Giới phân tích cho rằng, sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Fed và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá. Theo đó, kể từ đầu năm đến nay, NHNN hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng từ 1,25 điểm % đến 1,5 điểm %, trong khi Fed cũng đã thắt chặt thêm 4 lần, nâng lãi suất thêm 1 điểm %. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 393 đồng, tương đương 1,66%.
Hôm 11/9, lần đầu tiên trong lịch sử tỷ giá trung tâm vượt mốc 24.000 VND, tuy nhiên, sang ngày 12/9 giảm 24 đồng về còn 23.981 VND/USD. Nguyên nhân do đồng USD trên thị trường thế giới giảm mạnh trong giỏ thanh toán quốc tế trước dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố ngày 13/9, cùng với đó là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng rất khó đoán định động thái của Fed trong hai cuộc họp vào tháng 11 và 12/2023 do Fed có quan điểm các quyết định lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế ở thời điểm đó. Nghĩa là Fed vẫn bỏ ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa.
Đánh giá của giới chuyên gia cho rằng, trong trường hợp Fed tăng thêm lãi suất trong năm nay, các chuyên gia dự kiến tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng, đây là mức tăng không quá mạnh do thặng dư thương mại trong nước ghi nhận ở mức cao so với các năm trở lại đây.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng tỷ giá có xu hướng tăng cũng do chịu áp lực đồng nhân dân tệ (CNY) yếu đi, gây áp lực lên VND. Trung Quốc đã giảm lãi suất mạnh nhất kể từ năm 2020.
Liên quan đến vấn đề này, NHNN cho biết, thời gian vừa qua, mặc dù CNY và nhiều đồng tiền châu Á khác biến động mạnh nhưng tỷ giá USD/VND vẫn tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, do cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam là xuất nhiều - nhập nhiều, phụ thuộc phần lớn vào FDI nên cơ bản không ảnh hưởng, biến động quá lớn.
Tuy nhiên, ông Lực cho rằng xuất khẩu trước mắt có lợi khi giá cạnh tranh hơn, nhưng lâu dài sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Đặc biệt ở những lĩnh vực phụ thuộc nhập khẩu nguyên vật liệu quá lớn, mức độ hưởng lợi không nhiều.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, nhiều doanh nghiệp đã ký các đơn hàng với nước ngoài. Khi đó, họ cần mở rộng sản xuất, phải nhập khẩu các máy móc, thiết bị, linh phụ kiện, nguyên, vật liệu... Việc tỷ giá tăng sẽ gây ảnh hưởng tới nhóm doanh nghiệp này.
“Tôi hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ có xu hướng giảm và sớm ổn định trở lại. Bởi khi điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cần phải tính tổng thể nền kinh tế, đặt cao tính ổn định vĩ mô, giữ niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp”, ông Thịnh nói.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cũng nặng nỗi lo khi tỷ giá tăng giá vốn sẽ bị đẩy cao, kéo theo giá bán hàng hóa trong nước tăng lên. Một Công ty trong lĩnh vực da giày cho biết, hiện mỗi tháng doanh nghiệp nhập khẩu bình quân khoảng 16-17 triệu USD hàng hóa, theo tính toán của doanh nghiệp này, tỷ giá tăng thêm 1,6%, doanh nghiệp phải chi thêm khoảng 240.000 USD, tương đương hơn 5,7 tỷ đồng cho hàng hóa đầu vào. Bên cạnh đó, chi phí logistics cũng tăng theo. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp buộc phải chấp nhận “bóp” lợi nhuận để duy trì tính cạnh tranh.
Trong bối cảnh giá thành sản phẩm tăng do tác động từ tỷ giá nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá bán vì sợ người dùng cắt giảm chi tiêu. Vì thế, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn đang phải “gồng mình” cho khoản chênh lệch tỷ giá.
NHNN đang tỏ rõ sẵn sàng can thiệp sớm để giữ ổn định tỷ giá, bởi hiện nay kinh tế đang có các nền tảng vững chắc như: thặng dư thương mại ở mức cao; dòng vốn FDI và kiều hối ổn định; nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này có thể sẽ giúp hạn chế các kỳ vọng thái quá của thị trường và sớm đưa tỷ giá ổn định trở lại.