Thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục hơn 20% kể từ đáy giữa tháng 11. Định giá thị trường khi về dưới 900 điểm được đánh giá rất hấp dẫn so với lịch sử, vậy định giá hiện nay liệu có còn hấp dẫn nữa hay không? Đối với những nhà đầu tư còn nắm giữ lượng tiền mặt, có nên tiếp tục tham gia thị trường và nếu tham gia nên chọn cổ phiếu nào để tích luỹ?
Giải đáp thắc mắc tại Talkshow Chọn danh mục do Báo đầu tư tổ chức, chuyên gia Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BSC đánh giá thị trường chứng khoán như “con lắc” sẽ không dừng lại một điểm, tuy định giá không còn rẻ so với thị trường khi "tạo đáy" nhưng vẫn rẻ so với lịch sử và các thị trường lân cận. Theo quan điểm của ông Long, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu từ 2-3 năm còn rất nhiều cơ hội. Song nếu nhà đầu tư tham gia ngắn hạn như “mua sắm tết” lại rất khó, do đó chúng ta cần cân nhắc thật kỹ trong khoảng thời gian biến động này.
Trong bối cảnh thị trường sụt giảm từ đầu năm, nhà đầu tư F0 tham gia đầu tư với suy nghĩ rằng thị trường là kênh kiếm tiền ngắn hạn, lướt sóng đã dần nhận ra việc lướt sóng là không hiệu quả, đầu tư dài hạn vẫn cho kết quả tốt hơn.
Với những nhà đầu tư trẻ tuổi, vị chuyên gia BSC cho rằng cơ hội tuyệt vời để đầu tư đang đến khi bạn tập trung tìm hiểu doanh nghiệp mà bản thân ưa thích. Trên thị trường có tới 1.700 doanh nghiệp niêm yết, cả người chuyên nghiệp cũng không thể nắm rõ hết sức khoẻ của ngần ấy doanh nghiệp. Do đó, hãy tìm hiểu DN mà mình thực sự ưa thích để đi đường dài và đồng hành cùng nhau.
“Nước lên thuyền lên”, nhóm ngành nào được hưởng lợi?
Theo quan sát của ông Trần Thăng Long, tâm lý thận trọng đang đẩy lên cao. Một số nhóm ngành liên quan tiêu dùng, bán lẻ, thực phẩm đang đánh giá cao ngay khi đi qua khủng hoảng. Với xuất khẩu có phần kém khả quan hơn đôi chút, tuy nhiên với thông tin tích cực Trung Quốc dần nới lỏng và mở cửa kinh tế, logistics, cảng biển,… sẽ là những nhóm được hưởng lợi trước tiên.
“Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần nhìn nhận rằng không phải cứ ngành tốt hay doanh nghiệp tốt, cổ phiếu ắt sẽ tốt. Bởi doanh nghiệp mang tính chu kỳ sẽ xuất hiện những giai đoạn khó khăn, hiện những chuỗi ngành liên quan tới bất động sản, xây lắp, vật liệu xây dựng đang gặp khó và cần phải theo dõi thêm”, ông Long nhấn mạnh.
Đáng chú ý, chuyên gia BSC cho rằng những ngành có độ nhạy cao với thị trường, khi “nước lên thuyền lên”, điển hình như thanh khoản đang được cải thiện, các công ty chứng khoán nhờ đó sẽ có kết quả khả quan hơn.
Đồng quan điểm, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở các trung tâm tài chính lớn trên thế giới như Mỹ và hiện đang kết nối dòng vốn nước ngoài với TTCK Việt Nam cho biết nhà đầu tư khi nói về doanh nghiệp yêu thích phải biết rõ họ làm gì, doanh thu ra sao, lãnh đạo là ai,…
Cá nhân ông Hoàng nhận định ngành đồ uống như sản xuất bia, nước giải khát kể cả trong khủng hoảng hay thời kỳ khó khăn vẫn luôn duy trì doanh số tốt. Nếu thị giá của nhóm ngành này quá cao, nhà đầu tư có thể thay thế bằng chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư vào cổ phiếu nhóm này.
“Cần nhìn vào phần trăm tăng trường của một doanh nghiệp chứ không nên nhìn con số tuyệt đối. Nếu lãi suất chưa ổn định, hãy nhìn các doanh nghiệp có nợ vay ngắn hạn và dài hạn ở mức thấp, có vậy khả năng tồn tại sẽ tốt hơn”, ông Hoàng nêu rõ.
Ông Hoàng đưa ra cái nhìn tích cực cho ngành đồ uống, tiêu dùng, phân phối và dược phẩm. Đồng thời, ông cũng lưu ý nhà đầu tư: “Hãy nhớ, những nhà đầu tư thành công và giàu có hơn đến từ thời điểm xảy ra khủng hoảng”.