Thật khó để tin rằng một người vô gia cư có thể trở thành tỷ phú. Song John Paul DeJoria, đồng sáng lập công ty chăm sóc tóc John Paul Mitchell Systems và sản xuất rượu cao cấp Patrón Spirits đã chứng minh không gì là không thể. Theo Celebrity Net Worth, vị tỷ phú 78 tuổi hiện có tài sản ròng ước tính khoảng 3 tỷ USD.
Tỷ phú John Paul DeJoria
Câu nói giáo viên trở thành hú hích để làm lại từ đầu
John Paul DeJoria sinh ra trong một gia đình nghèo có có 2 anh em trai. Bố mẹ của ông đều là dân nhập cư Mỹ. Khi mới 2 tuổi, cha mẹ của ông đã li dị và quyền nuôi con thuộc về người mẹ. Từ năm 9 tuổi, ông đã cùng anh trai đi bán báo và thiệp giáng sinh khắp nơi để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên gia cảnh khó khăn khiến người mẹ buộc phải gửi cả 2 anh em vào cô nhi viện.
Quãng thời gian sau đó DeJoria đã tham gia vào một nhóm giang hồ đường phố. Nhưng ông đã quyết định thay đổi cuộc đời sau khi bị giáo viên cho rằng "sẽ không thể thành công dù làm gì đi chăng chăng nữa".
"Lúc đó, tôi biết mình không còn con đường nào khác ngoài việc phải tiến lên. Bạn không thể chờ đợi những bữa ăn miễn phí đến với mình được. Điều đó sẽ chỉ kéo bạn càng tụt lùi hơn mà thôi”, John Paul DeJoria chia sẻ.
Từ đây, ông lại làm đủ nghề để kiếm sống. Không có tiền trả học phí, chàng thanh niên ngày đó lại nghĩ tới việc bán sách và bách khoa toàn thư.
"Khoảng thời gian ấy, tôi tới gõ cửa từng ngôi nhà để bán sách. Rất nhiều cánh cửa đã đóng sầm trước mắt tôi. Nhưng tôi có thể làm tất cả mọi thứ, ngoại trừ việc dựa dẫm vào người khác", ông nói.
Mọi cố gắng cuối cùng đã giúp DeJoria bén duyên với ngành kinh doanh chăm sóc tóc tại hai công ty Redken và Fermodyl Hair Care. Nhưng trớ trêu thay, chỉ sau một thời gian, DeJoria cũng bị sa thải khỏi hai công ty này.
Ông từng trải qua một tuổi thơ cơ cực
Từ cậu bé vô gia cư trở thành tỷ phú
Sau bao nỗ lực nhưng lại trở về với thất nghiệp và nghèo đói, DeJoria hoàn toàn có đủ lý do để buông xuôi và chấp nhận cuộc sống nhờ vào tiền trợ cấp. Thế nhưng ông đã cùng một người bạn của mình, Paul Mitchell dốc túi làm lại lần nữa với số vốn chỉ vỏn vẹn 700 USD.
Thời điểm đó, các hình thức quảng cáo trên Internet chưa được phổ biến. Vì vậy, để tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc tóc, ông đã phải đi đến từng nhà phân phối, thuyết trình trực tiếp.
Cuối cùng, thành công đã đến, ông đã có hóa đơn đầu tiên. Kể từ đó, các sản phẩm dần dần được bán một cách phổ biến, đưa Paul Mitchell trở thành công ty triệu USD chỉ sau hai năm. Sự kiên trì đã giúp Jaul Paul DeJoria từ một startup với nguồn vốn vỏn vẹn 700 USD thành doanh nghiệp tỷ USD, biến người ông vô gia cư năm nào đứng vào hàng ngũ tỷ phú.
Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục tiên phong đầu tư vào những lĩnh vực mới mẻ khác. Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ông đã đầu tư tiền vào một công ty chuyên sản xuất điện thoại di động. Ngoài ra, ông còn mở một chuỗi các tiệm chăm sóc chó mèo.
Năm 1989, DeJoria sáng lập thương hiệu sản xuất rượu cao cấp Patron Spirits và tiếp tục gặt hái thành công. Hiện nay, mỗi năm Patron Spirits cung cấp hơn 2 triệu chai rượu Tequila ra thị trường.
Chưa bao giờ đo thành công bằng tiền
Dẫu sinh ra trong nghèo khó, DeJoria không đo lường sự thành công bằng tiền bạc, theo CNBC. Ông cho rằng, thành công hiện tại là có thể giúp đỡ được nhiều người đang khó khăn về tiền bạc để đổi lại niềm vui to lớn và sự phấn khởi tột độ từ phía họ.
"Tôi từng chẳng có gì trong tay, vì thế tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc khi có tiền và cho đi. Đây là cách tôi trả tiền thuê nhà cho hành tinh này để chia sẻ với những người kém may mắn hơn".
Tỷ phú nhớ lại khoảnh khắc mẹ ông cứu giúp một người lính và nói với ông: "Chúng ta có thể nghèo, nhưng có nhiều người còn kém may mắn hơn. Vậy nên đừng ngần ngại giúp đỡ dù đó chỉ là một điều gì đó nhỏ bé."
Những lời dạy này luôn khắc sâu trong tâm trí và trở thành hành trang đồng hành suốt thành trình còn lại của tỷ phú này. Năm 2011, DeJoria tham gia "Lời cam kết cho đi" của Bill Gates và Warren Buffett, trao một nửa tài sản của mình để làm từ thiện. Ngoài ra, ông còn thành lập quỹ để bảo vệ môi trường, giúp đỡ người nghèo và bảo vệ quyền động vật.
Thông qua quỹ của mình, vị tỷ phú này đã quyên góp được hàng triệu USD hỗ trợ hơn 160 tổ chức từ thiện trên khắp thế giới, bao gồm Grow Appalachia - một chương trình cung cấp hạt giống và công cụ để giúp các gia đình nghèo ở sáu bang khắp miền trung Appalachia tự trồng lương thực đến chống suy dinh dưỡng; và Sea Shepherd - một "xã hội" bảo tồn động vật hoang dã biển đối đầu với nạn săn bắn trái phép động vật hoang dã trên các đại dương.
Tổng hợp