Hệ thống thanh toán chung của ASEAN
Theo CNBC News, một hệ thống thanh toán xuyên biên giới khu vực mới được các quốc gia Đông Nam Á triển khai gần đây có thể đưa khối ASEAN đến gần hơn với mục tiêu gắn kết kinh tế.
Hệ thống này cho phép người dân thanh toán chi phí hàng hóa và dịch vụ bằng đồng nội tệ thông qua mã QR.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết, ASEAN-5 bao gồm 5 nước thành viên ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, đã ký kết thỏa thuận kết nối các hệ thống thanh toán bằng mã QR của mình.
Việt Nam nhiều khả năng sẽ là quốc gia tiếp theo tham gia kết nối thanh toán khu vực, tiếp đó là Brunei, Lào và Campuchia.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 5 vừa qua, các nhà lãnh đạo khối đã cam kết sẽ thực hiện lộ trình mở rộng liên kết thanh toán khu vực tới tất cả 10 thành viên ASEAN.
Kế hoạch này nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh toán thương mại, đầu tư, chuyển tiền xuyên biên giới và các hoạt động kinh tế khác với mục tiêu thực hiện một hệ sinh thái tài chính toàn diện trên khắp Đông Nam Á.
Giới phân tích cho rằng, lĩnh vực bán lẻ sẽ đặc biệt được hưởng lợi trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tăng, từ đó có thể thúc đẩy ngành du lịch.
Nico Han, nhà phân tích Đông Nam Á của tạp chí The Diplomat, cho rằng, một hệ thống thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới thống nhất sẽ thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc quản lý các vấn đề quốc tế.
"Hệ thống này sẽ giúp ASEAN không cần đồng đô la Mỹ hoặc Nhân dân tệ Trung Quốc làm trung gian. Động thái này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa các cường quốc lớn trên toàn cầu", chuyên gia này nhận định.
Quy trình hoạt động
Bằng cách kết nối các hệ thống thanh toán thông qua mã QR, tiền có thể được chuyển từ ví kỹ thuật số này sang ví kỹ thuật số khác.
Những ví kỹ thuật số này hoạt động hiệu quả như tài khoản ngân hàng nhưng chúng cũng có thể được liên kết với tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức.
Ví dụ, khi giao dịch hàng hóa, khách du lịch Malaysia ở Singapore có thể thanh toán bằng đồng tiền ringgit trong ví kỹ thuật số Malaysia. Hoặc một công nhân Malaysia ở Singapore có thể gửi tiền đô la Singapore trong ví kỹ thuật số của Singapore đến ví của người nhận ở Malaysia.
Phí và tỷ giá hối đoái sẽ được tính theo thỏa thuận chung giữa ngân hàng trung ương các nước.
CNBC News cho hay, hiện tại, chưa có khu vực nào trên thế giới tồn tại hệ thống thanh toán chung tương tự nhưng trong tương lai, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) có trụ sở tại Thụy Sĩ hy vọng sẽ kết nối các hệ thống thanh toán bán lẻ trên toàn thế giới bằng cách sử dụng mã QR và số điện thoại di động.
"Nỗ lực của các ngân hàng trung ương ASEAN là sáng tạo và mới lạ", ông Satoru Yamadera, cố vấn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ABD) đánh giá.
"Ở các khu vực khác như châu Âu, kết nối thanh toán bán lẻ qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ phổ biến hơn trong khi Trung Quốc nổi tiếng về thanh toán bằng mã QR tiên tiến nhưng chúng không được kết nối như mã QR của ASEAN".
Lợi ích kinh tế
Các chuyên gia cho biết, những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ cũng sẽ hưởng lợi nhờ hệ thống kết nối thanh toán khu vực. Theo ADB, các doanh nghiệp này chiếm hơn 90% số lượng doanh nghiệp ở Đông Nam Á.
Các cá nhân thu nhập thấp cũng được hưởng lợi. Vì hệ thống thanh toán hoạt động thông qua ví kỹ thuật số và không yêu cầu tài khoản ngân hàng truyền thống nên những người không có tài khoản ngân hàng cũng có quyền truy cập.
"Hệ thống này có khả năng cải thiện kiến thức về tài chính và phúc lợi cho những người chưa được tiếp cận với ngân hàng", chuyên gia Han nói.
Nicholas Lee, nhà phân tích công nghệ hàng đầu châu Á tại công ty tư vấn chính sách công Global Counsel, cho biết hệ thống mới của ASEAN cũng sẽ cho phép người bán và người tiêu dùng xây dựng lịch sử thanh toán và cung cấp dữ liệu có giá trị để chấm điểm tín dụng.
"Điều đó đặc biệt có lợi cho các phân khúc dân số không sử dụng dịch vụ ngân hàng và chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, những người thường thiếu quyền truy cập vào dữ liệu đánh giá tín dụng như vậy".
Ngoài ra, các giao dịch không dùng tiền mặt gia tăng sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách nắm bắt dữ liệu giao dịch và luồng giao dịch hiệu quả hơn, trong trường hợp những dữ liệu này có thể truy cập được.
Điều này có thể dẫn đến dự báo kinh tế và hoạch định chính sách tốt hơn.
Tuy nhiên, CNBC News cho rằng, mặc dù việc tăng cường kết nối thanh toán trong khu vực có khả năng làm giảm rào cản thanh toán và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số nhưng điều đó có thể vô tình gây áp lực lên một số loại tiền tệ nhất định, đặc biệt là đồng đô la Singapore.
"Với sức mạnh và sự ổn định của đồng đô la Singapore, cả doanh nghiệp quốc tế và khu vực có thể chọn nắm giữ nhiều vốn lưu động hơn bằng đô la Singapore, dựa vào mạng thanh toán mới để chuyển đổi tiền tệ hiệu quả", ông Lee giải thích.
Trong trường hợp này, các loại tiền tệ khác trong khu vực sẽ bị giảm sức mua, dẫn đến lạm phát nhập khẩu cao hơn nếu các ngân hàng trung ương không can thiệp.