USD giảm tiếp, vàng tăng mạnh, tài sản rủi ro cao lên ngôi

Vân Chi | 11:45 12/11/2022

Đồng USD giảm phiên thứ 2 liên tiếp khi các nhà đầu tư gia tăng ưa chuộng các loại tiền tệ rủi ro cao sau dữ liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến, làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.

USD giảm tiếp, vàng tăng mạnh, tài sản rủi ro cao lên ngôi

Đồng USD đã bắt đầu suy yếu từ thứ Năm (10/11), tiếp tục đà giảm sang thức Sáu (11/11) sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 7,7% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 1 và thấp hơn mức dự báo là 8%.

Các chiến lược gia cho biết, đợt tăng giá kéo dài của đồng đô la trong hai năm qua đã thu hút một loạt các nhà đầu cơ vào đồng USD, và dữ liệu về lạm phát khiến nhiều người trong số họ đang tìm kiếm một lối thoát nhanh chóng.

Marc Chandler, chiến lược gia thị trường trưởng thuộc Bannockburn Global Forex ở New York, cho biết: "Không chỉ những người theo xu hướng ngắn hạn, những nhà đầu tư khác cũng buộc phải thoát khỏi các vị thế bằng đồng USD".

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc phiên 11/11 giảm 1,56% so với phiên liền trước, xuống 106,51. Tính chung cả 2 phiên giao dịch, DXY đã giảm khoảng 3%, đúng với tốc độ giảm theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất trong hai ngày kể từ tháng 3 năm 2009. Tính từ đầu năm đến nay, DXY tăng khoảng 19% do Fed quyết tâm đưa lạm phát, vốn gần như đạt mức hai con số vào đầu năm nay, quay trở lại mục tiêu 2%.

Đồng đô la giảm 1,41% so với yên Nhật, xuống mức 138,96 JPY. USD đã tăng 22% giá trị so với yen trong năm nay, mức tăng mạnh nhất kể từ khi tăng 24% vào năm 1979. Trong khi đó, đồng euro tăng 1,09% so với đồng bạc xanh lên 1,0322 USD.

Kết quả khảo sát vừa công bố cho thấy tâm lý tiêu dùng của Mỹ tháng 11 giảm sút do những lo lắng dai dẳng về lạm phát và viêc gia tăng chi phí đi vay (lãi suất).

Các tiền tệ nhạy cảm với các yếu tố rủi ro, như đô la Úc và đô la New Zealand đều tăng hơn 1% so với đồng bạc xanh trong phiên vừa qua.

Ông Chandler của Bannockburn cho biết: "Đúng vậy, ngày càng có nhiều người tin rằng đồng đô la đã đạt đỉnh nhưng động thái giảm này quá sắc nét nên tôi cảnh báo mọi người không nên theo đuổi nó".

Các tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu, tiền tệ của thị trường mới nổi và hàng hóa đều tăng giá. Các nhà phân tích cho biết, lạm phát chậm lại khả quan đối với những người đi vay, nhưng lại lại phản ánh bối cảnh kinh tế đang chậm lại.

Chiến lược gia tiền tệ Jane Foley của Rabobank cho biết: "Có thể hơi nguy hiểm ở chỗ 'tin xấu' vẫn còn ở đó và có thể quay trở lại đốt cháy chúng tôi, đặc biệt là đối với Fed".

"Chúng tôi vẫn miễn cưỡng tham gia vào câu chuyện đồng đô la giảm giá trên diện rộng hơn nữa. Thứ nhất, bởi vì đơn giản là quá sớm để gọi là chiến thắng trong cuộc chiến lạm phát và sẽ cần thêm bằng chứng từ thị trường việc làm - vốn vẫn đặc biệt chặt chẽ", chiến lược gia Francesco Pesole của ING cho biết.

Nhu cầu gia tăng đối với các tài sản rủi ro được thúc đẩy bởi việc cơ quan y tế Trung Quốc nới lỏng một số hạn chế nghiêm ngặt chống COVID-19 ở nước này, bao gồm việc rút ngắn thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc gần với ca bệnh và khách du lịch nội địa.

Các nhà đầu tư dự đoán có 71,5% khả năng Mỹ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng tới, tăng so với mức 50/50 một tuần trước đây.

Đồng bảng Anh phiên vừa qua tăng 0,58% so với đồng đô la lên 1,17785 USD, sau khi dữ liệu của Anh cho thấy nền kinh tế nước này trong quý III không thu hẹp nhiều như dự kiến, mặc dù vẫn đang bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài.

Đồng đô la đã giảm 1,8% so với đồng franc Thụy Sĩ, xuống 0,94655 franc, sau khi Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ Thomas Jordan vào thứ Sáu cho biết rằng ngân hàng đã sẵn sàng thực hiện "tất cả các biện pháp cần thiết" để đưa lạm phát trở lại phạm vi mục tiêu 0-2%.

Đồng nhân dân tệ cũng tăng vọt khi các nhà đầu tư hoan nghênh việc nới lỏng nhẹ các quy tắc chống COVID ở Trung Quốc, bất chấp số ca nhiễm tăng mạnh trên toàn quốc.

Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài (CNH) kết thúc phiên 11/11 tăng 1,3% lên mức cao nhất trong hơn một tháng so với đồng đô la, lên 7,0592 CNH.

Trên thị trường nội địa, nhân dân tệ cũng kết thúc phiên ở mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 9, khi các nhà đầu tư hoan nghênh quyết định của chính phủ Trung Quốc trong việc nới lỏng một số biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt về COVID-19.

Đồng nhân dân tệ nội địa (CNY) kết thúc phiên ở mức 7,1106 CNY/USD, mức đóng cửa mạnh nhất kể từ ngày 30/9, tăng 739 pips, tương đương 1,04%, so với mức đóng cửa đêm trước đó.

Đồng Bitcoin tiếp tục trong bối cảnh thị trường tiền điện tử hỗn loạn sau khi àn giao dịch FTX sụp đổ.

Giá Bitcoin ngày 11/11.

Giá vàng tăng lên mức cao nhất gần ba tháng và đang hướng đến tuần tốt nhất kể từ tháng 7 năm 2020 khi các dấu hiệu hạ nhiệt lạm phát ở Mỹ củng cố đặt cược rằng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất trong tương lai.

Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 11/11 theo giờ Việt Nam tăng 0,5% lên 1.763,25 USD/ounce, sau khi trước đó tăng vọt lên mức cao nhất kể từ ngày 1/8. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,7% lên 1.766,20 USD. Trong tuần này, vàng thỏi đã tăng 4,8% giá trị.

Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao thuộc Kitco Metals, cho biết: "Các nhà đầu cơ giá lên đối với kim loại quý đã được ‘nạp năng lượng’ vào cuối tuần này khi yếu tố kỹ thuật cho thấy xu hướng giá vàng đang chuyển hướng sang tăng, cùng lúc với USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm".

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk


(0) Bình luận
USD giảm tiếp, vàng tăng mạnh, tài sản rủi ro cao lên ngôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO