Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ Môi trường đi... làm báo?
Rất tiếc là khi chúng tôi đi tìm hiểu về các công trình nghiên cứu mà một viện có chức năng nghiên cứu, hỗ trợ pháp lý về môi trường như Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ Môi trường (HTPL&BVMT) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nhưng không thấy.
Vào website của Viện này chỉ thấy thông tin đăng ký doanh nghiệp (mã số thuế, tên giám đốc). Vào facebook của Viện chỉ thấy chia sẻ các bài đại loại như “Bắc Ninh: Tạm dừng karaoke, quán bar, vũ trường từ 00h ngày 12/11”, “Công ty Cổ phần Đệ Tam “bị tố” bán nhà tại Dự án DTA Garden house Vsip Từ Sơn khi chưa đủ điều kiện?”… từ trang Thông tin điện tử của Viện này.
Không chỉ có vậy, trên thực tế, Viện HTPL&BVMT không làm công tác nghiên cứu mà đang hoạt động như một “cơ quan báo chí”.
Giấy giới thiệu Chủ tịch Hội đồng biên tập đi điều tra về bãi vật liệu xây dựng. |
Ngày 20/01/2021, ông Bùi Hồng Cường, Viện trưởng Viện HTPL&BVMT đã ký Quyết định số 03/QĐ-VHTPLBVMT về việc thành lập Hội đồng Biên tập tạp chí Doanh nhân và Pháp lý mà không có bất cứ trao đổi thỏa thuận nào với Tổng Biên tập Vũ Tuấn Anh.
Theo quyết định mà ông Cường ký thì được hiểu Hội đồng Biên tập này là “Lãnh đạo tập thể” trực tiếp phụ trách tác nghiệp báo chí và điều hành phóng viên của Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý (chứ không phải “Tổng biên tập tạp chí sẽ quyết định nhân sự và nội dung của tạp chí” như văn bản hợp tác đã ký ngày 23/6/2020 giữa Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ Môi trường và tạp chí Doanh nhân và Pháp lý).
Việc “Tập thể lãnh đạo” này trực tiếp điều hành hoạt động báo chí và điều hành phóng viên được thể hiện rõ tại Điều 4 của Quyết định số 03/QĐ-VHTPLBVMT: “Hội đồng biên tập được sử dụng con dấu của tạp chí Doanh nhân và Pháp lý để thực hiện nhiệm vụ báo chí theo quy định của pháp luật” (chưa rõ theo quy định của pháp luật nào!?).
Mặt trước Thẻ cán bộ không khác gì Thẻ Nhà báo. |
Không chỉ có Hội đồng biên tập điều hành phóng viên tác nghiệp mà Viện HTPL&BVMT cũng trực tiếp điều hành “phóng viên” của Viện tác nghiệp. Ngày 16/7/2021, ông Phan Xuân Bình, Phó viện trưởng ký Giấy giới thiệu của Viện này cử ông Nguyễn Thành Tâm, chức vụ: phóng viên đến UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở TN&MT Hà Tĩnh, UBND huyện Can Lộc để “liên hệ công tác, thu thập thông tin, tài liệu viết báo …”.
Không chỉ dừng lại ở việc cử “phóng viên” của Viện đi tác nghiệp, ông Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Bùi Hồng Cường còn đích thân đi tác nghiệp báo chí. Cụ thể: Giấy giới thiệu ngày 25/2/2021 ghi rõ: cử TS Bùi Hồng Cường về làm việc với UBND xã Chi Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để “Làm việc về một số bãi vật liệu xây dựng trái phép trên địa bàn”.
Mặt trong của Thẻ Cán bộ, ghi chức vụ phóng viên. |
Chưa hết, ngày 5/7/ 2021, Bà Trần Thị Hồng Gấm, Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng quản lý ký văn bản gửi Tổng biên tập tạp chí Doanh nhân và Pháp lý “chỉ đạo”: “việc xin Giấy giới thiệu của phóng viên đi tác nghiệp do bà Trần Thị Hồng Gấm, Phó chủ tịch HĐQL, Viện quản lý và tiếp nhận”.
Để thuận tiện cho công việc tác nghiệp Phó viện trưởng thường trực Phan Xuân Bình của Viện này còn cấp Thẻ cán bộ (mặt trước trông như Thẻ Nhà báo), ghi tên tuổi và đề rõ chức vụ là phóng viên (?!).
Không chỉ dừng lại ở đấy. Ngày 2/4/2021, ông Viện trưởng Bùi Hồng Cường còn ký văn bản gửi ông Vũ Tuấn Anh, Tổng biên tập tạp chí Doanh nhân và Pháp lý thông báo việc Viện của ông đã họp và quyết định thành lập 3 Ban chuyên môn thuộc tạp chí Doanh nhân và Pháp lý, nhưng dưới sự quản lý trực tiếp của lãnh đạo Viện, cụ thể (1) Ban Chính trị và pháp lý; (2) Ban Môi trường và Xã hội; (3) Ban Đối ngoại và Đầu tư.
Đồng thời thông báo phụ trách 3 ban trên là ông Phan Văn Hưng, ông Nguyễn Mạnh Hùng và bà Nguyễn Thị Tuyết. Dự kiến mỗi ban có 4-5 phóng viên.
Những việc làm của Viện HTPL&BVMT, Hội đồng Biên tập, ông Viện trưởng Bùi Hồng Cường trái với quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 của Điều 24 “Nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí” của Luật Báo chí năm 2016.
Chính vì những việc làm như của Viện HTPL&BVMT, nên khi làm việc với Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo cần chấn chỉnh việc các viện của Liên hiệp Hội hoạt động báo chí.
Lừa đảo, bằng cấp giả?
Không chỉ có những việc làm vi phạm Luật báo chí và đi ngược lại chỉ đạo của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (như chúng tôi đã nêu trên), mà người ta có quyền nghi ngờ về đạo đức của một số lãnh đạo Viện này qua các việc làm cụ thể mà chúng tôi nêu ra sau đây.
Hợp đồng vay tiền của Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện trưởng Viện HTPL&BVMT. |
Ngày 11/11/2020, ông Nguyễn Văn Hướng, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật cao BOSSVN, thay mặt Hội đồng Quản trị và tập thể CBNV Công ty này gửi đơn đến các cơ quan chức năng nêu việc ông Bùi Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện trưởng Viện HTPL&BVMT đã nhận tiền của Công ty này để “chạy” một dự án truyền thông.
Đơn viết: “Lãnh đạo Công ty đã chuyển tiền cho TS. Bùi Hồng Cường vay, không thế chấp, ba lần đều có giấy tờ ghi nhận. Đến cuối tháng 4 năm 2020, các giấy tờ vay đều hết hạn. TS Bùi Hồng Cường đã mời lãnh đạo Công ty đến làm việc và thống nhất ký Hợp đồng vay tiền đề ngày 3/3/2020, thời hạn đến hết ngày 30/12/2020, số tiền là 380.000.000 đồng.
Trong hợp đồng có rất nhiều điều khoản, song có điều khoản rất rõ là: Mục đích cho vay phục vụ cho việc làm thủ tục một dự án truyền thông (chúng tôi tạm thời không nêu tên cụ thể dự án này)”.
Biểu ngữ tố cáo Bà Gấm |
Trước khi xuất bản bài báo này, ông Nguyễn Văn Hướng, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật cao BOSSVN khẳng định với người viết bài này: “TS Cường vẫn chưa hoàn lại tiền cho Công ty chúng tôi như đã cam kết”.
Còn bà Trần Thị Hồng Gấm, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý Viện HTPL&BVMT, kiêm Giám đốc Trung tâm Thông tin- Truyền thông của Viện này thì sao?
Không khá khẩm gì hơn ông Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện trưởng, bà Phó chủ tịch Hội đồng quản lý cũng từng bị tố cáo lừa đảo xuất khẩu lao động.
Cụ thể, Báo Công an nhân dân điện tử, ngày 17/01/2020 đăng tải bài viết “Một doanh nghiệp bị tố lừa đảo xuất khẩu lao động”.
Bài báo nêu một số nông dân của các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình tố cáo Bà Trần Thị Hồng Gấm, Tổng giám đốc Công ty Phát triển nguồn nhân lực ASENCO Việt Nam đã thu của mỗi người một khoản tiền 40- 45 triệu đồng để ký hợp đồng đi lao động tại Ba Lan, nhưng cuối cùng đã không đưa được ai đi Ba Lan làm việc và cũng không hoàn tiền lại cho số lao động này.
Bằng tốt nghiệp của bà Trần Thị Hồng Gấm. |
Cũng theo bài báo, bà Gấm cho rằng chưa đưa được lao động đi Ba Lan vì khó khăn về visa và bà Gấm cũng khẳng định, Công ty của bà “có Giấy phép đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động của Bộ LĐ-TB&XH”.
Tuy nhiên khi phóng viên báo Công an nhân dân làm việc với Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH). Cục này trả lời: “Công ty Phát triển nguồn nhân lực ASENCO Việt Nam không được cấp phép đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Đặc biệt thị trường châu Âu thì Công ty này càng không có trong danh sách.
Nếu nói là đưa người lao động sang Ba Lan làm việc thì càng không đúng vì hiện tại chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép đưa lao động sang Ba Lan” (trích báo CAND).
Cũng theo những tài liệu mà chúng tôi có được thì bà Gấm còn dính nghi án dùng bằng cấp giả. Cụ thể: Bằng tốt nghiệp Trần Thị Hồng Gấm do Trường Đại học Thương mại cấp ngày 9/6/2009, loại hình đào tạo: Chính quy, danh hiệu: cử nhân kế toán. Vào sổ 460-K41/D3.
Xác nhận của Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại. |
Tuy nhiên, tại văn bản trả lời yêu cầu xác minh số 1360/CV-ĐHTM, ngày 3/12/2021 do Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại PGS.TS Nguyễn Hoàng ký, nêu rõ: “Trường hợp Bằng tốt nghiệp mang tên Trần Thị Hồng Gấm, sinh ngày 16/8/1987, tốt nghiệp ngành kế toán vào sổ số 460-K41/D3, cấp ngày 9/6/2009 không phải do Trường Đại học Thương mại cấp.
Trong danh sách tốt nghiệp theo quyết định 359/TM-ĐT, ngày 8/6/2009 không có tên sinh viên Trần Thị Hồng Gấm”.
Dư luận nói chung đang đặt ra câu hỏi: “Những cán bộ lãnh đạo của Hội đồng quản lý, Viện HTPL&BVMT như ông Cường, bà Gấm có xứng đáng đảm nhận các chức vụ quan trọng như hiện nay tại Viện này không?”.
Rất cần Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, cơ quan chủ quản của Viện HTPL&BVMT và các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật, kiểm tra, xác minh làm rõ để, nếu những chứng cứ mà chúng tôi nêu ra trên không đúng sự thật, thì cần có kết luận trả lại sự trong sạch cho hai cán bộ nêu trên.
Còn nếu đúng thì cần xử lý nghiêm minh theo đúng quy chế, điều lệ của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam và các quy định khác của pháp luật hiện hành.
Điều 24 “Nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí” của Luật Báo chí năm 2016. Cụ thể người đứng đầu cơ quan báo chí có nhiệm vụ và quyền hạn:
Chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản báo chí và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình. (2) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của cơ quan báo chí. (3) Phê duyệt kết cấu nội dung ấn phẩm; kênh, chương trình phát thanh, truyền hình; báo, chuyên trang của báo điện tử. (4) Chỉ đạo thực hiện đúng tôn chỉ, Mục đích và các quy định ghi trong giấy phép. (5) Quản lý nhân sự, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà báo, phóng viên, nhân viên; quản lý tài sản, cơ sở vật chất của cơ quan báo chí.