Cách đây hơn 20 năm, vào ngày 18/5/2003, trong không khí cả nước long trọng chuẩn bị kỷ niệm sinh nhật lần thứ 113 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2003), tại TP Hạ Long chính thức phát lệnh khởi công Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy.
Sau 40 tháng thi công, ngày 2-12-2006, cầu Bãi Cháy đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây từng là cây cầu mang trong mình một kỷ lục chưa từng có trên thế giới (vào năm 2006), chiều dài nhịp chính lên đến 435m, bằng kết cấu nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực, dầm hộp được treo trên một mặt phẳng dây văng ở giữa. Cầu thứ hai có cùng loại kết cấu này là cầu Elom (Pháp) với chiều dài nhịp chính tương ứng cũng chỉ đạt 400m. Còn thứ 3 là cầu nổi tiếng Sunshine Skyway (Mỹ) mới dài 366m. Một số cầu khác như Brotonne (Pháp) chiều dài nhịp tương ứng 320m và cầu Puenete Coatzacoaltos (Mexico) có nhịp chính dài 288m.
Sau này, nhiều cây cầu dây văng với nhịp chính dài hơn đã được xây dựng trên thế giới. Một số cây cầu lớn hơn như cầu Russky ở Nga (1104m) và cầu Sutong ở Trung Quốc (1088m) đã vượt qua thành tích của cầu Bãi Cháy.
Công trình được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ, với tổng mức đầu tư xây dựng là 2.140 tỷ đồng.Tại công trình này, nhiều công nghệ, kỹ thuật thi công tiên tiến lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam như biện pháp thi công móng giếng chìm hơi ép, móng cọc Shinco… Ông Kyoshi Yoshida, chuyên gia của Nhật Bản đánh giá cao khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ thi công của các kỹ sư Việt Nam.
Cầu Bãi Cháy mang một thiết kế với điểm nhấn chính gồm những sợi dây văng nối mặt phẳng dây thẳng đứng. Từ trên cao, cầu Bãi Cháy như một cây đàn khổng lồ chiếm trọn một khoảng không to lớn. Cầu có chiều dài 2.487, chiều rộng 25,3m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn đường dành cho người đi bộ. Phần cầu chính dài 435m, nhịp chính giữa cầu dài 435m.
Đường dẫn lên cầu là đường đô thị cấp 2 dài 5 km, có tám cầu dẫn với tổng chiều dài 1,172 km. Cầu có khả năng chịu được động đất cấp 7. Chân trụ hai bên cầu cao đến 90m/tháp, là điều kiện để cầu chịu đựng được bất kể thời tiết khó chịu đến thế nào. Đây là loại công nghệ hiện đại chỉ được sử dụng tại các nước phát triển.
Lần đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hai tháp cầu thẳng trên nền móng giếng hơi chìm xuống với độ ép kích thước hạng nặng. Với cầu Bãi Cháy, nó càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Bởi vì eo biển Cửa Lục mà cây cầu bắc qua là luồng vào cảng nước sâu Cái Lân và khu công nghiệp đóng tàu trọng tải trên 10.000 tấn. Vì vậy, yêu cầu đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền vào cảng là bắt buộc. Cầu Bãi Cháy được thiết kế cao 50m so với mặt nước biển, rộng 130m đã đáp ứng được điều đó, đảm bảo các tàu trọng tải 5 vạn tấn đều có thể qua lại bình thường.
Phải mất hết 20 năm thì cây cầu này mới thực sự hoàn thành sau rất nhiều sự lựa chọn thay đổi, dự án xây dựng cầu được thông qua. Mặc dù là cây cầu lớn về quy mô và phức tạp về kỹ thuật, nhưng chỉ sau hơn 40 tháng thi công, ngày 2/12/2006, cầu Bãi Cháy đã chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng (về đích trước tiến độ khoảng 3 tháng).
Cuối năm 2014, một doanh nghiệp đã tài trợ hệ thống đèn khoảng 40 tỷ đồng, gồm 8.888 chiếc đèn led với 16 triệu màu, trong đó phổ biến là các sắc màu đỏ, vàng, cam, lục, lam, chàm, tím. Dàn đèn led được vận hành làm cho cây cầu Bãi Cháy thành cung đàn ánh sáng rực rỡ trong đêm, tô điểm cho vịnh Hạ Long thêm lung linh huyền ảo.
Với kiến trúc thanh mảnh, hiện đại, cầu Bãi Cháy đem lại một nét kiến trúc mới, tô điểm và tôn thêm cho vẻ đẹp của vịnh Hạ Long. Mảnh đất Quảng Ninh có thêm một dấu ấn để nhớ, dấu ấn về một công trình hạ tầng hiện đại, có tính thẩm mỹ cao, trong một khung cảnh thật thơ mộng, đúng như một nhạc sĩ đã ví cầu Bãi Cháy là “Cung đàn Hạ Long” - một kỳ quan mới được tạo dựng từ trí tuệ, công sức của con người, rất hài hòa với kỳ quan của tạo hóa - vịnh Hạ Long.
Lúc chưa có cầu Bãi Cháy, mọi hoạt động đi lại đều bằng phà. Hai đầu phà nằm song song với cầu. Khi cầu Bãi Cháy đi vào hoạt động cũng là lúc kết thúc sứ mệnh lịch sử sau hơn 50 năm hoạt động của bến phà Bãi Cháy. Từ đây, mọi phương tiện giao thông từ Thủ đô Hà Nội tới Móng Cái (Quảng Ninh) - nơi địa đầu Tổ quốc, không còn cảnh phà, đò nữa. Điều này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ với Quảng Ninh mà cho cả toàn khu vực các tỉnh phía Bắc.