ phục hồi của thị trường bất động sản, nhận diện cơ hội của các doanh nghiệp trong chu kỳ tăng trưởng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ, tạo nguồn cung mới cho thị trường; nhận diện vai trò của thị trường bất động sản đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số và đưa ra nhận định về những xu hướng mới của thị trường bất động sản trong năm 2025.

Chi phí đất đai đang tạo ra rào cản

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận định, các nút thắt của thể chế đang từng bước được tháo gỡ một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đây là những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bất động sản phục hồi và có những bước tăng trưởng mới. Tuy nhiên vẫn cần sự nỗ lực và quyết tâm lớn của các doanh nghiệp, song hành với việc thực thi các giải pháp về gỡ vướng thủ tục và tiến độ dự án, khơi thông nguồn cung cho thị trường từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

Nhận định về triển vọng thị trường với những kỳ vọng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP. Invest cho biết, thị trường bất động sản sẽ có cơ hội phát triển lớn trong giai đoạn 2025 - 2026 nếu các vấn đề thể chế, vướng mắc liên quan đến tính giá đất, quy hoạch trong phát triển dự án tại các địa phương được tháo gỡ, đồng thời, các chính sách kích thích đầu tư tư nhân được thực hiện, bởi bất động sản chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân.

Lãnh đạo GP. Invest nhấn mạnh, dù đã từng bước hoàn thiện, vướng mắc trong thể chế vẫn là nỗi lo của doanh nghiệp bất động sản. “Không có dự án nào không phải điều chỉnh quy hoạch, kéo lùi tiến độ triển khai. Cùng với đó, yếu tố đầu vào để tính giá đất không đầy đủ đã khiến giá đất trong bảng giá đất lên cao. Sự lúng túng, chậm trễ trong việc tính giá đất cho doanh nghiệp vẫn tiếp diễn do bất cập trong khâu tư vấn giá đất. Chưa kể, chi phí đầu tư của doanh nghiệp cũng chưa được tính đúng, tính đủ, khiến doanh nghiệp càng khó khăn trong xoay xở dòng tiền”.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng nhìn nhận, chi phí về đất đai đang tạo ra rào cản lớn cho thị trường bất động sản trong vấn đề phát triển bền vững. Giá sản phẩm bất động sản, trong đó có nhà ở không thể rẻ khi chi phí đầu vào quá cao.

Các chuyên gia đều đồng tình quan điểm thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Được xem như một chỉ số phản ánh sức khỏe kinh tế, thị trường bất động sản ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP, việc làm và quá trình đô thị hóa của đất nước thông qua việc giải quyết nhu cầu nhà ở, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Mục tiêu tăng trưởng 2 con số mở ra nhiều triển vọng cho thị trường bất động sản nhưng đồng thời cũng đòi hỏi một sự chuyển mình mạnh mẽ cả về tư duy phát triển và chuyển động của các doanh nghiệp, chất lượng của nguồn cung. Chu kỳ mới buộc thị trường bất động sản phải vận hành một cách lành mạnh, hiệu quả và bền vững.

Doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng một tâm thế mới

Chia sẻ tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức nhằm đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới, bên cạnh những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, tự thân các doanh nghiệp bất động sản cũng cần nỗ lực tối đa trong việc đầu tư và phát triển dự án.

Theo đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục tái cấu trúc hoạt động, quan tâm kiểm soát rủi ro dòng tiền, nợ đáo hạn; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, đặc biệt là các chương trình nhà ở xã hội, đầu tư chính sách hạ tầng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ…

19.2_dien-dan.jpg

Về nguồn vốn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn, sản phẩm. Doanh nghiệp bất động sản không nên quá phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng, thay vào đó nên tìm kiếm dòng vốn thông qua các kênh trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư bất động sản. Đồng thời, cần tìm kiếm giải pháp đưa giá bất động sản về mức hợp lý hơn để đảm bảo thanh khoản sản phẩm.

Chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh doanh tuần hoàn cũng là một trong những hướng đi mà các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cần quan tâm và nghiên cứu tham khảo, bởi đây là xu hướng phát triển trên thế giới. Cùng với đó, cần thích ứng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp, chuẩn hóa quy trình, sản phẩm và nhân sự theo các Luật mới có hiệu lực.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP. Invest cũng cho rằng, dù cơ hội đan xen thách thức, nhưng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng với sự quan tâm của Chính phủ và những định hướng mới, thị trường bất động sản sẽ hồi phục, phát triển bền vững và đóng góp vai trò quan trọng hơn trong mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế, hướng đến một đất nước phồn thịnh.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng nhận định, tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển dự án bất động sản tiếp tục là vấn đề mang tính cấp bách cần sớm giải quyết để thị trường vào đường ray phát triển bền vững.

Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ thêm, Luật Đất đai 2024 đã có nhiều tháo gỡ cho việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp bất động sản. Bộ này đã và đang nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến định giá đất thông qua các nghị định và thông tư. Trong đó, Nghị định 71 và Nghị định 102 nhằm giải quyết tình trạng chậm tính giá đất do vướng mắc từ những năm trước, tháo gỡ khó khăn và góp phần thúc đẩy tiến độ của các dự án.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban tổ chức đã trao cúp và chứng nhận cho tặng thưởng các doanh nghiệp. Cụ thể: Vinh danh Top 10 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam: 1. Công ty Cổ phần Vinhomes; 2. Sun Property (Thành viên Tập đoàn Sun Group); 3. Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJILAND; 4. Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG; 5. Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes; 6. Tập đoàn Bất động sản Bcons; 7. Công ty Cổ phần Tập đoàn MIK Group Việt Nam; 8. Công ty TNHH KN Cam Ranh; 9. Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest; 10. Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group.

screen-shot-2025-02-19-at-15.54.39.png
Vinh danh Top 10 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam,

Tiếp theo, Ban tổ chức cũng đã Vinh danh Top 10 doanh nghiệp bất động sản triển vọng nhất năm 2025; Top 10 nhà phát triển nhà ở xã hội hàng đầu Việt Nam; Top 10 dự án bất động sản nhà ở thương mại chất lượng nhất năm 2024; Top 10 dự án bất động sản nhà ở thương mại tiềm năng nhất năm 2025; Top 10 khu nghỉ dưỡng tốt nhất năm 2024; Top 10 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tiềm năng nhất năm 2025; Top 10 nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp tốt nhất năm 2024; Top 10 ngân hàng cho vay bất động sản minh bạch và bền vững nhất năm 2024; Top 5 nhà tư vấn và phát triển kinh doanh bất động sản tốt nhất năm 2024.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành kết luận số 126 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, trong đó giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, cấp ủy, tổ chức có liên quan thực hiện nhiệm vụ nêu trên; báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.
Vướng mắc trong thể chế vẫn là nỗi lo của doanh nghiệp bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO