Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch đầu tháng 12 tương đối khả quan. Mặc dù giằng co mạnh trong phần lớn thời gian giao dịch song phe mua áp đảo vào nửa cuối phiên chiều giúp chỉ số chính VN-Index đảo chiều tăng mạnh và đóng cửa tại mức điểm gần cao nhất phiên. VN-Index kết phiên tăng hơn 8 điểm qua đó vươn lên mức 1.102,16 điểm.
Mức tăng hơn 0,7% cũng đưa VN-Index trở thành một trong những thị trường tích cực nhất châu Á trong phiên 1/12, thậm chí còn đi ngược với đa phần các thị trường trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…
Mặc dù vậy, nhà đầu tư dường như không quá vui sướng khi chỉ số chính chinh phục được ngưỡng điểm quan trọng. Thực tế, đây là lần thứ 5 kể từ đầu quý 4/2023 tới nay và là lần thứ 2 trong tuần VN-Index mở cửa dưới ngưỡng tâm lý 1.100 và đóng cửa vượt lên trên mốc điểm này. Do đó, không quá khi nói rằng nhà đầu tư phần nào “quá quen” với việc thị trường lên xuống mốc điểm trên, cảm xúc không còn quá hào hứng.
Bên cạnh đó, giai đoạn hiện tại rơi vào vùng trống thông tin trên thị trường. Các thông tin hỗ trợ đã phản ánh vào giá trong khi luồng thông tin mới chưa có nhiều. Giao dịch ảm đạm là khó tránh khỏi khi tâm lý nhà đầu tư chưa thực sự được cởi trói hoặc đơn giản đang chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn trước khi quyết định xuống tiền. Thanh khoản khớp lệnh liên tục rơi về vùng thấp, lực cầu vẫn mất hút bất chấp thị trường chung tăng điểm. Giá trị khớp lệnh trên HOSE trong phiên 1/12 chỉ trên mức 11.000 tỷ đồng.
Ngay cả khi lãi suất huy động tại ngân hàng liên tục giảm, song sự chuyển dịch từ kênh tiền gửi sang chứng khoán vẫn không được như kỳ vọng. Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,4 triệu tỷ đồng, trái ngược với sự ảm đạm của kênh đầu tư chứng khoán.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, định giá thị trường không quá hấp dẫn cũng cản trở dòng tiền tiếp cận. Trong một chia sẻ gần đây, bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính, FiinGroup đánh giá mặt bằng định giá cao đang là yếu tố gây thách thức với thị trường chứng khoán. Theo đó, định giá P/E hiện ở mức 13,1 lần - thấp hơn trung bình giai đoạn từ 2015 đến nay và nhiều nhận định cho rằng định giá thị trường đang ở mức rất hấp dẫn. Tuy nhiên, vị chuyên gia của FiinGroup cho rằng nhà đầu tư cần nhìn sâu hơn từng lớp ngành, lớp cổ phiếu bên trong để đánh giá định giá thực sự của thị trường.
“Nếu không tính đến nhóm bất động sản, P/E thị trường đã cán mốc 23,5 lần – cao hơn định giá khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm để thiết lập mức đỉnh lịch sử từ trước đến nay. Nhà đầu tư cần nhìn nhận thực tế là chúng ta đang nắm cổ phiếu trên mặt bằng đỉnh định giá và điều này cho thấy câu chuyện đầu tư giá trị không còn là trọng yếu ở thời điểm hiện tại”, bà Vân nhận định.
Chuyên gia của FiinGroup cho rằng VN-Index cần chiết khấu sâu thêm để hấp dẫn dòng tiền hoặc các doanh nghiệp niêm yết phải tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ở phía trước. Chỉ khi đáp ứng được một trong hai điều kiện trên mới có thể giúp nhà đầu tư tránh việc mua cổ phiếu giá cao quá đà.
Ngoài ra, động thái liên tục xả hàng của khối ngoại có những tác động tới diễn biến mua bán của nhà đầu tư cá nhân. Khối ngoại đã miệt mài bán ròng gần 6.600 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam từ đầu quý 4. Xét riêng trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng xuyên suốt 8 tháng gần nhất, nâng giá trị bán ròng lũy kế từ đầu năm lên xấp xỉ 15.000 tỷ đồng. Lực đỡ từ khối ngoại cũng không còn phần nào khiến thị trường không đủ động lực để bứt phá.
Mặc dù vậy, vĩ mô ổn định và sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam mở ra triển vọng hồi phục cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Câu chuyện đang được chờ đợi nhất là việc hệ thống mới KRX liệu có kịp đi vào vận hành theo đúng kế hoạch. Hệ thống mới đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thị trường hoàn thiện các tiêu chí để nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Đây cũng được kỳ vọng là yếu tố then chốt góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai.