Việt Nam thành công thần kỳ
Theo tờ Financial Express (Bangladesh), sự thành công của kinh tế Việt Nam là một tấm gương để Bangladesh noi theo.
Tại một cuộc hội thảo trực tuyến tổ chức ở Bangladesh với chủ đề "Thành tích xuất khẩu tuyệt vời của Việt Nam: Bài học cho Bangladesh", các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp tham gia đã thảo luận rất chi tiết về cách Việt Nam đạt được kỳ tích kinh tế.
Nhìn chung, theo họ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc bằng cách tăng cường tự do hóa thương mại, tiến hành các cải cách trong nước, tăng cường đầu tư vào nhân lực, cơ sở vật chất...
Trước đó, trong một bài viết năm 2021, tờ Economic Times (Ấn Độ) nhận định Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia phát triển nhanh nhất trong 30 năm qua. Trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đều rơi vào suy thoái sâu năm 2020, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ghi nhận GDP tăng trưởng dương (2,9%) giữa đại dịch COVID-19.
Tờ New York Times thì gọi Việt Nam là "kỳ tích tiếp theo của châu Á" khi đã có những bước tiến mạnh mẽ về kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
"Việt Nam như phép màu từ một thời kỳ đã qua, đang vươn lên thịnh vượng" – NYT viết.
Theo Financial Express, xét về bối cảnh, Việt Nam và Bangladesh có nhiều điểm tương đồng. Nền kinh tế và cơ sở hạ tầng vật chất của Bangladesh đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc chiến tranh giải phóng vào năm 1971.
Việt Nam cũng từng kinh qua chiến tranh, và đã tiến hành 2 cuộc kháng chiến kéo dài hơn hai thập kỷ để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
"Thế nhưng, điểm ngoặt nằm ở đâu để rồi Việt Nam thành công thần kỳ, bỏ lại chúng ta phía sau?" - Tờ Financial Express đặt câu hỏi.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát ở phạm vi thế giới vào năm 2020, GDP của Việt Nam năm 2019 được Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận là 334,4 tỷ USD, trong khi GDP cùng năm của Bangladesh là 351,2 tỷ USD. Lúc này, có vẻ như Bangladesh đang dẫn trước Việt Nam.
Xét về quy mô dân số, Bangladesh là quốc gia đông dân hơn. Năm 1984, dân số của Việt Nam bằng khoảng 75% dân số của Bangladesh. Song, vào năm 2019, tỷ lệ này chỉ còn 59%.
Điều đó đồng nghĩa, với dân số chỉ gần bằng 60% dân số Bangladesh, Việt Nam đang theo sát quốc gia láng giềng trong cuộc chạy đua kinh tế. Thậm chí, với những bước tiến đáng ngưỡng bộ, Việt Nam được dự báo sẽ sớm vượt qua Bangladesh.
Bí mật làm nên "phép màu Việt Nam"
Tờ Financial Express cho hay, tất cả những tiến bộ này của nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong vòng 3 thập kỷ. Các nhà lãnh đạo Việt Nam có tầm nhìn xa trông rộng và đã tiến hành chính sách "Đổi mới" đầy hiệu quả.
Năm 1986, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng luật đầu tư nước ngoài, cho phép dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không bị hạn chế.
Sau khi chiến tranh kết thúc và đất nước còn gặp nhiều khó khăn, Việt Nam đã nhiều lần tiến hành cải cách luật đầu tư nước ngoài, loại bỏ các rào cản còn lại để đảm bảo nguồn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam được thuận lợi hơn.
Theo tờ Global Asia, chuyển mình dưới chính sách "Đổi mới", Việt Nam đã tăng cường quan hệ hữu nghị với bạn bè quốc tế. Cách tiếp cận này cũng phù hợp với mức độ mở cửa kinh tế và hội nhập cao của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.
Chẳng hạn, từ năm 2000 - 2008, tốc độ tăng trưởng ngoại thương của Việt Nam đã cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong cùng thời kỳ. Tỷ lệ kim ngạch thương mại trên GDP của Việt Nam cũng ngày càng tăng, từ 1:1 năm 2000 lên 1,17:1 năm 2004 và 1,45:1 năm 2008.
Công cuộc "Đổi mới" đã tạo động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiến lên, thúc đẩy Việt Nam tập trung giải quyết những thách thức mới để tiếp tục cải cách sâu rộng hơn và gặt hái những lợi ích của quá trình khu vực hóa và toàn cầu hóa.
Đáng nói, những chính sách mà Việt Nam áp dụng đã được nhiều quốc gia biết đến. Một số quốc gia Nam Á và Đông Nam Á khác cũng theo đuổi các chính sách tương tự nhưng lại không đạt được thành công như Việt Nam. Vậy thì "bí mật" làm nên thành công của Việt Nam nằm ở đâu?
Theo Financial Express, có ít nhất 4 lý do giải thích cho điều này:
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo Việt Nam có bản lĩnh chính trị, tập trung cao độ và quyết tâm cao để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Thứ hai, các lãnh đạo Việt Nam có những phẩm chất "rất hiếm thấy".
Thứ ba, xã hội Việt Nam sau chiến tranh là một xã hội có tính kỷ luật cao. Lực lượng lao động của Việt Nam cũng vậy, rất năng động và có tính kỷ luật chặt chẽ.
Thứ tư, ngay từ đầu, chính phủ Việt Nam đã rất kiên định và nhất quán trong các chính sách của mình.
"Tất cả những yếu tố này đã góp phần vào sự phát triển của đất nước Việt Nam. Đây là bí mật thực sự đã làm nên phép màu Việt Nam" - Financial Express kết luận.