Ngày 30/4, dữ liệu từ văn phòng thống kê Đức cho thấy, doanh số bán lẻ tháng 3 tăng 1,8% so với tháng 2. Trước đó, các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters dự đoán mức tăng chỉ là 1,1%.
Nhà kinh tế trưởng Alexander Krueger tại Hauck Aufhaeuser Lamp Privatbank cho biết doanh số tăng đã chặn đứng xu hướng giảm gần đây. Ngày càng nhiều người hy vọng rằng mùa xuân sẽ thúc đẩy tiêu dùng hơn nữa.
Năm ngoái, giá cả tăng cao đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nhưng hiện tại, đó lại niềm hy vọng, mang lại động lực tăng trưởng đáng kể cho nền kinh tế Đức trong năm nay. Vì tiền lương thực tế được cho là đang tăng lên trong một thị trường lao động mạnh mẽ.
Doanh số bán thực phẩm tăng 3,6%, trong khi doanh số bán lẻ lĩnh vực phi thực phẩm giảm 0,2% trong tháng 3.
Viện Ifo cho biết chỉ số môi trường kinh doanh dành cho lĩnh vực bán lẻ, một trong những thước đo kinh tế quan trọng của Đức, cũng tăng trong tháng 4.
Chỉ số cho thấy tình hình kinh doanh hiện tại được cải thiện đáng kể và kỳ vọng về hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ cũng trở nên lạc quan hơn.
Chuyên gia Patrick Hoeppner của Ifo cho biết: “Các doanh nghiệp liên quan đến người tiêu dùng có khả năng hỗ trợ nền kinh tế nói chung vào năm 2024”.
Cuộc khảo sát của GfK vào tuần trước cũng cho thấy tâm lý người tiêu dùng Đức tăng lên trong tháng 5, do kỳ vọng thu nhập hộ gia đình sẽ tươi sáng hơn. Điều này duy trì lộ trình phục hồi dù đang diễn ra chậm chạp, do những bất ổn của kinh tế đất nước.
Trong quý 1 vừa qua, kinh tế Italy tăng trưởng 0,6%, còn kinh tế Đức giảm 0,3% trong cùng kỳ. Nhà kinh tế Jorg Kramer tại Commerzbank nhận định với DW: “Nền kinh tế Italy đã tăng trưởng 3,8% kể từ năm 2019. Con số này gấp đôi kinh tế Pháp và gấp 5 lần kinh tế Đức". Thông tin này làm dấy lên những dự đoán rằng Italy có khả năng thay thế Đức trở thành đầu tàu kinh tế châu Âu.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán mức tăng trưởng của Đức trong năm nay là 0,3%. Mặt khác, OECD dự đoán kinh tế Italy dự kiến tăng trưởng 0,7% trong năm nay.
Theo Reuters