Vua hồ tiêu Phan Minh Thông kể chuyện bị lừa, bị bẫy: Có thị trường xuất 2 chuyến có khi bị "xù" 1 chuyến

Trương Thu Hường | 10:49 09/01/2025

Vị doanh nhân chia sẻ 29 câu chuyện, bài viết, là những trải nghiệm thực tế trong quá trình vượt bão tố trên thương trường quốc tế qua cuốn sách “Nông sản Việt Nam và thế giới”.

Vua hồ tiêu Phan Minh Thông kể chuyện bị lừa, bị bẫy: Có thị trường xuất 2 chuyến có khi bị "xù" 1 chuyến

Đây là ấn phẩm thứ 3 của vị doanh nhân, sau 2 cuốn sách “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh" và "Vượt lên, những con đường kinh doanh”. Như vậy từ 2017 đến nay, cứ 1-2 năm, Chủ tịch & CEO Phúc Sinh lại ra mắt sách đều đặn. Điều ấy chứng tỏ sức viết rất đáng nể khi ông Thông vẫn thường đắm chìm trong công việc, sát sao từng việc lớn nhỏ của Phúc Sinh.

BÍ KÍP KINH DOANH CÀ PHÊ, HỒ TIÊU THỜI KHỐC LIỆT

Trong ấn phẩm thứ 3, tác giả thể hiện hai phần nội dung: Nghệ thuật kinh doanh nông sản & Quản trị Kinh doanh; Tản mạn về sưu tập tranh và viết sách. 

Ở phần thứ nhất, ông Thông đem đến nhiều câu chuyện thú vị về những cuộc đấu trí cân não trong hành trình đưa nông sản Việt tiến ra biển lớn.

2023-2024 là thời khốc liệt của cà phê và hồ tiêu. Giá cả hai mặt hàng này đã tăng một cách “điên rồ”. Người Việt đã trông đợi giá nông sản tăng từ quá lâu. Thế nhưng, trái ngang thay khi giá cả tăng cao, ngay chính cả nông dân cũng cảm thấy không hạnh phúc. Khi hỏi những các nhà cung cấp và nông dân có vui vẻ, hạnh phúc với giá cà phê cao chót vót hay không, ông Thông bất ngờ nhận ra câu trả lời đã không như ông tưởng tượng.

Ai cũng nói nhiều tiền là hạnh phúc, hay hạnh phúc thì không thể thiếu tiền. Nhưng nhiều tiền có thật sự hạnh phúc? Chưa chắc nhỉ? Giá cà phê cao ngất như thế này mà khi đi khảo sát tôi vẫn không cảm nhận thấy niềm hạnh phúc của nông dân”.

471536979_10225145509638179_5859798198967467447_n.jpg
Ông Thông chia sẻ nhiều lát cắt ấn tượng về kinh doanh trong cuốn sách mới ra mắt.

Cú sốc lớn về giá cả đã làm ngành hồ tiêu và cà phê chệch hoàn toàn khỏi quỹ đạo kinh doanh vốn có. “Nếu dùng hiểu biết 10-15 năm qua về cà phê để kinh doanh là không đủ”. Cuộc chiến tàn khốc giành mua nguyên liệu đã đẩy không ít công ty xuất khẩu, các nhà rang xay nhỏ và vừa, các thương lái, trader… lâm vào cảnh khánh kiệt. Nếu không nhạy bén với thị trường và có sách lược ứng phó linh hoạt, các công ty nông sản rất khó tồn tại trong thế giới đầy nhiễu động.

Ông Thông cũng chỉ ra “với mức giá này thì khi lên Tây Nguyên hồi tháng 7/2023, tôi đã thấy ngày nào dân cũng trồng cà phê mới, cây giống liên tục cháy hàng”. Đáng lo hơn, khi cà phê Robusta của Việt Nam vốn được thế giới ưa chuộng vì ngon và giá rẻ, nay đã tăng vọt hơn cả Arabica thì nhiều nhà rang, xay đã thay đổi công thức chế biến. Thay vì dùng Robusta của Việt Nam, họ nhập loại hàng này từ các nước khác và nhiều nhất là Brazil. Ngoài ra, họ cũng thay Robusta bằng Arabica - loại cà phê được thế giới ưa chuộng hơn và có giá ổn định.

Điều đó đặt ra thách thức lớn là nếu Việt Nam không có chiến lược phát triển nông sản bài bản và bền vững, chúng ta “sẽ phải chứng kiến kịch bản giá tăng càng nhanh thì xuống càng nhanh. Khi giá tăng, chúng ta phải vật lộn nhưng khi giá xuống thì cũng đau thương không kém”

470187943_10225138693427778_9130296509129144888_n.jpg
Đầu tư vào phát triển bền vững, nâng cao năng lực chế biến, gia tăng giá trị cộng thêm là một trong những cách giúp Phúc Sinh trụ vững trong cơn bão giá cà phê, hồ tiêu.

Trong cơn bão giá cà phê và hồ tiêu, Phúc Sinh đã tìm thấy con đường sáng nhờ phát triển bền vững, mở đường thuận lợi tiến thẳng vào châu Âu. Doanh nghiệp cũng đầu tư nhiều năm để sản xuất, chế biến các loại cà phê, hồ tiêu đặc sản, bắt kịp xu hướng thế giới. 

12 năm trước trong một hội thảo cà phê ở Hà Lan, khi tôi nói Việt Nam có cà phê đặc sản thì một vị khách người Pháp đã lăn ra cười đỏ mặt đến mức ngã khỏi ghế”. Sau này, khi ông Thông bắt tay làm cà phê đặc sản, khách hàng đã dần thay đổi cách nhìn về nông sản Việt Nam. Tại nhà máy, cà phê Arabica Sơn La của Phúc Sinh đã bán hết 8.000 tấn trong thời gian rất ngắn mà không gặp bất cứ trúc trắc nào.

NHỮNG BÀI HỌC VỀ LÒNG NGƯỜI SÂU NHƯ BIỂN TRÊN THƯƠNG TRƯỜNG QUỐC TẾ

Ngoài những bí mật hậu trường kinh doanh cà phê, hồ tiêu thời bão giá, ông Thông còn chia sẻ nhiều câu chuyện thoát khỏi lừa đảo chỉ trong gang tấc. Nội dung của phần này tiếp mạch viết về những cú lừa trong kinh doanh đã được tác giả chọn lọc in trong những cuốn sách trước. 

Nổi bật nhất là câu chuyện thoát lừa 20 container cà phê ở cảng Misurata. Chuyến hàng gập ghềnh ngay từ khâu khách hàng yêu cầu làm bộ chứng từ quá khó. Họ đã dàn xếp một kịch bản siêu tinh vi. Ngân hàng đối tác từ chối thanh toán vì cho rằng chứng từ không hợp lệ. Và ngay khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, công ty yêu cầu hãng tàu giữ hàng ở Ý nhưng không biết bằng cách nào, hàng vẫn trên đường đến Misurata. Qua nhiều đấu tranh, cuối cùng, doanh nghiệp vẫn thoát lừa gang tấc, thành công giữ được hàng.

472279001_10225162953834273_3095154544003525546_n.jpg

Hay chuyện giúp đỡ những công ty khác cùng ngành thoát lừa. Ông Thông đã dùng cả uy tín của mình để giúp đỡ, nhưng có khi lại bị chính những người tưởng là nạn nhân quay xe bất ngờ. Trong ấn phẩm mới, ấn tượng hơn cả là chuyện Phúc Sinh đã giúp một công ty xuất khẩu hồ tiêu, thoát lừa ngoạn mục trong chuyến hàng tới Dubai trị giá cả trăm nghìn đô la.

Trước đó, trong nhiều lần chia sẻ trước truyền thông, ông Thông cũng tiết lộ: “Làm ăn với nước ngoài lâu, tôi cũng nhận ra được tỷ lệ rủi ro với từng thị trường. Ví như xuất khẩu tới châu Phi cứ 2 hợp đồng dễ bị "xù kèo" 1 hợp đồng; Trung Đông trả chậm, 100 hợp đồng sẽ mất khoảng 4-5 cái. Riêng với châu Âu, Bắc Mỹ mỗi năm tôi bán 5.000-6.000 container nhưng chưa "trượt" cái nào. Buôn bán với châu Phi lo lắng nhất vì nếu chẳng may hàng cập cảng mới biết mình bị lừa sẽ chẳng có cách gì lấy ra được. Ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga, Syria, Pakistan cũng vậy…”.

Bên cạnh những lát cắt thắng - thua trong trận chiến kinh doanh, tác giả cũng chia sẻ câu chuyện đầy trăn trở về tệ nạn “Khủng bố tinh thần”. Một lá thư nặc danh vô căn cứ lại đủ sức khiến ngân hàng lớn hốt hoảng, nguy cơ dừng hợp tác với Phúc Sinh và trong công ty, nội bộ trên dưới đều hoang mang.

Tại sao có người lại ghét mình kinh khủng như vậy. Mình có làm hại ai đâu? Kinh doanh xuất khẩu nông sản  chân chính ra thế giới, mang về ngoại tệ cho đất nước là việc tốt đáng tự hào mà…”, tác giả rất trăn trở. Câu chuyện của ông Thông đã phác hoạ chi tiết thế giới kinh doanh rất khó khăn, phức tạp. Cho dù làm tốt tới đâu, chúng ta đều rất dễ chịu tổn thương vì người khác mà đôi khi, chuyện xảy đến không thể ngờ tới, cũng không thể giải thích tỏ tường.

Thông qua những câu chuyện kinh doanh, ông Thông đã gửi gắm nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc. Với mỗi độc giả, tùy góc nhìn khác nhau, sẽ cảm nhận khác nhau. Mong muốn đem đến cho người đọc nguồn năng lượng an lành, để sẵn sàng tinh thần thép vượt thử thách chính là điều ông Thông luôn mong đợi.

 


(0) Bình luận
Vua hồ tiêu Phan Minh Thông kể chuyện bị lừa, bị bẫy: Có thị trường xuất 2 chuyến có khi bị "xù" 1 chuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO