Cục Công an thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông gần đây đã phát hiện một vụ lừa đảo quy mô lớn liên quan đến "bán hàng hội nghị". Các băng đảng lừa đảo lợi dụng tâm lý “mong con cháu thành rồng thành phượng của người cao tuổi”, chiêu trò để lừa họ mua máy tính học tập kém chất lượng. Theo thống kê, đã có hơn 25.000 nạn nhân ở khắp Trung Quốc.
Trong quá trình điều tra vụ án, Cục Công an thành phố Cao Mật, với sự hỗ trợ đắc lực của Văn phòng Công an thành phố Duy Phường, đã đào sâu và triệt tiêu một băng nhóm lừa đảo “giới thiệu, khuyến mại, chuẩn bị, cung ứng và bán hàng” kém chất lượng nhằm lừa đảo. Đường dây này đã lừa đảo thành công hơn 20.000 người, 46 nghi phạm bị bắt giữ và số tiền liên quan lên tới hơn 50 triệu NDT.
Món quà miễn phí và cái bẫy cho người già
"Cháu là nhân viên bán hàng của một cửa hàng mới mở tại địa phương, mời chú đến cửa hàng để nhận quà miễn phí nhân dịp khai trương cuối tuần này!". Vào tháng 11 năm 2022, ông Vương, một người 65 tuổi sống ở Cao Mật, nhận được một cuộc gọi như vậy. Chú Vương không xa lạ gì với vị trí cửa hàng và nghĩ rằng có cửa hàng thực tế lớn như vậy, chắc hẳn họ sẽ không dám làm điều gian trá. Vì thế, ông Vương liền nhận lời tham dự lễ khai trương.
Theo thời gian thông báo trên điện thoại, ông Vương đã đến cửa hàng dự lễ khai trương. Sau khi vào cửa hàng, một nhân viên đã tặng ông một món quà. Đó là một chiếc tai nghe Bluetooth miễn phí. Sau đó, một người giới thiệu chương trình khai trương. Người này cho biết, những khách mời ở lại tới cuối chương trình sẽ được tặng một máy học toán, ngoại ngữ… miễn phí với nhiều chức năng như đọc, theo dõi.
Nghe lời giới thiệu hấp dẫn, lại cũng rảnh rỗi nên ông Vương ở lại theo dõi hết chương trình. Lúc này, còn hơn 20 khác mời vẫn nán lại để có thể nhận quà tăng. Nhiều nhân viên tới trao quà và tư vấn tận tình cho khách mời. Chiếc máy để học trông có vẻ rất chuyên nghiệp, tuy nhiên, để kết nối mạng và kích hoạt các chương trình học, khách mời cần chi 3.000 NDT để mua các khóa học. Nếu xuống tiền ngay thì được giảm giá chỉ còn hơn 2.400 NDT (khoảng 8,2 triệu đồng).
Thấy ông Vương lưỡng lự, nhân viên không ngừng nhấn mạnh “máy học này chỉ được trao cho những bậc phụ huynh quan tâm nhất đến việc học tập của con chau mình. Những đứa trẻ được học toán, ngoại ngữ bằng chiếc máy này đều có thành tích rất tốt, rất nhiều cháu được thi học sinh hỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia”.
Bị nhân viên cửa hàng thao túng tâm lý, thuyết phục liên tục, ông Vương đã trả 2.400 NDT ngay tại chỗ để được hưỡng ưu đãi. “Sinh nhật cháu đích tôn của tôi sắp đến”, ông Vương tiết lộ. Nhân viên bán hàng liền ra sức thuyết phục, đây sẽ là món quà ý nghĩa giúp cháu ông học hành giỏi giang.
Tuy nhiên, ông Vương mang máy về nhà sử dụng được vài ngày thì thấy máy trục trặc, thường xuyên bị đơ. Ông Vương đem máy trở lại cửa hàng để thương lượng đổi, trả hàng. Nhân viên yêu cầu ông điền vào đơn “xin hoàn lại phí tài liệu học tập” và nói với ông rằng sẽ mất từ 5-7 ngày để hoàn thiện thủ tục trả tiền. Nhưng ông Vương chờ mãi cũng không có ai liên hệ để giải quyết.
Cảnh sát vào cuộc triệt phá đường dây lừa đảo
Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện, giống như ông Vương, hơn 25.000 người cao tuổi ở 38 huyện, thành phố thuộc 6 tỉnh khắp Trung Quốc đã bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Đằng sau việc này là đường dây “đánh lạc hướng thông tin + quảng cáo trực tuyến + quảng cáo ngoại tuyến”.
Băng nhóm lừa đảo này có sự phân công lao động chặt chẽ, mọi mắt xích đều móc nối với nhau. Một nhóm chịu trách nhiệm đánh lạc hướng thông tin là mắt xích chính trong dây chuyền tội phạm. Nhóm này chủ yếu tìm cách khai thác dữ liệu cá nhân và cung cấp trái phép thông tin cá nhân của công dân như số điện thoại, số CMND, nhà riêng…
Sau đó, nhóm khác thực hiện các cuộc gọi Internet dựa trên thông tin được cung cấp, đồng thời nghiên cứu xây dựng các kỹ thuật quảng bá sản phẩm cho nhóm người cao tuổi và dùng quà tặng miễn phí khi khai trương cửa hàng mới để thu hút người cao tuổi. Những người mắc bẫy được mời đến cửa hàng vào thời gian được chỉ định, tạo cơ sở cho hành vi gian lận tiếp theo.
Đội quản lý cửa hàng có trách nhiệm chuẩn bị offline, lựa chọn những địa điểm có mật độ dân cư đông đúc, được nhiều người biết đến để thuê mặt tiền, trang trí cửa hàng, ngụy trang thành cửa hàng bán sản phẩm điện tử nhằm gây nhầm lẫn cho công chúng. Nhóm sản xuất cung cấp máy học giả, kém chất lượng để đảm bảo nguồn cung sản phẩm.
Nhóm bán hàng chịu trách nhiệm bán hàng tại chỗ, khoe khoang về chức năng của máy học và thu hút người cao tuổi mua “tài liệu dạy học suốt đời” bằng cách tặng miễn phí máy học. Sau sự kiện này, họ trì hoãn việc trả hàng vì nhiều lý do khác nhau cho đến khi đóng cửa cửa hàng và bỏ trốn.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện hành vi đường dây tội phạm này có phương thức hoạt đổng rất bài bản. Mỗi tháng bọn chúng hoạt động tại một địa phương và thay đổi địa điểm liên tục. Sau khi nắm được manh mối và bằng chứng liên quan, cảnh sát đã triển khai đột kích, bắt giữ người giám sát Zhao và 11 "nhân viên điều hành qua điện thoại". Đồng thời cảnh sát thu được một lượng lớn máy tính, dữ liệu hệ thống, hồ sơ đào tạo qua điện thoại và các bằng chứng khác tại chỗ. Sau đó, cảnh sát đã đào sâu hơn và bắt giữ tổng cộng 46 nghi phạm.
Sau khi được các tổ chức chuyên môn kiểm định, những chiếc máy học tập được người cao tuổi mua đều là hàng giả, kém chất lượng. Cái gọi là "tài liệu học tập trọn đời" trong máy học đều được các nhóm lừa đảo mua lại từ các công ty phần mềm bất hợp pháp. Các công ty phần mềm này ghi lại các khóa học trong sách giáo khoa một cách trái phép.
Cảnh sát nhận định rằng, vụ án này liên quan đến nhiều tội danh xâm phạm trái phép thông tin cá nhân của công dân, sản xuất và bán hàng giả, lừa đảo, vi phạm bản quyền và che giấu số tiền thu được từ tội phạm. Hiện tại, vụ việc đang được điều tra thêm.