Tác động của ChatGPT đối với thị trường lao động
Sau nhiều thập kỷ các công việc “cổ cồn xanh” bị máy móc thay thế, các chatbot tiên tiến hiện đang hạ gục giới “cổ cồn trắng”. Các công cụ như ChatGPT đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc tạo ngôn ngữ giống con người và nắm bắt ngữ cảnh thực, đến mức chúng đã vượt qua con người trong một số nhiệm vụ. Theo ngân hàng Goldman Sachs, điều này có thể khiến khoảng 300 triệu việc làm dư thừa trên toàn cầu. Một nghiên cứu gần đây của OpenAI, công ty khởi nghiệp đã tạo ra ChatGPT, đã xem xét tiềm năng tự động hóa trên 1.016 nghề nghiệp và có thể thực hiện 19.000 nhiệm vụ liên quan đến nhiều công việc.
Trong một nghiên cứu gần đây nhất, các chuyên gia của OpenAI, cùng với Đại học Pennsylvania, đã chỉ ra rằng các mô hình ngôn ngữ lớn như GPT có thể ảnh hưởng đến 80% lực lượng lao động Mỹ. Họ ước tính thêm rằng các mô hình AI, bao gồm GPT-4 và các công cụ phần mềm dự đoán khác, sẽ ảnh hưởng lớn đến 19% tất cả các công việc, với ít nhất 50% nhiệm vụ trong những công việc đó có thể bị thay thế.
Trái ngược với những gì chúng ta đã thấy trong các làn sóng tự động hóa trước đây, các công việc có thu nhập cao hơn lại có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Một số người có công việc dễ bị tổn thương nhất bao gồm: nhà văn, nhà thiết kế web và kỹ thuật số, chuyên gia phân tích định lượng tài chính và thậm chí cả những kỹ sư blockchain. Trước đây, AI đã tự động hóa một số công việc văn phòng, nhưng đó là những công việc mang tính lặp đi lặp lại, dễ dàng được mã hóa bằng máy. Nhưng giờ đây, nó có thể thực hiện các công việc được xem là sáng tạo, chẳng hạn như nghề viết và sản xuất đồ họa, tức là những công việc được cho là không dễ dàng tự động hóa.
Điều đáng lo ngại không phải là ChatGPT sẽ dẫn đến không chỉ tỷ lệ thất nghiệp quy mô lớn, mà còn là các công ty sẽ thay thế các công việc văn phòng được trả lương tương đối cao bằng hình thức tự động hóa mới này, chuyển những người lao động đó đến những công việc dịch vụ được trả lương thấp hơn, trong khi chỉ một số ít người có khả năng khai thác công nghệ mới tốt nhất sẽ được hưởng những lợi ích lớn.
ChatGPT đang trợ giúp những người ít kỹ năng nhất
Lúc đầu, nhiều chuyên gia cho rằng, những người lao động và công ty am hiểu công nghệ có thể nhanh chóng sử dụng hiệu quả hơn rất nhiều các công cụ AI và họ nhanh chóng thống trị được nơi làm việc và lĩnh vực của mình. Những người có ít kỹ năng hơn và ít nhạy bén về kỹ thuật sẽ bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, trên thực tế một kết quả ngược lại và tích cực hơn lại đang xảy ra. Một trong những nghiên cứu đầu tiên được thực hiện về tác động năng suất của ChatGPT cho thấy AI có thể giúp nhiều người có được các kỹ năng để cạnh tranh với những người có trình độ học vấn và chuyên môn cao hơn. Cụ thể là ChatGPT đã giúp ích nhiều nhất cho những người lao động có kỹ năng kém nhất và tạo nên thành tích tốt nhất, qua đó giảm được khoảng cách hiệu suất giữa các nhân viên. Nói cách khác, những người “viết kém” đã khá hơn nhiều, trong khi những người “viết giỏi” chỉ đơn giản là nhanh hơn một chút mà thôi.
Như vậy, những phát hiện ban đầu cho thấy ChatGPT và các AI thế hệ mới khác, theo thuật ngữ chuyên môn của các nhà kinh tế học, có thể “nâng cao kỹ năng” cho những người đang gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm.
Trong vài thập kỷ qua, có rất nhiều nhân lực có kinh nghiệm đã bị “nằm ở vùng bỏ hoang” sau khi bị đào thải khỏi công việc văn phòng hay nơi sản xuất. Nếu ChatGPT được sử dụng như một công cụ thiết thực trong việc bổ sung chuyên môn và cung cấp cho họ những kỹ năng chuyên biệt cần thiết trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe hoặc giảng dạy, nơi có nhiều việc làm mới, thì lực lượng lao động sẽ sớm thích ứng và cân bằng trở lại.
Nói một cách đơn giản, chúng ta đang ở thời điểm mà những người lao động kém kỹ năng sẽ ngày càng có thể đảm nhận những công việc mà ngày nay được coi là công việc tri thức, hoặc những người lao động tri thức tài năng nhất sẽ mở rộng triệt để lợi thế hiện có của họ so với những người khác. Kết quả này sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách nhà tuyển dụng triển khai các công cụ như ChatGPT.
Những lo ngại từ phía doanh nghiệp
Trong môi trường thế giới số hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang cảm thấy loay hoay và lúng túng khi phải đối mặt với một lượng dữ liệu khổng lồ. Trong quá trình tích hợp AI để chuyển đổi số, họ thường có những lo ngại nhất định về mức độ an toàn của công nghệ. Mặt khác, cũng chưa đủ các bằng chứng thực nghiệm mang tính chắc chắn về lợi nhuận kiếm được do việc tích hợp AI có thể mang lại.
Một cuộc khảo sát được IBM thực hiện với các lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy, 30% số người được hỏi cho biết sự tin cậy và minh bạch là rào cản khiến họ chưa ứng dụng AI; 42% người được hỏi nói rằng quyền riêng tư cũng là một vấn đề khiến họ phải cân nhắc.
Trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, công nghệ AI đóng vai trò quan trọng trong xử lý dữ liệu đầu vào để hỗ trợ việc ra quyết định của các doanh nghiệp. Thế nhưng theo một nghiên cứu được IBM thực hiện năm 2021, có tới 91% doanh nghiệp băn khoăn về tính khả thi của những dự đoán, phân tích do AI thực hiện. Đây chính là rào cản gây ra tâm lý băn khoăn, quan ngại trong việc ứng dụng AI vào môi trường làm việc.
GS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân