TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm: “Thành phố trong Thủ đô không nên chỉ là đổi tên và thay con dấu”

Lê Sáng | 10:02 03/07/2023

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng thành phố trong Thủ đô Thủ đô cần hoàn thành chỉ tiêu đô thị hóa thay vì chỉ là đổi tên và thay con dấu.

TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm: “Thành phố trong Thủ đô không nên chỉ là đổi tên và thay con dấu”
Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, dự án trọng điểm bên cạnh Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xem là "lõi" của thành phố Phía Tây Thủ đô theo phương án mà thành phố Hà Nội đang chuẩn bị trình HĐND thành phố thông qua. Ảnh: Lê Sáng

Vào ngày 6/7 tới, UBND TP Hà Nội sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Tờ trình về việc thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, UBND TP. Hà Nội nêu thành phố sẽ có nhiều nội dung trong định hướng phát triển không gian toàn đô thị với đô thị trung tâm; thành phố phía Tây và các đô thị vệ tinh; các thị trấn sinh thái…

ts-dao-ngoc-nghiem.jpg
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

Tiêu chí đô thị hóa là yếu tố quyết định

Bình luận với PV MarketTimes về việc nâng cấp một số quận, huyện lên thành phố trực thuộc Thủ đô, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng việc nâng cấp các quận huyện lên thành phố trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội cần đặt mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu đô thị hóa lên trên hết thay vì chỉ chú trọng vào cái tên và thay con dấu của các cơ quan quản lý hành chính.

Theo ông Nghiêm, về mô hình quy hoạch đô thị, Hà Nội đã xác định 3 hướng phát triển bên cạnh đô thị lõi là các đô thị vệ tinh, khu vực Bắc sông Hồng và khu vực phía Tây. Còn việc đặt vấn đề thành phố Phía Tây hay Phía Bắc... nên dựa vào tiêu chí về đô thị hóa chứ không phải thời điểm theo kế hoạch nào đó và đây không phải là việc điều chỉnh quy hoạch.

Ông Nghiêm cho rằng trong câu chuyện này, Hà Nội phải có sự quyết tâm và kết nối giữa các sở ban ngành chứ không phải mạnh ai nấy làm, lợi ích ngành, lợi ích nhóm, tránh việc trở thành nguồn cơn gây ra sốt đất.

“Xét cho cùng, bản chất của việc phát triển đô thị là giúp cho hạ tầng đồng bộ, đi lên chứ không phải là cái tên gọi gọi là thành phố hay quận huyện, đó chỉ là tên gọi thông thường chứ không phải là cái thể hiện cấp độ đô thị”, TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

Nghị quyết Quốc hội đã có quy định

Theo TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm, tại thời điểm năm 2011 khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch chung) thì chưa có mô hình thành phố trong thành phố.

Phải đến tháng 10/2016, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết 1210/2016 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211/2016 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính thì mới xác định và công nhận có thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian qua, TP HCM đã triển khai mô hình này, song TP Thủ Đức có tính đặc thù là đô thị đã có quá trình phát triển, ông Nghiêm cho biết.

Đối với Hà Nội, TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng khi triển khai mô hình thành phố trong Thủ đô, cần có cách tiếp cận đồng bộ từ các chỉ tiêu để công nhận, với giải pháp có tính thực tiễn cao. Phải xác định mô hình phát triển bao trùm, chủ đạo là đô thị hóa còn tên gọi thì đã có quy định, tiêu chí cụ thể.

Quy hoạch cũ còn không ít vấn đề đặt ra

Năm 2011, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch chung) được phê duyệt đã đặt ra mục tiêu đưa Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế, có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.

Thực tế cho thấy, sau khi TP Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tháng 7/2011, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng kể, khá toàn diện, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh, hiện đại, giá trị văn hóa, truyền thống ngàn năm văn hiến được giữ gìn, phát huy.

Quy hoạch năm 2011 đã xác định Thủ đô là mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn. Đây là mô hình phù hợp với thực tiễn Hà Nội, dựa trên kinh nghiệm phát triển London (Anh), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc)... và sự sáng tạo của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm, qua rà soát kết quả thực hiện hơn 10 năm qua cho thấy sự bất cập trong phát triển đô thị vệ tinh, chưa gắn kết phát triển nông thôn mới với đô thị hóa... nhưng có thể nói đến nay đây vẫn là mô hình hợp lý, là giải pháp tốt để hướng tới xây dựng Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Thông minh”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm: “Thành phố trong Thủ đô không nên chỉ là đổi tên và thay con dấu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO