Trong suốt những tháng đầu năm 2024, BRICS đã thu hút được rất nhiều sự chú ý, trước hết là nhờ việc tăng gấp đôi quy mô. Tổ chức liên chính phủ thống nhất với 5 thành viên - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – ngày 1/1/20241 đã chào đón thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), sau đó xác nhận việc Saudi Arabia chính thức gia nhập vào ngày 31/1/2024, nâng tổng số số quốc gia thành viên từ 5 đến 10. Các báo cáo gần đây cho thấy có thêm 34 quốc gia bày tỏ quan tâm đến việc tham gia vào nhóm liên kết này trong năm nay.
Ở một khía cạnh nhất định, BRICS mở rộng sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường vàng.
Brics mở rộng gấp đôi.
Vai trò của Nga quan trọng đối với vàng
Everett Millman, Giám đốc phân tích thị trường tại Gainesville Coins, tin rằng những người tham gia thị trường kim loại quý cần xem xét nghiêm túc vai trò chủ tịch BRICS của Nga vì điều đó có khả năng tác động đến thị trường vàng.
Kể từ khi xảy ra xung đột với Ukraine vào tháng 2/2022, Nga đã bị kích ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, và lượng vàng dự trữ nhiều đã có vai trò đắc lực trong việc giúp họ đã duy trì sự ổn định trong thương mại. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, dự trữ vàng của nước này riêng trong tháng 12/2023 đã tăng 35 tấn lên tổng cộng 2.350 tấn. Còn theo Hội đồng Vàng Thế giới, trong quý 3 năm 2023, Nga đứng thứ 5 thế giới về số lượng vàng dự trữ, sau Mỹ, Đức, Italy và Pháp.
Với vai trò là chủ tịch BRICS, dự đoán Nga sẽ thúc đẩy khối này gia tăng vị thế của vàng trong dự trữ ngoại hối của các nước thành viên.
Hệ thống thanh toán mới của BRICS tạo cơ hội cho vàng
Một sáng kiến của BRICS gần đây nhận được nhiều sự chú ý là hệ thống chuyển khoản liên ngân hàng mới đang được Nga xây dựng. Giống như Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc, nó được dự định là một giải pháp thay thế cho SWIFT.
Ông Millman tin rằng hệ thống thanh toán mới của BRICS sẽ tạo cơ hội cho vàng. “Nếu thực sự có một giải pháp thay thế cho SWIFT, một hệ thống thanh toán nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ, các ngân hàng Mỹ hoặc đồng USD, tôi nghĩ điều đó có thể sẽ có lợi cho vàng”.
“Những quốc gia đó đã tích lũy rất nhiều vàng. Họ coi vàng là tài sản dự trữ trung lập, thứ có thể được sử dụng để thanh toán. Ngay cả khi có vấn đề về niềm tin khi sử dụng tiền tệ của nhau, vàng vẫn có thể hoàn thành vai trò như đồng USD”, ông Millman nói.
Nguồn cung vàng tương lai bị đe dọa
Ông Millman nhấn mạnh rằng cộng đồng đầu tư khai thác mỏ vàng nên đặc biệt chú ý đến khu vực Châu Phi, vì tương lai của ngành sẽ được xây dựng lên ở đó.
Ông nói: “Các mỏ hiện tại đã hết hạn sử dụng và sẽ phải có hoạt động thăm dò vàng mới để sản lượng duy trì mức rất ổn định như trong nhiều thập kỷ qua”. “Tôi coi Châu Phi là một trong những thị trường chưa được khai thác, nơi có thể có lượng đầu tư lớn và các mỏ vàng mới mọc lên.”
Millman nói: “Khi bạn xem xét cách các quốc gia in tiền, cách các ngân hàng trung ương không ngừng tăng nguồn cung tiền, một trong những dấu hiệu nhận biết của vàng là tỷ lệ dự trữ”. “Dự trữ vàng hiện tại rất lớn so với lượng vàng được khai thác mỗi năm, nhưng mức vàng khai thác đó rất ổn định. Khai thác vàng tăng gần 1%, do đó nguồn cung vàng tăng 1% mỗi năm. Tôi nghĩ đó là một yếu tố quan trọng của vấn đề này, trong 10, 20 năm tới, chúng ta bắt đầu tiếp cận những rào cản sản xuất vàng đó, hoặc có thể lượng vàng mới được bổ sung vào kho dự trữ của chúng ta bắt đầu giảm đi.”
Millman cho rằng châu Phi có thể là chìa khóa để giải quyết vấn đề đó. Ông nói: “Đây là một nơi quan trọng đối với các quốc gia quan tâm đến vàng và các ngân hàng trung ương của họ đang mua nó”. “Họ sẽ muốn biết, lượng vàng mới sẽ đến từ đâu? Và tôi nghĩ ngày càng có khả năng rằng điều đó sẽ xảy ra ở Châu Phi.”
Vàng khai thác mới trong tương lai dự kiến sẽ chủ yếu đến từ châu Phi.
Vai trò của vàng trước kia và bây giờ
Sự trỗi dậy của đồng đô la Mỹ trong những thập kỷ qua và sự trỗi dậy đồng thời của Mỹ với tư cách là siêu cường kinh tế và quân sự ưu việt, trùng hợp với sự suy giảm của vàng với tư cách là nền tảng định giá tiền tệ. Khi nền tảng bên dưới hệ thống tiền tệ toàn cầu bắt đầu thay đổi một lần nữa, liệu vàng có thể tái xuất hiện như một tài sản quan trọng hỗ trợ các hệ thống tiền tệ cạnh tranh?
Theo ông Millman, nếu các quốc gia trên thế giới bắt đầu hợp nhất thành các phe tiền tệ riêng biệt với vàng là cốt lõi, Châu Âu sẽ liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ”. “Tôi cũng có thể nói rằng Canada liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ về mặt đó, vì thực tế là ngân hàng trung ương của họ không còn sở hữu bất kỳ loại vàng nào nữa. Mexico cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc này, vì họ thực hiện phần lớn hoạt động thương mại với Mỹ, họ là một trung tâm sản xuất lớn và là nguồn cung cấp kim loại quý lớn như một nguồn tài nguyên thiên nhiên”.
Phương Đông bây giời mới mua vàng nhưng phương Tây đã nắm giữ rất nhiều vàng
Đây là một điểm cơ bản thường bị bỏ qua trong cuộc thảo luận sôi nổi về hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương: Mỹ không mua vàng để hỗ trợ đồng tiền của họ như các quốc gia khác bởi vì đồng USD đã tăng so với các loại tiền tệ khác. Nhưng nếu Mỹ muốn hoặc cần tham gia vào cơn sốt vàng của ngân hàng trung ương đang diễn ra, họ sẽ bắt đầu từ vị trí vượt trội áp đảo ngay từ ngày đầu, với trữ lượng vàng lớn nhất hành tinh.
Theo dữ liệu mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới, Mỹ có hơn 8.133 tấn vàng trong kho dự trữ của ngân hàng trung ương, so với 2.350 của Nga và 2.235 của Trung Quốc. Kết hợp lại, tổng số dự trữ của các quốc gia nói trên chỉ bằng một nửa so với của Mỹ. Ngay cả khi chúng ta cộng thêm trữ lượng vàng dự trữ quốc gia của các thành viên BRICS khác (không có số liệu chính thức về Iran và Ethiopia), tổng số 6.149,44 tấn vẫn chưa bằng số vàng dự trữ của Mỹ.
Và điều gì sẽ xảy ra nếu các nước đồng minh của Mỹ cũng sẽ hành động tương tự như Mỹ? Nếu chúng ta cộng dự trữ quốc gia của các quốc gia thành viên EU và Mexico (Canada không có) cùng với dự trữ của Mỹ, “khối phương Tây” này sẽ có tổng cộng gần 20.000 tấn. Con số này cao hơn gấp ba lần dự trữ của các quốc gia BRICS, đó là chưa kể lượng dự trữ của các quốc gia khác như Thụy Sỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Đối với BRICS và bất kỳ ai khác đang cố gắng hạ giá đồng USD thông qua vàng, đây có thể là một trường hợp kinh điển về việc ‘hãy cẩn thận với những gì bạn mong muốn’.
Vị thế của Mỹ trên thị trường vàng được giữ vững, vị thế của Trung Quốc đang lên,
Với đồng tiền mạnh nhất, thị trường nợ lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất cũng như khả năng tiếp cận năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của lục địa, vị thế của Mỹ trong 10 đến 15 năm tới khó có thể thay đổi thực trạng hiện nay là xoay quanh việc kiểm soát nguồn cung vàng toàn cầu. Mỹ có thể coi vàng như một phương tiện đầu tư, một kho lưu trữ giá trị, như một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Họ có thể mua và bán nó như bất kỳ tài sản nào khác.
Nhưng đối với Trung Quốc thì khác. Nước này đang tiếp tục mua vàng với bất kể giá nào và giữ nó như thể đời sống của nền kinh tế phụ thuộc vào vàng. Dựa trên hành động của Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng con đường khả thi duy nhất mà họ thấy để đồng tiền của họ mạnh lên và để nền kinh tế của họ ở vị trí dẫn đầu là hỗ trợ nó bằng vàng. Nhìn qua lăng kính này, vàng trở nên vô cùng cần thiết cho mọi kế hoạch của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục mua vàng với tốc độ hiện tại đồng thời kiểm soát tỷ lệ sản xuất vàng ngày càng tăng trong và ngoài nước, thì khả năng cao là đồng Nhân dân tệ sẽ vươn lên vị trí là tiền tệ của nhóm BRICS.
Tham khảo: Kitco News