Chiều 14/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát đi thông cáo điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
NHNN cho biết, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích Chứng khoán DSC cho biết các biện pháp nới lỏng tiền tệ đều có tác động hỗ trợ đến doanh nghiệp và dòng tiền, qua đó tác động tích cực lên mặt bằng giá cổ phiếu và thanh khoản của thị trường chứng khoán.
Đối với nhóm Ngân hàng, mặt bằng lãi suất thấp hơn giúp giảm áp lực trong cuộc đua lãi suất huy động, và hạ mức lãi suất cho vay có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vốn có dấu hiệu đình trệ trong các tháng đầu năm 2023. Ngoài ra có thể tác động giảm rủi ro gia tăng nợ xấu, do các doanh nghiệp giảm tải chi phí tài chính.
Đối với nhóm Bất động sản, mặt bằng lãi suất thấp hơn là cơ sở để đàm phán tái cơ cấu doanh nghiệp, gia hạn nợ vay, qua đó gián tiếp giảm áp lực đáo hạn trái phiếu giai đoạn quý 2 – quý 3. Ngoài ra, một số nhóm doanh nghiệp cần nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu có thể chịu tác động tiêu cực trong trường hợp tỷ giá USD gia tăng.
Một điểm rất đáng chú ý được vị chuyên gia này chỉ ra rằng, đối với lãi suất tái cấp vốn (lãi suất cơ bản tác động lớn đến lãi suất tiết kiệm và cho vay) vẫn được NHNN giữ nguyên tại mức 6%. Do đó tác động lần nới lỏng lãi suất lần này có thể chưa tích cực như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, nhưng là hành động cần thiết nhằm cân đối với biện pháp thắt chặt của nhiều NHTW toàn cầu trong bối cảnh lạm phát kéo dài hơn dự kiến. Số liệu CPI và PCE trong tháng 2 của Mỹ nhiều khả năng cũng khiến Fed nâng mức lãi suất mục tiêu 25 điểm cơ bản lên mức 475-500 điểm.
"Cuối cùng nhà đầu tư cần lưu ý quan sát chặt chẽ diễn biến tỷ giá, trường hợp tỷ giá USD tăng vượt 24.000 có thể là dấu hiệu tiêu cực cho thấy chính sách nới lỏng khó kéo dài", ông Đạt đánh giá.
5 lần điều chỉnh lãi suất gần nhất, thị trường chứng khoán đều tăng trưởng dương sau 1 tháng
Xét trên khía cạnh con số, nhìn lại quá khứ, kể từ năm 2003 đến trước 15/3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 24 lần hạ lãi suất điều hành. Mục đích chính của những lần nâng lãi suất chủ yếu là thắt chặt chính sách tiền tệ do lạm phát tại những thời kỳ này tăng cao.
Phản ứng của VN-Index sau 1 phiên ghi nhận số lần điều chỉnh chiếm phần hơn với 13 phiên giảm và chỉ có 11 phiên tăng. Trùng hợp, nếu xét sau 1 tháng, VN-Index cũng ghi nhận tăng 11 lần tăng, còn lại 13 lần giảm.
Cụ thể hơn, liên tiếp từ tháng 3/2012 đến tháng 9/2020, NHNN có 14 lần hạ lãi suất điều hành, biên độ từ 0,25% đến 1%. Phản ứng sau đó 1 tháng, VN-Index có 9 lần tăng điểm, với mức tăng mạnh nhất được ghi nhận khi đó là 14,46%, tương ứng khi NHNN giảm 1% lãi suất tái cấp xuống xuống 9% (12/2012).
Đặc biệt, thông tin khả quan giúp nhà đầu tư mong chờ là trong 5 lần hạ lãi suất điều hành gần nhất, thị trường chứng khoán luôn tăng trưởng sau 1 tháng kể từ thời điểm công bố việc điều chỉnh.
Với những lần còn lại, VN-Index đều giảm sau 1 tháng, mức giảm mạnh nhất là vào tháng 3/2013 là -5,09%.