Vấn nạn mật ong giả tồi tệ đến mức nào: Không chỉ là phổ biến ở Việt Nam hay châu Á, thị trường khó tính như châu Âu cũng không thoát cảnh "3 phần mật, 7 phần đường"

Thiên Di | 17:03 15/05/2023

Bẫy mật ong giả đang khiến người tiêu dùng mất niềm tin và các doanh nghiệp chân chính gặp khó khăn.

Vấn nạn mật ong giả tồi tệ đến mức nào: Không chỉ là phổ biến ở Việt Nam hay châu Á, thị trường khó tính như châu Âu cũng không thoát cảnh "3 phần mật, 7 phần đường"

Theo một cuộc điều tra của Liên minh châu Âu (EU), gần một nửa số mật ong nhập khẩu vào khu vực bị nghi là giả.

Nghiên cứu của Văn phòng chống gian lận của Ủy ban châu Âu (OLAF) và trung tâm nghiên cứu Joint Research Centre (JRC) tiết lộ vụ lừa đảo lớn. Nhiều người tiêu dùng có thể đã mua phải mật ong giả được dán nhãn hàng thật.

Theo các cuộc điều tra của Uỷ ban châu Âu (EC), 320 mẫu mật ong đã được đem đi xét nghiệm. Kết quả là 147 mẫu mật ong nhập khẩu (tương đương 46%) bị nghi pha với đường làm từ gạo, lúa mì hoặc củ cải đường. Như vậy là không tuân thủ các yêu cầu về mật ong của EU.

Hầu hết mật ong giả có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ (93%) và Trung Quốc (74%). Ngoài ra, tất cả 10 loại mật ong được nhập khẩu thông qua Vương quốc Anh đều không đạt các bài kiểm tra. JRC cho rằng mật ong có thể đã được sản xuất ở các quốc gia khác trước khi được xử lý ở Anh và tái xuất khẩu sang EU.

Hình ảnh minh hoạ

Bẫy mật ong

“From the hives” là hoạt động do Tổng cục An toàn Thực phẩm và Sức khỏe của Ủy ban Châu Âu (DG SANTE) phối hợp với cơ quan chức năng của 18 quốc gia để chống mật ong giả.

133 doanh nghiệp (70 doanh nghiệp nhập khẩu và 63 doanh nghiệp xuất khẩu) có liên quan đến lô hàng mật ong nghi bị pha tạp chất. OLAF cho biết cho đến nay đã có 44 nhà khai thác bị điều tra.

Theo luật của EU, mật ong tự nhiên có chứa đường và phải giữ nguyên chất, không được bổ sung thành phần nào. OLAF nhấn mạnh hành vi pha trộn mật ong với nước hoặc đường rẻ tiền để tăng khối lượng là đang lừa gạt người tiêu dùng. Điều này cũng gây khó khăn cho các nhà sản xuất trung thực, vì họ phải cạnh tranh với các nhà khai thác bán phá giá.

Báo cáo cho biết giá trị trung bình của mật ong nhập khẩu vào năm 2021 tại EU là 2,32 euro/kg, trong khi si-rô đường làm từ gạo có giá khoảng 0,40 – 0,60 euro/kg.

Đối mặt với báo cáo gây xôn xao dư luận này, chính phủ Anh cho biết họ đang điều tra kết quả. Nhưng các quan chức bác bỏ tuyên bố rằng mật ong nhập khẩu bị pha tạp ở quy mô công nghiệp.

Tham khảo Euro News

Bài liên quan

(0) Bình luận
Vấn nạn mật ong giả tồi tệ đến mức nào: Không chỉ là phổ biến ở Việt Nam hay châu Á, thị trường khó tính như châu Âu cũng không thoát cảnh "3 phần mật, 7 phần đường"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO