Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định số 664/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh – Công ty cổ phần (MITRACO).
Theo đó, MITRACO bị xử phạt 190 triệu đồng đối với 02 hành vi vi phạm.
Thứ nhất, MITRACO bị xử phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Thứ hai, MITRACO bị xử phạt 125 triệu đồng do không đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên không điều hành theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Theo giới thiệu, MITRACO là doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh theo quyết định số 1847/QĐ – TTg ngày 11/10/2013 của Thủ Tướng Chính Phủ. MITRACO hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình công ty mẹ, công ty con trên nhiều lĩnh vực với 20 đơn vị thành viên, trong đó có 14 công ty, xí nghiệp trực thuộc, 6 công ty liên doanh liên kết. MITRACO là doanh nghiệp có quy mô và tổ chức lớn nhất Tỉnh Hà Tĩnh và là một trong những doanh nghiệp lớn ở miền Trung.
Về tình hình hoạt động, kết quả quả hoạt động kinh doanh khá ảm đạm khi năm 2023 doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ lũy kế đến 106,8 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi số lỗ lũy kế cuối năm 2022 ở mức 56,8 tỷ đồng.
Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của MITRACO, trong năm doanh nghiệp ghi nhận hơn 1.316 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận gộp ở mức hơn 53,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên với gánh nặng từ các khoản chi phí, trong đó đáng kể nhấ là chi phí quản ký doanh nghiệp (70,5 tỷ đồng), chi ohis bán hàng (26,7 tỷ đồng), chi phí tài chính (17,4 tỷ đồng) đã kéo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của MITRACO về mức âm hơn 37,6 tỷ đồng.
Sau khi ghi nhận các thu nhập và lợi nhuận khác, MITRACO có lợi nhuận kế toán trước thuế ở mức -31,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế TNDN ở mức – 43,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại BCTC hợp nhất 2023, đơn vị kiểm toán đã có ý kiến ngoại trừ về việc tại thời điểm 31/12/2023, một số công ty con, công ty liên kết của MITRACO rơi vào tình trạng nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế trong nhiều năm dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của các doanh nghiệp này.
Giải trình về ý kiến ngoại trừ này, ông Lê Viết Thảo, Tổng Giám đốc MITRACO cho biết ngoại trừ các Công ty gồm: Công ty CP Vật liệu và Phụ gia sắt Thạch khê, Công ty CP vận tải và xây dựng Mitraco, Công ty CP Khoáng sản Mangan, Công ty CP Gạch ngói Mitraco khả năng hoạt động kém thua lỗ nhiều năm, hiện Tổng công ty đang trong quá trình tìm kiếm các phương án để tái cơ cấu.
Còn lại các Công ty gồm: Công ty TNHH Giống và VTNN Mitraco, Công ty TNHH Thực phẩm chế biến Mitraco, Công ty CP Cơ khí và xây lắp Mitraco, Công ty CP Thương mại Mitraco, Công ty CP Thiên Y, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ Tầng Mitraco, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco, Công ty CP Phát triển Nông Lâm, Công ty CP Vật liệu xây dựng Hà Tĩnh mặc dù gặp nhiều khó khăn trong những năm qua do tình hình dịch bệnh covid, sự cố môi trường biển miền trung, sự giảm sụt vê giá chăn nuôi lợn, sự tăng giá ngũ cốc do chiến tranh Nga - Ucraina làm cho các đơn vị thua lỗ liên tục nhiều năm. Tuy nhiên từ năm 2022 trở lại đây các Công ty đã hoạt động dần ổn định, cuối năm 2023 đã có nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường, đang từng bước khắc phục những khó khăn để dần mang lại hiệu quả. Ngoài ra, số lỗ của các đơn vị này đã được Công ty mẹ trích lập dự phòng đầu tư tài chính đầy đủ và đúng quy định.
Về các phương pháp khắc phục, theo Tổng Giám đốc MITRACO, doanh nghiệp đã tổ chức làm việc với từng đơn vị này, tiếp tục hỗ trợ về vốn, thị trường và cơ cấu lại các hoạt động nhằm ổn định SXKD để dần đi đến hiệu quả, mặc dù kết quả SXKD thua lỗ, tình trạng nợ phủi trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn tuy nhiên Tổng công ty khẳng định các đơn vị này vẫn đang hoạt động liên tục vì số nợ chủ yếu của mỗi Công ty chủ yếu là từ công ty mẹ và Công ty mẹ đã giãn thời gian thu nợ nên các Công ty không mất khả năng thanh toán dẫn đến dừng hoạt động.