Đầu tiên, nhắc lại một chút về khởi nguồn cho cuộc "nội chiến" tại HBC khi ông Lê Viết Hải từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT HBC để tạo cơ hội cho con trai ông là Lê Viết Hiếu - Phó TGĐ của HBC có thể giữ vị trí Tổng Giám đốc mà không vi phạm Luật Doanh nghiệp (Tổng Giám đốc không được là người có quan hệ gia đình với thành viên HĐQT).
Người được chọn thay thế ông Lê Viết Hải nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của HBC là ông Nguyễn Công Phú - thành viên HĐQT, một kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Pháp và nhiều quốc gia trên thế giới, năm nay đã ngoài 70 tuổi.
Ông Nguyễn Công Phú đã được 8/8 thành viên HĐQT bầu làm Chủ tịch HĐQT của HBC từ ngày 1/1/2023 theo Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ban hành ngày 14/12/2022.
Ngày 31/12/2022, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã bất ngờ công bố Nghị quyết, thông qua việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm (được ký ngày 12/12/2022) chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023; cũng như hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT.
Đồng thời, HBC hoãn thi hành việc thành lập Hội đồng Sáng lập Tập đoàn theo Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022. Nghị quyết cũng thông qua hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT theo Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022.
Tóm lại, những điều này có nghĩa là, ông Lê Viết Hải sẽ vẫn làm Chủ tịch HĐQT Hoà Bình, không có sự thay đổi nào ở đây. Tuy nhiên, đây là những thông tin và ý kiến phía ông Hải công bố.
Trong một diễn biến tiếp đó, ngay sau khi thông tin này được gửi đến truyền thông, trong buổi sáng ngày 1/1/2023, các thành viên Hội đồng quản trị độc lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã phát đi một Thông cáo báo chí mới, bác bỏ các nội dung trên.
Bản thân ông Nguyễn Công Phú đã gửi một đơn trình báo từ Paris, Pháp về việc sai phạm trong việc tự ý ban hành Nghị quyết Hội đồng Quản trị (HĐQT) tại HBC.
Theo đó, ông Phú nêu lên 2 vấn đề trong việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm HĐQT (được ký ngày 12/12/2022) chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023; cũng như hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT, mà ông Phú cho là không đúng quy định.
Ngay trong hôm đó, website chính thức của HBC đưa ra thông báo tuyên bố: "Kể từ ngày 1/1/2023, mọi thông tin, nội dung, văn bản không được ban hành chính thức từ Tập đoàn và đại diện pháp luật là ông Lê Viết Hải đều không có giá trị. Tập đoàn không chịu trách nhiệm về những thông tin, nội dung mà các cá nhân, tổ chức nhân danh Hoà Bình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật".
Vậy, người đại diện theo pháp luật có vai trò, chức năng gì và rốt cuộc hiện nay ai là người đại diện theo pháp luật của HBC?
Theo Luật Doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật được quy định tại Điều lệ của công ty.
Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty (khoản 2 Điều 137 Luật Doanh nghiệp năm 2020).
Điều lệ sửa đổi hồi tháng 8/2022 của HBC có quy định, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể là người giữ một trong số các chức danh sau:
- Chủ tịch HĐQT;
- Tổng Giám Đốc hoặc
- Người giữ chức danh khác nhưng phải là người điều hành doanh nghiệp.
Điều lệ cũng có ghi, người đại diện theo pháp luật của công ty có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật chứng khoán.
Trên Đăng ký kinh doanh thay đổi gần nhất lần thứ 37 ngày 23/12/2022, được Xây dựng Hòa Bình công bố ngày 28/12, người đại diện theo pháp luật của HBC vẫn là Chủ tịch HĐQT ông Lê Viết Hải.
Luật sư Vũ Đức Diệm, trưởng nhóm tranh tụng Công ty luật TNHH ATIM cho biết, theo Điều 34 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN), bao gồm cả thông tin về người đại diện theo pháp luật có giá trị pháp lý kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đó là với đăng ký mới, còn trường hợp khi doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật, quy định của Luật lại không rõ về thời điểm có hiệu lực. Vì vậy, hiện nay tồn tại 2 luồng quan điểm về việc này.
Có luồng quan điểm cho rằng thời điểm phát sinh quyền của người đại diện theo pháp luật mới được xác định tại nghị quyết/văn bản nội bộ do cơ quan/người có thẩm quyền của doanh nghiệp ban hành hợp lệ, thủ tục thay đổi ĐKKD với Sở KHĐT là "thông báo thay đổi", có ý nghĩa về mặt hình thức (luật quy định 10 ngày kể từ ngày có thay đổi, doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi).
Một luồng quan điểm khác lại cho rằng thời điểm này là thời điểm doanh nghiệp được cấp GCNĐKDN sửa đổi ghi nhận thông tin người đại diện theo PL mới.
Cũng theo Luật sư Diệm, việc dựa vào GCNĐKDN hợp lý hơn vì việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện luật định (trong số đó, có việc phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh).
Ngoài ra, trên thực tế, cơ quan nhà nước, tòa án, các bên thứ ba thường căn cứ vào GCN ĐKDN và Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (cập nhật thông tin trên GCN ĐKDN) như một căn cứ để xác định người đại diện theo PL của công ty.
Trong khi vấn đề pháp lý trong việc xác định chức vụ Chủ tịch Xây dựng Hoà Bình còn chưa rõ ràng và ngã ngũ thì hai "phe" liên tục đưa ra những thông báo và phát ngôn "chê trách" đối phương.
Nhóm ông Phú trả lời truyền thông nói rằng ông Hải "quay xe", "tham quyền", "điều hành yếu kém", khiến Xây dựng Hòa Bình đối diện với muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính.
Trong khi đó, ông Hải nói rằng ông Phú đã bội ước khi không giữ lời hứa đồng thuận với mình trong việc quản trị tập đoàn. Được biết, ông Hải chấp thuận bầu ông Phú vào vị trí Chủ tịch HĐQT khi ông Phú hứa sẽ luôn tôn trọng nguyên tắc đồng thuận giữa hai người - chủ tịch Hội đồng Sáng lập và Chủ tịch HĐQT. Nhưng sau đó, qua một số lời nói, việc làm và phát ngôn trên truyền thông, ông Hải cho rằng có sự trái ngược giữa lời hứa của ông Phú với thực tế.