Quý đầu năm 2024, giá cà phê liên tục tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Nếu tháng 11/2023, cà phê có giá từ 59.000 - 60.000 đồng/kg thì tháng 12/2023 là 62.000 - 69.000 đồng/kg. Sang tháng 1/2024, giá liên tục đẩy lên mức 82.000 đồng/kg; đến đầu tháng 3 là 86.000 đồng/kg và hiện nay đã lên 94.500 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, cao hơn cả Ấn Độ. Trong chia sẻ mới nhất từ ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group – thì các khách hàng lớn của Việt Nam đã chuyển sang mua hàng Ấn Độ.
Những tưởng giá tăng cao thì những nhà buôn cà phê Việt đang hưởng lợi lớn, tuy nhiên theo ông Thông, nhu cầu thu mua cà phê tăng cao nhưng lượng bán ra nhỏ giọt. Vì giá cao nên người trồng găm hàng không bán, thương lái không đủ hàng giao cho các nhà chế biến, còn doanh nghiệp lỗ vì mua cao bán thấp.
Hiện, các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam đang khó khăn chưa từng có, thậm chí thua lỗ kỷ lục.
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More (huyện Hóc Môn, Tp.HCM) cho biết hiện Công ty đang liên tục họp với các đơn vị cung ứng để thương thảo điều chỉnh đơn giá. Theo ông, giá cà phê tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đẩy nhiều doanh nghiệp chế biến vào thế khó.
Đầu vào lên 85.000-95.000 đồng/kg, nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá bán do hợp đồng đã ký đều theo giá nguyên liệu quanh 50.000-60.000 đồng/kg.
Ông Luận cho rằng chưa bao giờ doanh nghiệp lại khó "trở tay" như năm nay. Hàng năm, cà phê không biến động mạnh như vậy nên việc thu mua nguyên liệu dễ dàng. Năm nay, các doanh nghiệp không thể mua dự trữ do giá leo thang. Trường hợp nhập được, họ chỉ dám mua số lượng rất ít để giao nốt đơn hàng cũ. Meet More cho biết không dám ký mới với những đơn hàng giá thấp. Công ty đang cố gánh lỗ đến tháng 6/2024.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Hưng, CEO Napoli Coffee (hệ thống nhượng quyền với hơn 2.000 cửa hàng trên cả nước) cũng cho biết Công ty đang phải "gồng lỗ" khi giá nguyên liệu leo thang. Theo ông Hưng, hàng trong kho chỉ đáp ứng được 70% đơn hàng xuất khẩu đã ký. 30% đơn còn lại, công ty phải chịu phạt để hủy khi đối tác nhập không chịu điều chỉnh thêm 5-10%. Nếu càng xuất khẩu, doanh nghiệp càng lỗ.
Phân tích “cuộc chơi” trong ngành cà phê, ông Thông cho biết có một thói quen là trong 3 tháng đầu vụ, các công ty xuất khẩu, traders nước ngoài, nhà đầu tư FDI thường bán trước đến 50% sản lượng. Sau đó, vào trong vụ thì mua. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá liên tục tăng thì các công ty bán trước đã bán giá rẻ, và khi vào trong vụ thì buộc phải mua giá cao.
Mặc khác, nhu cầu thì cao nhưng lượng bán nhỏ giọt. Bởi, bản thân người nông dân khi thấy giá cao cũng nấn ná thời gian giao hàng, thậm chí không giao hàng khiến các thương lái lỗ lớn.
Ở phía các công ty xuất khẩu và các công ty nước ngoài, hợp đồng xuất khẩu đã ký nên vẫn phải mua để giao hàng. Ước tính, các công ty mua hàng đang “gánh” lỗ hàng chục triệu đồng/tấn. Với dung lượng mua hàng rất lớn (từ đơn vị tấn đến chục ngàn tấn), con số thua lỗ các bên đang vào khoảng vài trăm tỷ đến hàng ngàn tỷ.
Cũng theo đại diện Phúc Sinh, thị trường có thêm nghịch cảnh khác. Cụ thể, khi giá cà phê Robusta Việt Nam tăng giá dữ dội từ đầu vụ thì các nhà rang xay lớn trên thế giới cũng chưa kịp mua hàng. Do đó, họ có xu hướng đợi chờ giá xuống.